Cuộc chiến sẽ tiếp tục nhưng đã qua cao trào
Theo Bắc Kinh, sau 4 năm kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình khởi động chiến dịch chống tham nhũng đến nay, đã có gần 1 triệu quan chức Trung Quốc bị điều tra.
Ông Andrew Wedeman - Giáo sư Đại học Georgia State (Mỹ) nhận định, chiến dịch này của ông Tập nhìn qua có vẻ lâu dài và mạnh tay hơn những người tiền nhiệm và hiện nay nó vẫn chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại.
Chuyên gia này cũng cho rằng, thực chất, chống tham nhũng không phải là một chiến dịch mà là “thường thái mới” của Trung Quốc hiện nay tuy nhiên cao trào của chiến dịch chống tham nhũng đã trôi qua.
Giáo sư Mỹ nhận định, thời kỳ cao trào trên rơi vào khoảng từ tháng 12/2014 tới tháng 3/2015, cũng là lúc nhiều "hổ lớn" bị sa lưới. Từ đó đến nay, số lượng các vụ án tham nhũng được Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) công bố đã giảm dần.
Tuy trong Hội nghị trung ương VI (10/2016) Đại hội khóa XVIII đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh phải tiếp tục triển khai nghiêm chỉnh chiến dịch chống tham nhũng nhưng không hề có bất kỳ một biện pháp cụ thể nào được đưa ra.
Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa thể thúc đẩy cơ chế công khai hóa tài sản của quan chức. Trong kỳ họp Lưỡng hội vào tháng 3 vừa qua, cơ chế này vẫn còn là một chủ đề gây nhiều ý kiến trái chiều.
Theo Wedeman, chiến dịch chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa làm giảm mạnh vấn nạn tham nhũng tại quốc gia này mà mới chỉ khống chế được một phần của vấn đề.
Hai "hổ lớn" trong chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc: Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu (trái) và cựu Bí thư thành ủy Trung Khánh Bạc Hy Lai. Ảnh: Sina
Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), đa phần người Trung Quốc cho rằng, mặc dù chính quyền Bắc Kinh đã triển khai cuộc chiến chống tham nhũng nhưng vấn nạn này tại Trung Quốc vẫn rất trầm trọng.
Tuy nhiên, ông Andrew nhận định, chống tham nhũng đã gây ra tâm lý lo sợ đối với các quan chức Trung Quốc. Cũng nhờ vậy "nghề công chức" vốn được người dân nước này trọng vọng đã không còn sức hút như trước kia.
Đơn giản hóa thủ tục và tăng lương để quan chức liêm khiết hơn?
Do vấn nạn tham nhũng khá phổ biến tại Trung Quốc nên chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập phải đối mặt với các thách thức lớn.
Thứ nhất, Bắc Kinh phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và giảm bớt quyền hạn của các nhà hoạch định chính sách để hạn chế nguy cơ tham nhũng.
Về mặt này, Mỹ đã đạt được một số bước tiến. Ví như, dù cho anh có mua chuộc được một quan chức, tuy nhiên, nếu muốn đề xuất của mình được thông qua, anh vẫn phải có được sự ủng hộ từ đa số các nghị sĩ. Vì thế, hối lộ không còn nhiều ý nghĩa.
Thứ hai, ông Tập phải hạ thấp khoảng cách giữa lương của các quan chức chính phủ và lương nhân viên tại các công ty tư nhân.
Giáo sư Wedeman cho rằng, mặc dù lương cao không đồng nghĩa với liêm khiết hơn nhưng chỉ cần mặt bằng lương của các quan chức thấp, trong khi họ lại kiểm soát trong tay nhiều tài sản có giá trị, như vậy, buộc họ phải kiềm chế lòng tham là điều rất khó.
Theo đó, Tập Cận Bình phải có biện pháp giải quyết vấn đề này. Nguyên nhân chủ yếu khiến người ta dễ nhận hối lộ chính là khoản tiền bẩn đó có giá trị hơn nhiều lương mà họ được nhận.
Tuy nhiên, Wedeman cũng cho rằng tăng lương để quan chức chính phủ thanh liêm hơn cũng có vấn đề, bởi nó trông không khác gì việc khuyến khích các hành vi tham ô của các quan chức.
Làm cách nào để giải quyết vấn nạn tiền quyền song hành?
Theo Giáo sư Wedeman, giải quyết vấn nạn tiền quyền song hành chính là thách thức thứ ba mà Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chững lại.
“Kết quả từ cuộc cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình là sự ra đời của tầng lớp thượng lưu giàu có. Đây là tầng lớp đang tồn tại thực sự, họ rất giàu và có quan hệ mật thiết với nhiều quan chức chính quyền. Họ thông qua mối quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân để bắt tay với giới tinh hoa trong chính phủ", Wedeman nói.
Giáo sư Mỹ nhận định, trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh, tham nhũng kiểu này có thể chiếu cố nhưng cùng với việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại, nếu như không có một cơ chế điều chỉnh các hoạt động của giới tinh hoa, mối quan hệ trên sẽ kiềm chế sự phát triển kinh tế nước này.
Wedeman cũng nhắc đến việc Mỹ không loại bỏ được hoàn toàn mối liên hệ giữa tiền và quyền nhưng người Mỹ đều biết đến giới hạn còn tại Trung Quốc, giới hạn từ lâu đã không tồn tại.
Theo học giả Mỹ, ông Tập nên cân nhắc việc đưa chiến dịch chống tham nhũng trở thành "thường thái mới". (Ảnh: Feng Li/Getty Images)
Đặc xá với quan tham?
Theo Wedeman, ông Tập Cận Bình cần đưa ra một cơ chế "đặc xá” và khoan dung đối với những quan tham. Theo đó, “đặc xá” chính là cho phép các quan chức tham nhũng làm lại từ đầu.
Ông nói: “Nếu như tham nhũng đã trở thành vấn nạn phổ biến trong trên chính trường Trung Quốc, vậy thì, tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng sẽ làm chấn động kết cấu thượng tầng trong hệ thống chính trị nước này, bởi bản thân ông Tập không thể điều tra tất cả các quan chức”.
Một số báo cáo chỉ ra, kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng triển khai đã tác động mạnh tới các quan chức cán bộ, không ít người vì lo lắng bị điều tra mà không công tác. Ngoài ra, không hối lộ nên không kiếm được lợi cũng khiến cho nhiều cán bộ không còn động lực làm việc.
Wedeman cho biết, sau khi bắt giữ hơn hàng trăm hổ lớn, ông Tập nên cân nhắc việc đưa chiến dịch chống tham nhũng trở thành “thường thái mới”. Đồng thời với việc tăng cường chống tham nhũng, cũng phải tránh ảnh hưởng tới việc vận hành bộ máy chính quyền.
Wedeman cho rằng, Trung Quốc có một "văn hóa tham nhũng", thứ văn hóa này thể hiện trong những lời nhận tội của các tham quan.
Ví như, các quan tham đều cho rằng tham nhũng là những "bí mật bẩn thỉu" của tất cả các quan chức. Đa phần họ cho rằng, nếu như anh không nhận hối lộ tức là anh đã xúc phạm tới người hối lộ, hoặc anh sẽ phải chịu áp lực từ phía đồng nghiệp.
Vì vậy, đây không phải là một mệnh lệnh chính trị và có thể giải quyết ngay trong các chiến dịch chống tham nhũng mà đây là ý thức nghề nghiệp của mỗi người.