01
Hồi vừa mới chuyển ra ở riêng, bố mẹ tôi lo sốt vó. Hai người bỏ hết công việc riêng, đi đi về về giữa quê với thành phố để thuê phòng, dọn dẹp phòng giúp tôi, hy vọng nơi tôi sắp sống sẽ thoải mái như ở nhà.
Tối thứ 3, đi làm về, tôi phát hiện ra điện thoại mình có hơn 10 cuộc gọi lỡ, của cả bố lẫn mẹ.
Tôi gọi lại, bố nghe máy, tôi hỏi: "Alo bố ạ? Có chuyện gì thế bố?".
Bố tôi nói: "Hôm trước về vội quá, quên không đổi vòi nước máy giặt cho mày, sáng bố bắt xe lên đổi lại rồi đấy. Còn cái vòi trong nhà tắm hơi bị lỏng, vặn thì vặn nhẹ nhẹ thôi, bữa nào bố sửa nốt. Trong tủ có đồ ăn mẹ mày nấu, ăn thì nhớ hâm lại".
Tôi trả lời: "Vâng ạ".
Bố nói tiếp: "Đã coi là nhà thì phải ấm cúng một tí, tủ lạnh, máy giặt, bình nước nóng giờ lắp xong hết rồi. Cuối tuần từ giờ khỏi đi lang thang nữa nhé".
Thế nhưng, dù phòng bếp cũng được trang hoàng đầy đủ, tôi vẫn rất ít khi tự nấu ăn. Tôi đúng là kiểu người trẻ hiện đại bây giờ ấy, có thời gian rảnh, thà đi ngủ cho quên đói, còn hơn phải lịch kịch chuẩn bị nồi niêu, xào xào nấu nấu. Trong nhà tôi lúc nào cũng tích đầy mì tôm, và trừ khi phải thật đói, còn không tôi cũng chẳng chịu ăn.
Có một lần, vì ăn uống không điều độ, tôi bị đau dạ dày cấp tính, chữa lâu ơi là lâu mà không khỏi, bữa nào bữa nấy ăn được có tí, ít hơn cả mèo, chỉ ăn hoa quả cầm hơi. Bố tôi cuống lên, dặn mẹ tôi đổi hết bát đĩa trong nhà sang hình màu mè một chút.
Tôi thắc mắc: "Bố làm vậy làm gì ạ?".
Bố tôi nói: "Ngày bé, mỗi lần mày không chịu ăn cơm, cứ đổi thành bát đẹp một cái là mày lại ngoan ngoãn ăn. Dạo này thấy mày ăn không tốt, bố tính thử đổi hết bát đĩa xem có hiệu quả như thế nữa không".
Tôi nghe xong mà mắt cứ thấy cay cay.
02
Hồi tiểu học, nhà tôi nghèo lắm, muốn xem TV tôi toàn phải sang nhà hàng xóm xem ké. Mà xem nhiều thì người ta cũng ghét, mỗi lần biết tôi đến là người ta đóng cửa sổ, tôi chỉ có thể nhìn qua cái khe bé tí.
Tết năm đó, bố tôi vác một chiếc TV đen trắng từ nhà mà bố đang làm phụ hồ về, còn có thêm một cái sô pha rách. Bố tự mày mò nối anten, trồng cái cột cao ngất, xoay qua xoay lại cũng được tận mấy kênh.
Tôi thường nằm trên sô pha xem TV rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay, sét có đánh bên tai cũng chẳng hay biết.
Hôm sau tỉnh dậy, tôi phát hiện mình đã nằm ở trên giường rồi. Tôi hỏi bố có biết chuyện gì đã xảy ra không, bố tỏ vẻ giận dữ nói: "Hôm qua đứa nào ngủ say như heo, gọi mãi không dậy làm bố phải bế lên giường. Đêm nay mà còn ngủ gật thì từ nay trở đi bố cấm không cho xem TV nữa".
