Nếu Arab Saudi rút quân khỏi Yemen, chiến tranh kết thúc?
Hodeidah, cảng biển lớn nhất của Yemen, đã yên bình trở lại nhờ lệnh ngừng bắn được các bên tham chiến thực thi từ tháng 12/2018 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Nhưng ở vùng ngoại ô của thành phố cảng, giao tranh đẫm máu giữa lực lượng Houthi và Liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu vẫn tiếp tục diễn ra.
Số người thiệt mạng vẫn tiếp tục leo thang song hành với nạn đói đang lan tràn. LHQ cảnh báo vào tháng 2/2019 rằng Cuộc khủng hoảng nhân đạo Yemen được coi là vấn đề tồi tệ nhất trên thế giới hiện tại.
Bản đồ thành phố cảng Hodeidah hôm 3/5.
Tại Washington, một dàn đồng ca của các nhà phân tích và chính trị gia đang kêu gọi Hoa Kỳ rút lại sự ủng hộ cho các nỗ lực chiến tranh của Arab Saudi và biến lệnh ngừng bắn do LHQ làm trung gian thành một giải pháp hòa bình lâu dài.
Lập luận của họ là quá trình này là giải pháp duy nhất về mặt đạo đức và chiến lược. Tuy nhiên nhìn vào tương lai, đây là lựa chọn ít có khả năng ngăn chặn việc giết chóc tiếp diễn.
Cuộc can thiệp của Liên minh do Saudi dẫn đầu đang làm trầm trọng thêm tình hình chiến sự ở Yemen, nhưng nó không phải lý do ban đầu của cuộc chiến. Cho nên việc Arab Saudi rút khỏi Yemen sẽ không ngăn chặn đổ máu và đem lại hòa bình.
Thay vào đó, cuộc chiến sẽ tiếp diễn, người dân Yemen vô tội sẽ tiếp tục thiệt mạng cho đến khi một bên tham chiến (nhiều lý do để tin rằng đó là lực lượng Houthi) giành chiến thắng.
Hòa bình thực sự ở Yemen là điều không thể trừ khi các bên tham gia xung đột chấp nhận rằng họ không thể kiếm thêm bất kỳ lợi ích gì từ việc tiếp tục bắn giết.
Hôm 28/4 Houthi đã phát động một cuộc tấn công ở khu vực phía nam Hodeidah nhằm vào các khu vực các lực lượng do UAE hậu thuẫn. Được hỗ trợ bởi pháo hạng nặng, Houthi xung phong vào tuyến phòng thủ Quận Hays.
"Hơi thở của chiến tranh" vẫn tiếp tục len lỏi khắp Yemen
Trong lịch sử các cuộc nội chiến tương tự như Yemen, kết thúc là khi một bên giành chiến thắng quân sự có tính chất quyết định hoặc bên thứ ba tham gia đàm phán dàn xếp việc chia sẻ quyền lực giữa các phe phái.
Ở Trung Đông, phương án rút bỏ và để mặc cho cuộc nội chiến tiếp diễn thường có nghĩa là chấp nhận đổ máu một cách khủng khiếp bằng các cuộc thanh trừng.
Ví dụ: Syria san bằng thành phố Hama, thành trì đối lập lớn nhất năm 1982, hay các vụ thanh lọc sắc tộc có hệ thống nhằm vào người Kurd vào cuối những năm 1980 ở Iraq.
Những "chiến thắng" đó đã chấm dứt nhanh chóng các cuộc xung đột. Nhưng cái giá phải trả là hàng chục hoặc hàng trăm nghìn mạng sống.
Hôm 29/4, tờ DW đưa tin Đức vẫn tiếp tục huấn luyện binh sĩ Arab Saudi bất chấp sự phản đối của các nhà lập pháp nước này (Ảnh AP).
Một thỏa thuận chia sẻ quyền lực và tái định cư cho các phe phái như cách đang diễn ra tại Syria có thể kết thúc cuộc chiến sớm hơn và ít đổ máu hơn.
