Ngày 28/3, tờ Jerusalem Post của Israel xuất bản bài viết: "Iran and US preparing for new round of conflict in Iraq" (tạm dịch: Iran và Mỹ đang chuẩn bị cho vòng xoáy xung đột tiếp theo ở Iraq) của tác giả Seth J.Frantzman.
Trong bối cảnh Mỹ rút bớt lực lượng tại Iraq và lực lượng thân Iraq ở nước này mới tiến hành một cuộc tập trận, nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều (Jerusalem Post là tờ báo của Israel), chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Covid-19 có phải là "giọt nước tràn ly" khiến Mỹ "buông bỏ" Iraq?
Các báo cáo về tình hình ở Iraq đã bắt đầu chỉ ra cho các nhà phân tích thấy một cuộc xung đột lớn sẽ diễn ra ở giữa Mỹ và Iran sau một năm đối đầu với các cuộc tập kích bằng rocket, tên lửa và đáp trả bằng không kích.
Những tuần qua, liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã bàn giao một số căn cứ và "tạm thời" đình chỉ việc huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq. Một số đồng minh châu Âu của Mỹ đã bắt đầu rút quân về nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đã "buông bỏ" quốc gia Trung Đông này cho Iran. Iraq trong bối cảnh hiện tại trông giống như một võ đài với hai võ sĩ đang chuẩn bị cho hiệp đấu tiếp theo.
Trong tuần qua, tờ New York Times đưa tin rằng Lầu Năm Góc đã bí mật vạch kế hoạch leo thang hoạt động quân sự ở Iraq nhằm vào các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.
Tổ chức của các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq tương đối phức tạp và nằm trong lực lượng bán vũ trang Đơn vị Huy động Phổ biến (PMU/PMF) là một phần của lực lượng an ninh Iraq và được xây dựng theo "hình mẫu" của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Vào tháng 1/2020, Abu Mahdi al-Muhandis, chỉ huy phó của PMU và cũng là người đứng đầu Kataib Hezbollah cùng với Tướng Qasem Soleimani (lãnh đạo Lực lượng Quds thuộc IRGC) đã bị máy bay không người lái (UAV) của Mỹ sát hại.
Theo phía Mỹ, Muhandis đã tham gia việc chỉ huy các cuộc tập kích bằng rocket vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq trong suốt năm 2019.
Các tay súng Kataib Hezbollah trong cuộc tập trận “Haunting Crows” (tạm dịch: Tiếng quạ réo vong hồn) hôm 27/3.
Nhưng cái chết của Muhandis không khiến các cuộc tập kích kết thúc, vào ngày 11/3, 2 lính Mỹ và 1 lính Anh đã thiệt mạng trong một cuộc tập kích mới vào căn cứ Taji, điều này đã kích hoạt các cuộc không kích vào các địa điểm của Kataib Hezbollah ở Iraq để trả đũa.
Điều đáng quan tâm là để trả đũa cho cái chết của Tướng Soleimani, Iran cũng đã tập kích bằng tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ Mỹ ở Iraq vào ngày 8/1. Điều này khiến việc Mỹ cáo buộc Kataib Hezbollah là "kẻ thủ ác" trong vụ tập kích hôm 11/3 được cho là khá dễ hiểu.
Nhưng không chỉ người Mỹ mà cả Iran lẫn Iraq đều đang đối mặt với Covid-19 và họ cũng có ít nguồn lực hơn Mỹ để đối phó với nó.
Tất cả chỉ là động tác chuẩn bị cho cuộc tấn công phủ đầu của người Mỹ?
Chính trong bối cảnh dịch bệnh nói trên, người Mỹ rõ ràng đã lên một chiến lược rõ ràng nhằm vào Kataib Hezbollah. Câu hỏi được đặt ra là chiến dịch này sẽ chỉ đơn thuần là phòng thủ hay sẽ là một cuộc tấn công phủ đầu?
Quân đội Mỹ đã di chuyển lực lượng ở Iraq, hợp nhất một số căn cứ ở Iraq (với tuyên bố chính thức là do đại dịch Covid-19). Động thái này có thể sẽ làm giảm thiểu các mục tiêu mà Kataib Hezbollah có thể tấn công trong trường hợp xung đột leo thang.