Trong lòng tôi lúc ấy vui lắm, hóa ra là bố bế tôi về giường. Nhưng rồi sau đó, hôm nào xem TV xong tôi cũng ngủ quên như thế, và bố thì vẫn vất vả bế tôi. Thực ra có nhiều lần là tôi giả vờ ngủ thôi, tôi thích cảm giác bố bế mình đi ngủ, dù sao cả năm bố cũng toàn đi làm xa, chỉ về nhà được ít dịp.
Sau này lên cấp 2, cả nhà tôi chuyển nhà. Nhà mới có TV mới, sô pha cũng mới. Lại có lần tôi ngủ quên trên ghế, còn bố thì vẫn giống như hồi bé, định bế tôi về giường. Nhưng tôi lớn nhanh quá, nặng hơn ngày đó rất nhiều. Bố bế thử mấy lần mà không nổi, nên vỗ vỗ đầu tôi, gọi tôi đi ngủ vì bố không ôm nổi tôi nữa rồi.
Lúc ấy mũi tôi cay cay, chỉ biết giả vờ ngái ngủ, xoa xoa mắt tự đi về phòng.
Có lần tôi học thể dục ở trường, lúc đu xà đơn tôi tuột tay, bị văng xuống đất. Răng đập mạnh vào sàn, thậm chí có cái bị cắn vào cả môi dưới, không bỏ ra được, máu chảy không ngừng. Cô giáo vội đưa tôi đến bệnh viện, không quên báo về cho bố tôi. Bố tôi chạy đến như cơn gió, đồ bảo hộ còn chưa kịp thay, quần áo vẫn dính đầy vôi vữa.
Bố đến đúng lúc bác sĩ đang sơ cứu vết thương cho tôi, bố liền dùng tay nâng cằm tôi lên để cố định cổ tôi lại. Trời lúc ấy không quá nóng nhưng lúc ấy tôi cảm giác được bàn tay bố nâng cằm tôi chảy đầy mồ hôi, cứ run run run run, mồ hôi thấm ướt hai mắt bố nhưng bố cũng không dám dùng tay khác lau đi.
03
Ngày từ lớp 10 lên lớp 11, lúc ấy tôi nổi loạn, ai nói cũng không chịu nghe.
Một lần cãi nhau to với bố, tôi bỏ nhà ra đi, qua nhà đứa bạn ở tỉnh khác ở mấy ngày. Bố nhờ họ hàng đi khắp nơi tìm tôi, tìm đến chóng mặt mà không ra.
Cuối cùng vẫn là tôi nhát gan, tự mình trở về. Khi đó tôi sợ lắm, vì chắc chắn sắp bị ăn no đòn, hoặc ít nhất cũng bị chửi cho lên bờ xuống ruộng, nhưng thực tế là không có chuyện gì xảy ra cả.
Bố chỉ đưa cho tôi một chai nước, một cái bánh mì rồi hỏi: "Ở ngoài có được ăn no không con? Có bị đói không?".
Từ ấy trở đi, tôi tự hứa với mình sẽ không bao giờ làm chuyện gì khiến bố mẹ phải lo lắng nữa.
Sau này tốt nghiệp ra trường, ngày đầu đi làm lương thấp lắm. Mỗi lần tôi gọi điện cho bố, bố đều nói: "Tranh thủ cuối tuần mà nghỉ ngơi, làm ít thôi, không có tiền thì bảo bố. Nuôi mày lớn như thế này rồi, nuôi thêm một hai năm nữa cũng không chết".
Bình thường, tình thương của bố như không khí vậy, bố không biết cách nói chuyện, không biết thể hiện tình cảm, suốt ngày nghiêm khắc với bạn. Nhưng đến lúc bạn cần, tình yêu của bố lại như ngọn núi. Lúc bạn vấp ngã, lúc bạn run chân, bố sẽ ở sau lưng chống đỡ thay bạn. Bố cho bạn sự tự do bạn muốn, để bạn thỏa thuê theo đuổi nó, nhưng bố cũng là hậu phương, luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón bạn về.