Nhưng các phe phái ở Trung Đông nói chung không đồng ý với các "trại tập trung" như vậy cho đến khi gặp phải bế tắc quân sự khiến tất cả các bên hiểu được rằng không thể giành chiến thắng.
Ngay cả khi tham gia thỏa thuận, các bên tham chiến vẫn cần cam kết để khẳng định khi họ hạ vũ khí sẽ không bị tàn sát. Điều kiện này đôi khi chỉ có thể được đáp ứng với một cam kết với các lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài trong ít nhất một thập kỷ.
Và một khi các bên đã đến bàn đàm phán, việc đàm phán thành công bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ bao gồm chia sẻ quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế tương xứng với số lượng nhân khẩu học do từng phe phái kiểm soát.
Trong trường hợp Yemen, việc rút lại sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, phần lớn là thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho Arab Saudi sẽ cản trở các nỗ lực quân sự để đẩy lùi Houthi và đồng minh Iran.
Trên thực tế, những lời chỉ trích của Quốc hội Hoa Kỳ đối với Arab Saudi đã khuyến khích Houthi quyết tâm chiến đấu.
Sau cuộc ngưng bắn của LHQ, Houthi đã củng cố các vị trí của họ trong thành phố Hodeidah, vi phạm trực tiếp các điều khoản của Hiệp định.
UAE tuyên bố Houthi đã củng cố các tuyến phòng thủ ở Hodeidah (Ảnh AP).
Việc cắt giảm sự hỗ trợ của Mỹ cho Saudi có thể khiến Houthi giành chiến thắng quân sự trên chiến trường, giống như cách mà Chính phủ Syria, Iran và Nga đang đạt được ở Syria trước các phe phái đối lập.
Kết quả này là "khúc xương khó nhằn" với Mỹ. Houthi không che giấu việc họ chống Mỹ, chống Israel và ngày càng thể hiện việc chống lại Hồi giáo Sunni.
Là một tập hợp các bộ lạc dưới một gia tộc có đức tin Hồi giáo Shia, Houthi cai trị Yemen sau chiến tranh đồng nghĩa sẽ diễn ra các cuộc thanh lọc đẫm máu.
Quốc hội Hoa Kỳ có thể không thích sự can thiệp của Arab Saudi và các nhà phê bình đã đổ lỗi rằng can thiệp đã làm tăng sự phụ thuộc của Houthi vào Iran, do đó tăng cường ảnh hưởng của Teheran ở nước này.
Nhưng ảnh hưởng đó đã trở thành một thực tế khi Houthi đã bắn tên lửa do Iran sản xuất vào Thủ đô Riyadh của Arab Saudi và các tàu (bao gồm cả tàu chiến của Hoa Kỳ) di chuyển ở Bab el-Mandeb, tuyến đường vận chuyển quan trọng nối Biển Đỏ đến Vịnh Aden.
Houthi chiến thắng, một kết thúc đẫm máu cho cuộc nội chiến đồng nghĩa với việc Iran sẽ làm suy yếu thêm lợi ích của Mỹ và làm kinh hoàng các đồng minh Sunni trong khu vực.
Việc ngừng bắn đã được ủng hộ trên trường quốc tế, với hy vọng rằng Hodeidah một lần nữa có thể trở thành tuyến huyết mạch nhân đạo cho đất nước bị chiến tranh tàn phá. Sự thật phũ phàng là lệnh ngừng bắn ở Hodeidah chỉ xuất hiện dưới áp lực quân sự.
Viễn cảnh về một cuộc tấn công mang tính chất hủy diệt của Liên minh vào Hodeidah đã buộc Houthi phải lựa chọn giữa việc tham gia thỏa thuận và tiếp tục kiểm soát thành phố hoặc để mất nó và ít con bài mặc cả hơn trong tương lai.
Khi đã có lệnh ngừng bắn, Houthi không còn chịu áp lực quân sự sẽ không tuân theo một thỏa thuận hòa bình toàn diện hơn. Họ và Iran biết rằng thực hiện một thỏa thuận sẽ chỉ làm giảm sức mạnh của họ, trong khi một chiến thắng quân sự sẽ tăng cường nó.