Washington đang tỏ ra thận trọng khi triển khai thêm binh lính đến Iraq (con số hiện tại được cho là khoảng 5.000). Số quân nói trên kết hợp với hỏa lực của không quân Mỹ được đánh giá là đã đủ để chống lại lực lượng PMU có quân số khoảng 100.000 và tiêu diệt Kataib Hezbollah.
Mỹ đã đưa các hệ thống phòng không Patriot PAC-3 tới miền tây Iraq để chuẩn bị cho "tình huống xấu nhất".
Theo tờ The Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã lập kế hoạch cho một hoạt động mới tại Iraq và để Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn.
Nhiệm vụ chính của Liên minh do Mỹ lãnh đạo là chống lại nhóm khủng bố IS. Tuy nhiên, Washington đã tiến hành mở rộng hoạt động ở cả Iraq và Syria sau sự thất bại của IS ở Mosul và Raqqa vào năm 2017.
Còn ở Iraq, các chỉ huy người Mỹ nói với người Iraq rằng nhiệm vụ của họ ở Iraq sẽ không thay đổi. Họ đang truy quét IS theo lời mời của Baghdad.
Nhưng những tuyên bố từ Washington và cuộc không kích vào vị trí của Kataib Hezbollah đang được các đảng phái chính trị Hồi giáo Shia ở Iraq sử dụng để lên án và yêu cầu Mỹ rút quân.
Việc Mỹ sẽ lên kế hoạch trả đũa trong trường hợp dân quân được Iran hậu thuẫn leo thang có đồng nghĩa với một cuộc không kích như trước đây hay là một chiến dịch quân sự toàn diện vẫn chưa được làm rõ.
Các lực lượng thân Iran (IRGC, PMU và Hezbollah) cho biết họ đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất với người Mỹ và đại dịch Covid-19 sẽ không làm giảm nguy cơ này.
Tuy nhiên "lực lượng ủy nhiệm của Iran" nói trên cũng đủ thông minh để Mỹ không thể vin vào một cái cớ cụ thể để kích hoạt kế hoạch.
Sau cuộc không kích của Mỹ vào ngày 13/3 để trả đũa vụ tập kích căn cứ Taji, một nhóm vũ trang mới có tên Osbat al-Thaereen đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tập kích vào ngày 16/3.
Đây là mô hình thông thường của các nhóm vũ trang thân Iran nhằm đối phó với các cáo buộc tương tự như cách mà Hezbollah đã sử dụng ở Lebanon.
Ở Iraq, PMU khá tương đồng với IRGC, một tổ chức quân sự cấp nhà nước và vì vậy họ muốn một "thế thân" cho Kataib Hezbollah.
Đám khói bốc lên sau một đợt tấn công bằng rocket vào vị trí của Mỹ tại Iraq.
"Đạn đã lên nòng" ở Iraq?
Người Mỹ đang củng cố các căn cứ còn lại bằng hệ thống phòng không Patriot và đã ra "tối hậu thư" cho Iraq trong vòng 30 ngày phải ngừng nhập khẩu khí đốt từ Iran.
Ngược lại, hôm 27/3 Kataib Hezbollah đã tiến hành một cuộc tập trận với mục tiêu kháng chiến chống lại người Mỹ. Cuộc tập trận nhằm mục đích chuẩn bị cho giao tranh ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị trong bối cảnh đối phương làm chủ bầu trời.
Ngoài Kataib Hezbollah, một số lữ đoàn của PMU cũng đã tham gia cuộc tập trận.
Các đường phố vắng người ở Iraq (do lệnh giới nghiêm liên quan tới Covid-19) sẽ khiến việc ngụy trang các bệ phóng rocket trong xe tải hoặc trong các tòa nhà khó khăn hơn, việc hợp nhất các căn cứ quân sự cũng khiến khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ tốt hơn.
Nhưng quyết định có đẩy căng thẳng lên cao hơn nữa hay không lại không nằm ở Baghdad mà là từ những lãnh đạo ở Tehran và Washington.
Trong bối cảnh đại dịch hiện tại, Lầu Năm Góc và công chúng Mỹ trở nên rất nhạy cảm nếu một vòng xoáy xung đột mới nổ ra ở Iraq. Còn Iran, họ cũng phải cân nhắc có nên tạm dừng hành động cho tới khi người Mỹ rút hết quân khỏi Iraq hay không.
Các tính toán nói trên rõ ràng phải được liên kết giữa căng thẳng ở Iraq với các vấn đề lớn hơn ở cấp độ khu vực và trên phạm vi toàn cầu.