Chuyến thăm trên đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận và được cho là động thái đối trọng với Trung Quốc tại khu Nam Á của Ấn-Nhật.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ cho rằng, sự liên thủ của hai nước đã quá muộn, không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Trên thực tế, Nhật Bản và Ấn Độ đã nỗ lực bắt tay đối phó Trung Quốc từ một vài năm trước, bởi các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước không chỉ giới hạn ở Ấn Độ mà còn dàn trải khắp Nam Á, Tây Á, thậm chí châu Phi.
Giới quan sát nhận định, nhằm để kiềm chế sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc, hai nước Ấn-Nhật cũng đã gây dựng nên một tuyến đường "tơ lụa riêng".
Tháng 5 năm nay, tại Đại hội Ngân hàng phát triển châu Phi lần thứ 52 lần đầu tiên tổ chức ở Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã đề xuất thúc đẩy ý tưởng Hành lang tăng trưởng Á-Phi với sự hỗ trợ của Nhật Bản.
Theo tờ The Economic Times (Ấn Độ), ý tưởng này chiến lược đầy tham vọng của New Delhi-Tokyo nhằm kết nối kinh tế ở các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Đông Á, Đại Tây Dương và châu Phi. Thông qua việc tái xây dựng tuyến đường hàng hải cổ đại, tạo ra các hành lang mới trên biển để thành lập "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa".
Trước đó, tờ này tiết lộ, hai nước Nhật-Ấn sẽ hợp tác xây dựng nhiều dự án hạ tầng cơ sở ở châu Phi, Iran, Sri Lanka và các nước Đông Nam Á nhằm cân bằng ảnh hưởng khu vực với Trung Quốc. Hay Tokyo sẽ cùng New Delhi tham gia kế hoạch mở rộng cảng Chabahar, một cảng chiến lược quan trọng của Iran.
Ngoài ra, hai nước có ý định đầu tư vào dự án mở rộng cảng Trincomalee, một khu vực quan trọng chiến lược ở Đông Sri Lanka cũng như cùng phát triển dự án cảng biển nước sâu Dawei ở biên giới Thái Lan và Myanmar.
Đa chiều (Mỹ) đánh giá, Ấn-Nhật bắt tay cạnh tranh với Trung Quốc trên thực tế là sự mở rộng của chiến lược Tái cân bằng châu Á. Tại bữa tiệc tiếp đón đoàn ngoại giao Nhật Bản, ông Modi hoan nghênh triển vọng hợp tác kinh tế Ấn-Nhật trong khi ông Abe hồ hởi nhắc lại cuộc tập trận chung giữa ba nước Mỹ, Nhật, Ấn tại Ấn Độ Dương trước đó không lâu.
Nhưng Giáo sư Panos Mourdoukoutas từ khoa Kinh tế thuộc đại học Long Island (Mỹ) mới đây đăng tải bài viết trên tạp chí uy tín Forbes cho rằng, Bắc Kinh đã nhanh chân hơn một bước trong việc hoàn thành bố trí cục diện các cảng biển ở bên bờ Đại Tây Dương.
Đặc biệt, ngày 1/8, Trung Quốc khai trương căn cứ quân sự (mà nước này gọi đó là cơ sở hậu cần) đầu tiên ở nước ngoài, đặt tại quốc gia thuộc khu vực sừng châu Phi, Cộng hòa Djibouti.
Nhật-Ấn bắt tay lúc này đã quá muộn, quá muộn để thực hiện mục tiêu của hai nước, Giáo sư Mỹ bình luận.
Ngoài ra, theo giáo sư này, sự bất ổn của nền kinh tế Ấn Độ và sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản khiến cho liên minh này thiếu sự cạnh tranh với "các nguồn lực kinh tế" của Trung Quốc.
Một nhà bình luận khác của tạp chí Forbes, Wade Shepard cho rằng, dù quốc gia nào dẫn đầu hoặc đầu tư, dù đó là "con đường tơ lụa riêng" của Ấn- Nhật hay Vành đai và con đường của Trung Quốc, chỉ cần nó có thể có lợi cho các quốc gia liên quan, các nước này tất sẽ nhất trí hợp tác cùng phát triển.
"Bắc Kinh đã có nhận thức tương đối toàn diện với ý tưởng Con đường tơ lụa mới, họ đang cố gắng tạo ra một biểu tượng của sự hội nhập Âu-Á chứ không còn coi đó là lợi ích ưu tiên của riêng bản thân", ông Shepard bình luận.