LHQ và cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc thay thế áp lực quân sự đối với Houthi bằng áp lực ngoại giao đối kháng. Những gì còn lại ở Yemen hiện tại được mô tả là một vở kịch hòa bình, một ảo ảnh về sự tiến bộ mang theo nó hơi thở của chiến tranh toàn diện ở Hodeidah.
Giao tranh tại Hodeidah ngay trước thềm cuộc ngưng bắn do LHQ bảo trợ (Nguồn: al Jazeera).
Người Mỹ có thể làm gì để chấm dứt chiến tranh bằng cách "ném thêm bom xăng"?
Theo cách các cuộc nội chiến kết thúc trong lịch sử, chúng ta thấy ánh sáng của một cách tiếp cận hoàn toàn bất thường.
Thay vì việc bỏ rơi Arab Saudi, Hoa Kỳ sẽ tăng cường hỗ trợ cho liên minh để chiếm được Hodeidah, và sau đó sử dụng kết quả này để ép buộc cả hai phía phải chấm dứt chiến tranh bằng việc ký kết một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Kịch bản này có lẽ là giải pháp ngắn hạn duy nhất có thể chấm dứt nội chiến, giết chóc và loại bỏ sự hiện diện của cả Arab Saudi và Iran ở Yemen.
Một chiến thắng của liên minh ở Hodeidah là khó khăn nhưng vẫn có tiềm năng đạt được. Các lực lượng do chính phủ Yemen tập hợp bên ngoài thành phố đã gặt hái nhiều thành công về quân sự, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ UAE.
Năm 2016, một lực lượng nhỏ bé gồm các binh sĩ Yemen và UAE đã chiếm được Aden, một thành phố cảng lớn hơn nhiều nếu so với Hodeidah. Năm 2017, binh lính UAE và các bộ lạc Yemen đã tiến quân vào Mukalla, một thành phố cảng lớn khác.
Chiến thắng ở Hodeidah sẽ cho phép Saudi và UAE báo hiệu cho Iran, đối thủ trong khu vực của họ và cho chính người dân của họ rằng họ mạnh mẽ và nguy hiểm nếu bị khiêu khích.
Mất Hodeidah sẽ khiến Houthi hiểu rằng họ không thể thắng, và nếu họ tiếp tục ngoan cố, họ có thể mất nốt quyền kiểm soát Thủ đô Sanaa và các lãnh thổ khác ở Yemen mà họ đã chiếm được từ năm 2014.
Iran có thể sẽ khuyến khích Houthi tiếp tục chiến đấu trận chiến cầm chắc thất bại, nhưng điều này sẽ giúp Houthi hiểu rằng lợi ích mà Tehran hướng tới không tương đồng với lợi ích của họ.
Đối với Arab Saudi, Washington có thể cảnh báo họ rằng nếu họ cản trở tiến trình hòa bình và tiếp tục phiêu lưu sau chiến thắng Hodeidah, Hoa Kỳ sẽ đình chỉ tất cả viện trợ quân sự.
Tối hậu thư đó sẽ thuyết phục họ bỏ cuộc vì hoạt động quân sự của họ ở Yemen đã bị sa lầy và gây ra hình ảnh xấu trên phạm vi quốc tế.
Hơn nữa chiến thắng quân sự tại Hodeidah sẽ mang lại cho Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman một chiến thắng "thể diện" mà ông cần để rút quân.
Cuối cùng, một lực lượng với sứ mệnh hòa bình có thể do LHQ, NATO hay chính Mỹ đảm nhiệm gánh vác trọng trách giám sát thỏa thuận hòa bình toàn diện.
Kết quả của 4 năm can thiệp của Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu tại Yemen: Phá hủy phần lớn nhà ở và cơ sở hạ tầng, Hàng triệu người dựa vào viện trợ để tồn tại, 50% dịch vụ chăm sóc sức khỏe không còn hoạt động hoặc chỉ hoạt động một phần, 1.5 triệu trẻ em không được đi học.