Mặc dù Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc nhưng lại không có quyền thực thi, do đó Bắc Kinh vẫn ngang nhiên phớt lờ phán quyết.
Thậm chí, hôm 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn còn kêu gọi Bắc Kinh phải chuẩn bị cho một “cuộc chiến tranh nhân dân” trên biển. Hơn nữa, Trung Quốc đang dùng quân bài kinh tế hòng ép Philippines.
Tuy nhiên, theo ông James Holmes, mặc dù Philippines không có cơ thắng được Trung Quốc khi đối đầu về quân sự và kinh tế nhưng có thể thắng nếu theo sách lược của một nhà quân sự thời La Mã.
Theo ông, Philippines nên học hỏi sách lược của Fabius Maximus, người đã được Cộng hòa La Mã cử làm Quan Độc tài để đối phó với mối đe dọa từ Đế quốc Carthage năm 217 trước Công nguyên.
Fabius chủ trương khiến kẻ địch xáo trộn và mệt mỏi bằng các chiến thuật và chiến lược sáng tạo như tăng cường liên minh để tăng thêm sức mạnh và duy trì sự thống nhất và đoàn kết trong nước.
Ông Fabius đã dùng chiến thuật chiến tranh tiêu hao để chống lại lực lượng viễn chinh Carthage. Theo đó quân La Mã tập trung triệt tiêu nguồn tiếp tế cũng như tránh giao chiến trực tiếp với quân Carthage do tướng Hannibal chỉ huy.
Ông cho rằng, qua khoảng thời gian nhất định, Roma có thể tích lũy sức mạnh đủ để đánh bại quân xâm lược.
Sách lược của ông về cơ bản gồm những yếu tố sau. Thứ nhất, tự giác kỷ luật, chế ngự mong muốn chiến thắng nhanh chóng. Không đấu với kẻ thù mạnh hơn theo đúng ý chúng.
Thứ hai, tăng cường liên minh, bổ sung thêm sức mạnh.
Thứ ba, xây dựng vững chắc hậu phương, duy trì đoàn kết chính trị để làm động lực cho một cuộc đấu tranh kéo dài, đồng thời khéo léo tận dụng các sức mạnh của quốc gia.
Thứ tư, phải kiên nhẫn để kẻ thù mệt mỏi theo thời gian và chán gây chiến.
Thực ra, Manila đã dùng kế sách tương tự khi đối đầu với Bắc Kinh. Bởi không thể ngăn cản Trung Quốc bằng thuyết phục ngoại giao hoặc chế ngự bằng kinh tế hay dùng sức mạnh quân sự, Philippines đã kiện Trung Quốc lên PCA.
Theo ông Holmes, Manila vẫn có thể tiếp tục dùng sách lược của ông Fabius khi Trung Quốc bác bỏ phán quyết và tiếp tục hành động ngang ngược.
Đầu tiên, Manila phải nắm chắc những phán quyết có lợi từ PCA. Trung Quốc đang tiến hành cuộc chiến liên tục 24/7 trong cả 365 ngày/năm bằng các phương tiện tâm lý, truyền thông nhằm truyền bá những quan điểm phi lý của nước này.
Đáp lại, Philippines cũng phải thường xuyên nêu lên lập trường, tuyên truyền sự đúng đắn, tính pháp lý của mình trong các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của PCA là công cụ cực kỳ hiệu quả trong quá trình đó.
Theo ông Holmes, Manila cũng cần thực hành tốt hơn Ngoại giao công chúng (NGCC - Một công cụ đầy sức mạnh để định hình nhận thức của cộng đồng quốc tế và tập hợp sự ủng hộ quốc tế dành cho quốc gia nào đó). Theo đó, Manila cần sử dụng nhiều hình ảnh và video hơn để đưa vào hoạt động NGCC.
Ông cho hay, quan sát tình hình Biển Đông trong nhiều năm nay nhưng ông chưa từng thấy một tuyên bố nào đủ ấn tượng về cả lời nói và hình ảnh của Philippines.
Ví dụ, trong tuyên bố chính thức đầu tiên của Manila về Bãi cạn Scarborough hồi tháng 4/2012, Manila chỉ kèm theo một vài bức ảnh mờ nhạt cho thấy một số tàu Trung Quốc đang chở san hô, cá mập đánh bắt ở đó.
Không có gì nêu ra được hoàn cảnh Hải quân Philippines phải đối mặt với các tàu cá và tàu của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc. Thậm chí, trong các bức hình cũng không có hình ảnh của Bãi cạn Scarborough.
Ông Holmes nhấn mạnh, Manila phải cho mọi người thấy được cái mà Trung Quốc đang làm để có thể kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng thế giới.
Thứ hai, Manila tăng cường mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực hay với các đồng minh hiện tại hay đồng minh tiềm năng bởi Manila không thể đơn phương hành động quân sự chống Bắc Kinh.
Ngoài ra, Manila có thể thúc đẩy sự đồng thuận trong ASEAN để cùng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Philippines và Mỹ đã ký kết Hiệp ước Quốc phòng song phương hồi năm 1951. Theo đó Mỹ sẽ bảo vệ không chỉ các đảo chính mà còn cả các "vùng lãnh thổ đảo thuộc chủ quyền của Manila”.
Sau đó hiệp ước được mở rộng ra tới các đảo san hô, cũng như các tính năng dưới nước như Bãi cạn Scarborough.
Ông Holmes cho rằng, đây là một hiệp ước quan trọng, do đó Manila phải kiên định cùng Mỹ thực hiện hiệp ước này.
Thứ ba, sự kiên định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định đoàn kết bên trong Philippines nhằm tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài với Bắc Kinh.
Theo ông Holmes, một tổng thống không kiên định với các tuyên bố chủ quyền của quốc gia sẽ mất đi sự tín nhiệm và sự đồng lòng của người dân.
Tin tốt cho Philippines là ông Duterte đã thực hiện được điều đó kể từ khi nhậm chức. Sau khi PCA ra phán quyết, trong cuộc gặp với một phái đoàn nghị sĩ Mỹ tới thăm Manila, ông đã khẳng định: “Phán quyết không thể thương lượng được”.
Cuối cùng, nếu đúng theo sách lược của Fabius, Manila sẽ kéo dài cuộc đối đầu cho đến khi Trung Quốc cảm thấy chán nản. Nhưng bao lâu nữa thì điều đó sẽ xảy ra và liệu Trung Quốc có ngừng hành động hung hăng hay không. Điều đó khó có thể nói trước.
Dù vậy, theo ông Holmes, Bắc Kinh có thể sẽ lặng lẽ ngừng những hành động hung hăng vì lợi ích của chính Bắc Kinh như ông Đặng Tiểu Bình đã từng làm.