Trong giai đoạn 2 của xung đột, trọng tâm đã chuyển từ các thành phố lớn như Kiev và Kharkov sang cuộc chiến giành quyền kiểm soát những thị trấn nhỏ hơn. Cả quân đội Nga và Ukraine hiện đang đối đầu tại vùng chiến tuyến trải rộng gần 500km. Chiều dài của khu vực chiến sự giúp giải thích lý do vì sao giao tranh dù đã kéo dài nhiều ngày mà không bên nào đạt được bước tiến lớn.
Tương quan lực lượng của Nga và Ukraine
Với rất nhiều phần lãnh thổ cần phải bảo vệ và cần sự kiểm soát, quân đội của hai nước đang phải căng sức dàn trận để thực hiện những bước đi quyết định. Bộ Quốc phòng Anh giải thích: “Cả Nga và Ukraine đều phải đối mặt với những thách thức tương tự trong việc duy trì tuyến phòng thủ cũng triển khai các đơn vị chiến đấu có năng lực tốt để thực hiện nhiệm vụ tấn công”. Điều này được thể hiện rõ ràng tại 3 khu vực chính là phía Nam, phía Đông và Đông Bắc, sau khi Nga rút khỏi vùng phía Bắc xung quanh thủ đô Kiev vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Ở những nơi trước đây ít được biết đến như Volnovakha, Lyman và Severodonetsk, các vụ tấn công và pháo kích triền miên đã đe dọa cuộc sống của người dân. Vì không bên tham chiến nào có khả năng giành được chiến thắng quyết định trên chiến trường nên tình trạng bế tăng nghiêm trọng ở phía Đông sẽ còn tiếp diễn, ngay cả khi bản đồ về sự kiểm soát lãnh thổ có sự thay đổi.
Trong những tuần đầu của cuộc chiến, các đơn vị lính dù và thiết giáp Nga đã ồ ạt đổ về miền Bắc Ukraine với nỗ lực giành quyền kiểm soát Kiev. Dù nỗ lực này đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine thông qua những cuộc tấn công phục kích liên hoàn, thì hoạt động của các lực lượng Nga tại phía Nam vẫn giúp Moscow thành công trong việc nắm giữ một hành lang chạy dọc hướng Tây, trải dài từ Mariupol đến Kherson thông qua con sông Dnieper. Giao tranh ở mặt trận phía Nam chưa lắng, trong khi đó, chiến sự tiếp tục lan xa về phía Đông.
Nhận xét về cán cân quân sự ở thời điểm hiện tại, nhà phân tích Henry Schlottman cho biết: “Quân đội Nga đang tập trung dọc theo giới tuyến từ Izium qua Lyman và Severnodonetsk đến Popasna. Các quan chức chính phủ Ukraine cho biết Nga có khoảng 35.000 đến 40.000 quân ở đây. Khoảng một nửa trong số đó có thể là quân tiền tuyến, phần còn lại là các đơn vị hỗ trợ, lực lượng pháo binh, hậu cần…”.
Liên quan đến sự phân bổ lực lượng của Ukraine, ông Henry Schlottman lưu ý: “Ước tính số binh sĩ Ukraine ở khu vực Lysychansk-Severodonetsk là khoảng 16.000 người. Bên cạnh đó còn có khoảng 9.000 đến 14.000 người tập trung chủ yếu xung quanh Sloviansk and Bakhmut”.
“Các lữ đoàn của Ukraine hầu như được trang bị vũ khí nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ có lợi thế đáng kể về pháo binh cũng như về nhân lực trong khu vực”. Nhà phân tích Schlottman lưu ý, ngoại trừ Mariupol, cuộc giao tranh dọc theo mặt trận phía Đông này là cuộc chiến khốc liệt nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Phát biểu với báo chí ngày 9/6, ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý cấp cao của Tổng thống Zelensky cho biết, có khoảng 100 đến 200 binh sĩ Ukraine thiệt mạng trên chiến tuyến mỗi ngày. Khi trận chiến pháo binh tiếp diễn trong những tuần tiếp theo, nhiều khả năng con số thương vong sẽ còn gia tăng. Quan chức này nhấn mạnh, Ukraine vẫn vẫn cần trăm hệ thống pháo của phương Tây để “san bằng lợi thế” của Nga ở khu vực phía Đông.
