Giật mình khi 26% người dân không quan tâm đến pháp luật

Vũ Phương |

Chỉ số công lý chỉ ra, có đến 16% nam giới không quan tâm thông tin pháp luật, nữ là 35%. Các dữ liệu cho thấy một khoảng cách không nhỏ về tiếp cận và hiểu biết về thông tin pháp luật giữa nam và nữ.

Kết quả khảo sát công bố trong chỉ số công lý 2015 cho thấy, tiếp cận thông tin với nhiều người dân vẫn còn hạn chế.

Theo đó, có đến 13% người được hỏi không theo dõi thông tin về tình hình thời sự, kinh tế, xã hội của đất nước. Trong đó, tỷ lệ ở nam giới là 7%, còn nữ giới 17%.

Kết quả khảo sát cũng đưa ra những con số khiến không ít người giật mình về tỷ lệ tiếp cận thông tin pháp luật nói chung và thông tin thời sự, kinh tế, xã hội nói riêng rất thấp ở một số bộ phận người dân.

Cụ thể, 26% không quan tâm tới thông tin pháp luật (trong đó, tỷ lệ nam là 16% nam, nữ 35%).

Thống kê chi tiết của người dân được khảo sát năm 2012 và 2015 cho thấy, vô tuyến truyền hình đứng đầu (90,2%) trong số các phương tiện truyền thông, các kênh tuyền truyền pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở địa phương cùng với các cuộc họp ở thông xã, tổ dân phố hay loa phát thanh tại cộng đồng cũng là nguồn tin phổ biến.

Đặc biệt, chỉ có 5% người dân được hỏi cho hay, họ biết tới thông tin pháp luật từ luật sư; trang thông tin điện tử về pháp luật (30,4%); bạn bè, họ hàng đồng nghiệp (42,4%); sách báo (46,2%); đài phát thanh (46,5%); loa phát thanh tại cộng đồng (53,7%); tuyên truyền phổ biến pháp luật ở cơ sở (54,4%); họp thôn, tổ dân phố (56,5%); các nguồn khác (0,4%).

Không những thế, nghiên cứu, khảo sát, kết quả phân tích cũng chỉ ra, người có học vấn thấp bất lợi hơn người có học vấn cao trong việc bảo vệ các quyền cơ bản.

Ngay cả với nhóm người nghèo hay không có địa vị xã hội cũng ở vị thế bất lợi hơn.

Khảo sát cũng đưa ra một số câu hỏi về pháp luật để biết được sự hiểu biết pháp luật của người dân được hỏi đến đâu.

Như khảo sát đưa ra câu hỏi: "Chỉ có chủ hộ là nam giới mới có tên trong các giấy chứng nhận về đất đai?".

Câu hỏi này chỉ có 64,8% người được hỏi trả lời đúng. Hay câu hỏi: "Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội là 3 năm?" thì chỉ có 42,8% người được hỏi trả lời đúng.

So sánh với kết quả năm 2012 thì kết quả trả lời của người dân một số câu hỏi về pháp luật không có tiến triển, thậm chí một số câu hỏi tương tự nhưng số người trả lời sai nhiều hơn.

Chỉ số công lý 2015 cũng tiến hành một khảo sát về quản trị địa phương cho thấy, có đến 89,4% người dân đồng ý cần cung cấp thông tin về pháp luật và chính sách mới kịp thời, đầy đủ và dễ hiểu tới người dân.

Đáng chú ý, gần một nửa (45%) số người tham gia khảo sát không đồng ý với nhận định "ở địa phương nơi họ sinh sống, khi cán bộ cơ quan Nhà nước làm sai, đại diện chính quyền nhận lỗi công khai và có hành động sửa sai". 51% người đồng ý số cán bộ ở địa phương làm sai đã bị kỷ luật và cách thức xử lý cán bộ công chức làm sai ở cấp cơ sở còn chưa thực sự công khai, minh bạch và đúng nguyên tắc.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Triệu Viết Hanh, Chủ tịch hội Luật gia tỉnh Lào Cai cho rằng:

"Con số 26% người dân không quan tâm đến thông tin pháp luật và 13% không theo dõi thông tin thời sự kinh tế chỉ mang tính chất tham khảo.

Chứ không thể nói đó là con số đại diện cho cả quốc gia. Thực tế, các cấp các ngành nhiều năm qua rất coi trọng công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật, thông tin các văn bản chính sách mới nhất đến với người dân.

Tuy nhiên, một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa phải có những cách tuyên truyền phổ biến làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số dễ nghe, dễ hiểu, chứ cán bộ tuyên truyền pháp luật không thể gặp bà con mà cứ đọc nguyên văn văn bản pháp luật thì làm sao người dân hiểu được.

Cần thiết đối với bà con dân tộc thiểu số phải tuyên truyền bằng cả hai ngôn ngữ tiếng kinh và tiếng dân tộc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại