Ông Phấn cho hay vừa qua Bộ TN&MT ban hành Thông tư 33/2017, trong đó có nội dung về thể hiện thông tin tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình.
Theo đó, thông tư này chỉ điều chỉnh cho đối tượng hộ gia đình. Các đối tượng khác vẫn giữ nguyên ví dụ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng... “tức là không phải tất cả thành viên".
“Vừa qua người dân hiểu rằng giấy đỏ phải ghi toàn bộ các thành viên gia đình có trong hộ khẩu. Không phải như vậy, thành viên không có quyền sử dụng đất trong gia đình thì không ghi tên trong giấy đỏ.
Đây chỉ là hướng dẫn kỹ thuật về cách ghi tên thôi, không có điều chỉnh gì mới so với trước đây” - ông Phấn nói.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cũng khẳng định đây chỉ là “sửa về mặt nghiệp vụ trong ngành”. Do cách diễn đạt nên khiến dư luận có cách hiểu sai. “Chúng tôi làm chuyên môn thì nghe cái hiểu ngay.
Tuy nhiên do cách diễn đạt khiến người dân hiểu lầm. Chúng tôi thấy rằng cần phải rút kinh nghiệm, tiếp thu để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đất đai” - bà Hoa nói.
Tham gia làm rõ thông tin về nội dung này, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định việc ghi tên thành viên trong gia đình vào giấy đỏ bản chất chỉ là hướng dẫn chuyên môn trong ngành đối với việc cấp giấy đỏ cho đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình chứ không có gì mâu thuẫn, không thay đổi tính chất pháp lý.
“Ví dụ trước đây hộ gia đình có 10 người thì phải cấp 10 giấy nếu các thành viên trong gia đình có nhu cầu nhưng giờ chỉ phải cấp duy nhất giấy đỏ. Thay vào đó sẽ ghi tên 10 người trong hộ gia đình đó vào một giấy” - ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, việc cấp giấy đỏ cho nhóm đối tượng hộ gia đình đã được Hà Nội thực hiện từ lâu theo Nghị định 43/2014. Trong năm 2017, cả Hà Nội chỉ có bốn trường hợp phát sinh tranh chấp đất đai trong hộ gia đình.
Nếu thực hiện theo Thông tư 33 thì không có gì thay đổi so với trước vì quy định này đang được thực hiện.