Mỗi lần tôi nghe thấy câu "Tôi không còn bố nữa", nước mắt tôi cũng tự động chảy xuống. Tôi thậm chí không dám nghĩ không có bố ở trên đời là cảm giác như thế nào. Giống như thể trong lòng bạn vẫn luôn có một người như thế, bạn biết chỉ cần người ấy luôn ở đó, bạn sẽ không bơ vơ, bạn sẽ không rơi vào cảnh không nhà để về.
Nhưng rồi đến cuối cùng, nếu có ngày bố phải đi, quãng đời còn lại có bạn sẽ sống trong hồi ức và hoài niệm.
04
Năm nay đại thọ 80 tuổi của bà nội tôi nên tôi tự chạy xe về nhà.
Cách cổng nhà khoảng 500m vốn là đoạn đường vẫn còn lầy lội do mưa, hơn nữa đây là đường chưa trong quy hoạch của thôn nên bao năm rồi vẫn gồ ghề mấp mô. Ấy vậy mà lần này tôi về, đường lại phẳng một cách lạ thường.
Lúc ăn cơm, bố tôi nói chuyện bắt đầu vấp váp, quai hàm cũng sưng lên. Răng bố bắt đầu yếu rồi nên mỗi lần đau răng là như bị tra tấn. Thế mà mỗi lần tôi đề nghị thay răng giả, bố lại nói lảng sang chuyện khác.
Bố bảo tôi: "Sợ mày không lái xe vào được nên 3 ngày rồi bố lấp cho phẳng đấy. Nhưng mà lấp vội nên cũng không chắc lắm, mưa một cái lại trôi ngay. Chờ đợt tới bố nhờ người ta chở xe cát đến, làm cho tử tế, chẳng qua không biết bao giờ mày mới về tiếp".
Khoảnh khắc ấy tim tôi đau thắt lại, tôi tự hỏi trong lòng, có phải những bậc làm cha làm mẹ trên đời này đều như vậy hay không?
Có lẽ, chỉ có bố mẹ, mới có thể yêu bạn một cách vô điều kiện, yêu bạn bằng tất cả những gì họ có như thế. Giữa thế giới vạn biến, rối răm, nhìn đâu cũng chỉ biết lợi ích, lừa lọc, chẳng thứ gì có thể vượt qua được tình yêu của bố mẹ.
Chúng ta hưởng thụ nó, nhưng rồi lại ghét bỏ nó.
Ngày xưa bố tôi là một người hào sảng nhưng cuộc đời khiến ông dần chậm lại. Ánh mắt bố càng lúc càng bất giác chỉ biết nhìn theo tôi. Lúc tôi đang trong phòng bếp, bố sẽ lẩn thẩn ra ra vào vào. Mỗi lần tới nhà tôi, vừa vào cửa bố đã đổi giày, sợ làm bẩn sàn. Cơm dọn ra đến bàn, bố cũng dè dặt bưng bát lên như một người khách.
Năm tháng in hằn lên gương mặt bố mẹ, vây mà họ vẫn cho rằng bạn còn bé, bạn chưa bao giờ lớn lên. Chúng ta ai cũng vậy, cứ mải miết tìm cách rời xa vòng tay của bố mẹ, đến lúc bố mẹ già rồi, bạn nuối tiếc, bạn ân hận cũng đã muộn.
Nhân lúc mọi chuyện còn kịp, hãy cố gắng hiện diện trong thế giới của bố mẹ nhiều hơn một chút. Một cuộc điện thoại, một lời hỏi thăm, một cái ôm, so ra đáng quý hơn tất thảy mọi tiền bạc trên đời. Bố mẹ chỉ cần vậy, chỉ muốn vậy mà thôi.