Ở mặt trận phía Tây Nam xung quanh Kherson, giao tranh ít khốc liệt hơn. Nhưng nếu các lực lượng Nga tiếp tục đạt được những tiến bộ lớn ở phía Đông, Ukraine có thể phải điều động thêm nhân lực để phòng thủ ở Donbass. Điều này sẽ làm giảm đáng kể khả năng của họ trong thực hiện các hoạt động phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ở phía Nam.
Ông Schlottman lưu ý: "Xung quanh Kherson, số binh sĩ của Ukraine ước tính từ 15.000 đến 20.000 quân Ukraine, còn Nga có khoảng 12.000 quân. Tuy nhiên, một số lực lượng Ukraine ở đây có thể dược huy động để bảo vệ khu vực xung quanh Izium, Severodonetsk và Popasna”.
Hạn chế của cả Nga lẫn Ukraine
Hiện giờ “ẩn số” chưa rõ ràng là khả năng của mỗi bên nhằm duy trì các hoạt động quân sự với cường độ hiện tại trong thời gian dài. Thách thức lớn nhất của Ukraine là thiếu trang thiết bị. Dù thời gian gần đây, Ukraine tiếp nhận rất nhiều hệ thống pháo tầm xa cỡ nòng 155mm do phương Tây cung cấp, nhưng không rõ họ có thể nhanh chóng đào tạo binh sĩ vận hành những vũ khí tiên tiến này nhằm ngăn chặn bước tiến của Nga hay không.
Về phần mình, Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu lính bộ binh bởi cho đến thời điểm hiện tại, Điện Kremlin vẫn chưa ban bố lệnh tổng động viên. Giới phân tích cho rằng, những tiến bộ mà Nga đạt được trong thời gian gần đây dựa nhiều vào hỏa lực hơn là nhân lực. Nhìn từ quan điểm của Moscow, chiến lược dội hỏa lực vào các lực lượng của đối phương dường như đang phát huy hiệu quả.
Phát biểu với Newsweek, ông Vladislav Shurygin – một chuyên gia quân sự Nga cho biết: “Kể từ cuối tháng 4, chúng tôi đã kết hợp trinh sát công nghệ cao với hỏa lực áp đảo. Chúng tôi có các tiểu đoàn cơ động, nhưng cách hiệu quả nhất để chiến đấu là hạ gục đối phương trong một cuộc đọ pháo”.
Nga đã tiếp tục đạt được những bước tiến chậm rãi sau khi triển khai pháo hạng nặng phá hủy tuyến phòng thủ của Ukraine tại các khu vực ở miền Đông. Nhưng chiến thắng với Moscow vẫn còn xa tầm tay khi phương Tây bắt đầu cung cấp cho quân đội Ukraine những vũ khí hạng nặng nguy hiểm mà họ cần để “đóng băng” các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát – một dấu hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ còn kéo dài.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong những tháng tới, xung đột có khả năng chững lại khi cả hai bên gần tiến đến trạng thái cân bằng về mặt quân sự. Sau đó sẽ là một bài toán vô cùng hóc búa. Hàng loạt chiến hào, boongke được dựng lên và sẽ còn nhiều hơn nữa những cuộc tấn công bằng pháo binh nhằm phá hủy các công sự này. Sẽ có thêm nhiều thị trấn, thành phố bị phá hủy. Con số thương vong về dân thương và binh sĩ của cả hai phía nhiều khả năng sẽ gia tăng với mức độ chưa từng có./.