Cô giáo - Anh bộ đội: Từ sự đối nghịch 180 độ
Đó là sự đối nghịch về môi trường làm việc mặc dù họ đều là viên chức của Nhà nước!
Trong khi các cô giáo thường xuyên được làm việc ở một địa điểm ổn định (tất nhiên là tương đối) thì những người lính thường không tự quyết định được đơn vị, địa điểm công tác của mình. Có thể hôm nay họ đang ở thành phố lớn song ngày mai rất có thể họ dã có mặt nơi biên giới, hải đảo xa xôi theo yêu cầu nhiệm vụ.
Trong khi hầu hết các cô giáo thường xuyên được làm việc trong lớp học, "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu" thì môi trường làm việc thường xuyên của những người lính là thao trường, bãi tập bất chấp nắng mưa.
Trong khi các cô giáo được vui vẻ chưng diện (dù có thể rất khiêm tốn) những bộ quần áo đẹp, thời trang khi lên lớp thì những người lính bốn mùa chỉ có chung thân bộ quân phục sẫm màu hoặc trang phục dã ngoại lấm lem bùn đất, khét mù mùi dầu mỡ, mồ hôi...
Trong khi đối tượng làm việc của các cô giáo là lớp măng non của đất nước để chuẩn bị cho tương lai thì đối tượng quản lý trực tiếp của những người lính lại là những người đồng đội cấp dưới của mình. Và đối tượng mà người lính phải quan tâm, nghiên cứu và sẵn sàng đối phó chính là kẻ thù (có thể) của Tổ quốc.
Trong khi các cô giáo dù vất vả đến đâu cũng chắc chắn rằng mình sẽ có mấy tháng nghỉ Hè, nghỉ Tết thì người lính tuy cũng có "phép năm" nhưng hơn chục ngày phép đó sẵn sàng bị cắt bất cứ lúc nào theo yêu cầu nhiệm vụ. Và tất nhiên, ngày nghỉ cuối tuần đưa bạn gái đi chơi thường vẫn chỉ là mơ ước của những anh lính xa nhà.
Vợ chồng bộ đội trước lúc chia tay. Ảnh minh họa: Báo Quảng Bình.
Đến "cặp đôi hoàn hảo" và những căn nguyên của nó
Còn, còn rất nhiều sự đối nghịch nữa nếu đi vào chi tiết. Nhưng bên cạnh sự đối nghịch đó, giữa họ lại có rất nhiều sự đồng nhất và cảm thông vô cùng lớn.
Trước hết, đó là chất lý tưởng trong công việc, trong nhiệm vụ của mỗi người.
Trong khi các cô giáo tự hào bởi: "tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ như chim bay về khắp miền em lên đường tung bay xây nhiều thế hệ cháu Bác Hồ. Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam".
Thì những người lính cũng có niềm tự hào bởi cuộc đời họ từ khi khoác lên mình bộ quân phục màu xanh là tự nguyện "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh...". Họ sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc, sự bình yên hạnh phúc của nhân dân.
Thứ nữa, họ đều là những đối tượng có thu nhập thấp- hay nói khác đi là người nghèo trong xã hội.
Trong khi các doanh nhân, các cán bộ có chức có quyền, các cô mậu dịch viên thời bao cấp, các diễn viên, người mẫu và những người làm ở những nghề "hái ra tiền"... là những hot boy, hot girl của thời đại thì họ chỉ là những người chỉ biết trông vào số tiền lương "ba cọc, ba đồng". Có lẽ cũng vì vậy mà họ có sự thông cảm sâu sắc với nhau hơn.
Song tuy nghèo nhưng họ lại là những con người có tâm hồn thật sự lãng mạn và bay bổng.
Nếu như các cô giáo vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn song vẫn vui vẻ "Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng, tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước, em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời..."
Thì những người lính, trên đường hành quân gian khổ hay giữa chiến trường khốc liệt vẫn có những khoảng bình yên, lắng đọng: "Bạn tôi cho hay, sau này xong chiến đấu; Sẽ lên nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày; Còn tôi mong sao, bao ngày tôi đang sống; Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau".
Bởi chưng cuộc sống đậm đặc chất lý tưởng và lãng mạn như vậy, cô giáo và người lính cũng là những người luôn giữ được lòng tin tưởng về nhau dù cách xa ngàn trùng:
"Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ,Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu. Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ, Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ. Cái chết cúi gục đầu, Cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau..."
Ngoài ra, những người lính xa nhà biền biệt luôn mong mỏi có một người thay mặt mình dạy dỗ những đứa con. Và nhân vật "lý tưởng" cho mong mỏi đó không ai hơn chính là các cô giáo- những người có môi trường làm việc tương đối ổn định, lại có nghề sư phạm trong tay.
Tất nhiên, còn nhiều lý do nữa song thế cũng tạm đủ cho một "cặp đôi hoàn hảo" giữa các cô giáo và người lính.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, xin kính chúc các cặp đôi hoàn hảo "Giáo viên- Bộ đội" hạnh phúc và thành công.
(Bài viết có sử dụng lời các ca khúc: Bài ca người giáo viên nhân dân của NS Hoàng Vân; Vì nhân dân quên mình của NS Doãn Quang Khải; Đồng đội của NS Hoàng Hiệp; Hành Khúc Ngày Và Đêm của NS Phan Huỳnh Điểu).