Giàu như đội Công Vinh vẫn... chạy dài sau các CLB Thái Lan

Vô Âu |

Chiang Rai United – đội bóng kém tên tuổi của Thái Lan có ngân sách đến 300 triệu baht (hơn 190 tỷ đồng). Những đội “nghèo” cũng có chừng 100 triệu baht (hơn 60 tỷ).

Bóng đá chuyên nghiệp tại Thái Lan từng được xem như một "trò đùa" nhưng vài năm nay nó đã phát triển vượt bậc.

Những cuộc đối đầu giữa Buriram United vs SCG Muangthong United có bầu không khí không kém so với các nền bóng đá danh tiếng ở châu Âu. Hàng chục ngàn khán giả đến sân xem trận đấu, chưa kể hàng triệu người chăm chú thưởng thức qua truyền hình.

"Trận đấu này nâng tầm bóng đá Thái Lan, cho thấy mức độ không kém nhiều so với ở châu Âu", Ong-arj Kosinkar – Chủ tịch của Thai Premier League Co Ltd (TPL), đơn vị tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp của quốc gia này cho biết.

Cách làm bóng đá chuyên nghiệp, sự đầu tư mạnh tay từ những doanh nghiệp giúp các đội bóng nơi đây có nguồn tực tài chính vững vàng.

Theo Bangkok Post, ĐKVĐ SCG Muangthong có ngân sách hoạt động mùa 2016/2017 lên đến 400 triệu baht (trên 240 tỷ đồng). Họ quyết tâm thống trị những giải đấu trong nước đồng thời tiến sâu ở AFC Champions League.

Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn khổng lồ SCG, đội bóng này đã chiêu mộ hàng loạt tuyển thủ quốc gia Thái Lan như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmanthan…

Trước mùa bóng năm nay, CLB này đã để Chanathip sang Consodale Sapporo thi đấu theo hợp đồng cho mượn. Tuy nhiên, họ đã đưa về hàng loạt bản hợp đồng chất lượng, trong đó có tiền vệ Lee Ho (Hàn Quốc) – cầu thủ từng vô địch Europa League cùng Zenit cách đây vài năm.

Giàu như đội Công Vinh vẫn... chạy dài sau các CLB Thái Lan - Ảnh 1.

Những trận đấu ở Thai League có bầu không khí không kém là bao so với châu Âu.

Chiang Rai United – đội bóng chỉ xếp hạng 8 mùa trước được xem như đại gia mới nổi của Thai League khi có ngân sách hoạt động lên đến 300 triệu baht (hơn 190 tỷ đồng). 

Mới đây, họ đã biến Tanaboon Ketsarat thành cầu thủ Thái Lan có giá trị chuyển nhượng cao nhất khi mua anh về với giá 50 triệu baht (hơn 31 tỷ đồng). Mức lương của cầu thủ này lên đến 8,4 triệu baht/năm (hơn 5 tỷ đồng).

Theo Ong-arj Kosinkar, kinh phí trung bình của một đội ở Thai League là 100 triệu baht (trên 60 tỷ đồng), một đội ở hạng Division 1 có khả năng chi ra chừng 70 triệu baht/năm (hơn 42 tỷ đồng).

Khoản tiền này là con số đáng mơ ước với các đội V.League. Một ví dụ đơn giản là trường hợp của tân binh CLB TP.HCM. Đội bóng của Quyền chủ tịch Lê Công Vinh nổi tiếng chi hào phóng thời gian qua nhưng mức tiền tài trợ họ nhận được cũng chỉ dừng lại ở mức 60 tỷ đồng.

Giàu như đội Công Vinh vẫn... chạy dài sau các CLB Thái Lan - Ảnh 2.

Muangthong United là đại gia có tiềm lực tài chính hàng đầu tại Thai League.

Tại sao các đội bóng Thái Lan kiếm được nhiều tiền?

Hầu hết các CLB Thái Lan đều có chân đế vững chắc, đứng đằng sau là một tập đoàn, doanh nghiệp hay một chính khách cỡ bự.

Chẳng hạn mới đây, Tổng tham mưu trưởng cảnh sát Thái Lan Jakthip Chaijinda đã lên làm Chủ tịch CLB Police Tero FC. Đây là đội bóng kết hợp giữa lực lượng cảnh sát nước này và CLB lừng danh một thời BEC Tero Sasana. Kinh phí hoạt động của đội cũng ước chừng 100 triệu baht.

Nhưng quan trọng hơn, Thai League tạo ra một nguồn thu nhập lớn. Ong-arj Kosinkar thống kê hơn 3,5 tỷ baht (hơn 2.200 tỷ đồng) tiền mặt đã lưu hành ở các giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan trong đó Thai League chiếm tỷ trọng số 1.

Thu nhập hàng năm của giải Thai League ước tính trên 800 triệu baht (gần 500 tỷ đồng) bao gồm tiền bản quyền truyền hình, tài trợ và các khoản khác….

Giàu như đội Công Vinh vẫn... chạy dài sau các CLB Thái Lan - Ảnh 3.

Thai League đang trở thành một ngành công nghiệp không khói hái ra tiền.

Cách đây vài năm, trung bình một đội ở Thai League nhận được 20 triệu baht (chừng 13 ỷ đồng) từ tiền bản quyền hình. Tuy nhiên, khi gói hợp đồng với TRUE có hiệu lực từ mùa 2017 - 2020 trị giá 4,2 tỷ baht (hơn 2.700 tỷ đồng), Buriram và các CLB khác sẽ nhận chừng 45 đến 50 triệu baht/năm (hơn 30 tỷ đồng). Con số này chiếm gần một nửa kinh phí hoạt động của các đội.

Dĩ nhiên số tiền này chưa tính đến các khoản thu từ bán vé, áo đấu, tiền tài trợ hay các vật phẩm liên quan khác… Đây là những con số rất lớn. Chẳng hạn mới đây, CLB Suphanburi đã ký hợp đồng tài trợ áo đấu với hãng Warrix trị giá hơn 20 tỷ đồng/năm, bên cạnh hàng loạt các đối tác khác.

Bóng đá ở Thái Lan đang dần trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ tạo ra doanh thu lớn, hấp dẫn. Điều đó biến Thai League thành một điểm đến hấp dẫn cho các cầu thủ nước ngoài trong tương lai.

Sự thịnh vượng của Thai League giúp nguồn thu nhập của cầu thủ ở đây tăng lên đáng kể. Cựu cầu thủ Thái Lan Therdsak Chaiman nói rằng thời của anh một tuyển thủ vất vả mới kiếm được chừng 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên hiện tại, cỡ Teerasil Dangda hay Sarach Yooyen có thể dễ dàng bỏ túi từ 15.000 đến 20.000 USD/tháng tại SCG Muangthong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại