Nếu tất cả mọi thứ không có gì thay đổi, nhân loại chắc chắn sẽ sớm có câu trả lời về việc trên sao Hỏa liệu có sự sống hay không.
Mọi chuyện sẽ bắt đầu vào năm 2020 - thời điểm Trái đất và sao Hỏa có quỹ đạo gần nhau. NASA khi đó sẽ gửi robot tự hành mang tên Mars 2020 lên đó, dự tính sẽ hạ cánh vào 18/2/2021 và bắt đầu tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên hành tinh Đỏ. Hiển nhiên, các fan thiên văn vũ trụ đang cực kỳ mong chờ chiến dịch này xảy ra.
Nhưng ngay ở thời điểm tất cả cùng mong ngóng, thì mới đây một giáo sư côn trùng học của ĐH Ohio - tiến sĩ William Romoser - lên tiếng khẳng định rằng ông đã tìm ra bằng chứng cho thấy sự sống thực sự có tồn tại trên sao Hỏa. Và bằng chứng của ông chính là những hình ảnh mà các vệ tinh, tàu thăm dò và rover trên hành tinh Đỏ đã mang lại.
Theo giáo sư Romoser, ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu các hình ảnh ấy và nhận ra nhiều vấn đề mà giới khoa học đã bỏ qua: đó là các dấu hiệu của sự sống, cả hóa thạch lẫn những sinh vật đang tồn tại. Thậm chí, ông còn cho rằng sự sống trên sao Hỏa có thể phức tạp hơn chúng ta nghĩ, với những dạng sống giống như bò sát và côn trùng.
Hình ảnh được cho là giống đầu rắn do giáo sư Romoser công bố
"Có vẻ như sao Hỏa có sự sống khá đa dạng," - giáo sư Romoser chia sẻ. "Hành tinh Đỏ từng có sự sống, và giờ vẫn đang hiện hữu. Có dấu hiệu cho thấy nhiều loài giống côn trùng, với kết cấu có thể được liệt kê vào nhóm "bậc cao" như cánh và những đôi chân mang cấu trúc đặc biệt."
Ngạc nhiên chưa, hẳn là sự sống trên sao Hỏa. Rõ ràng, việc phát hiện ra sự sống trên hành tinh đang chuẩn bị được con người khai phá là một thành tựu cực lớn, đủ để gây chấn động trong cộng đồng khoa học. Nhưng nếu vậy thì tại sao các chuyên gia - mà cụ thể là NASA, lại không có động thái gì liên quan đến câu chuyện này?
Lý do hóa ra rất đơn giản, đó là vì tất cả chỉ là ĐÁ mà thôi!
Khoa học có một thuật ngữ mang tên pareidolia - chỉ hiện tượng nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ ở nơi không ngờ đến nhất. Thuật ngữ pareidolia xuất phát từ tiếng Hy Lạp: para có ý nghĩa "lầm tưởng", và eidolon – mang nghĩa "hình ảnh, hình dạng".
Pareidolia có thể hiểu đơn giản là một hiện tượng xuất hiện khi ta nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe được âm thanh, trí não của ta nhận thấy hình ảnh hoặc âm thanh quen thuộc ở đó, trong khi thực tế không hề có - như hình mặt người trên đám mây chẳng hạn.
Hình ảnh người phụ nữ bí ẩn trên sao Hỏa - tấm hình kinh điển về pareidolia
Theo Carl Sagan - nhà vật lý, thiên văn học người Mỹ -giải thích, hiện tượng này là kết quả của quá trình tiến hóa, cho phép chúng ta nhận ra những yếu tố nguy hiểm quen thuộc mà tránh xa ra.
Tổ tiên của chúng ta xưa kia đã liên tục phải trốn chạy trước những nguy hiểm rình rập - như sư tử trốn trong bụi rậm. Những người không nhận ra dấu hiệu của sư tử có thể gặp nguy hiểm. Bởi vậy, não bộ đã buộc phải phát triển để giúp chúng ta nhận ra các dấu hiệu ấy từ sớm, dù là nhầm đi chăng nữa. "Thà chạy nhầm còn hơn bỏ sót," - Sagan chia sẻ.
Trường hợp của vị giáo sư ĐH Ohio kia cũng vậy, có lẽ là thành quả của hiện tượng pareidolia. Ông đã nhìn những khối đá thành dạng giống với côn trùng với rắn. Và có lẽ, ông tin tưởng vào luận điểm của mình đến mức sẵn sàng mang ý tưởng đấy ra trình bày ở Hội nghị khoa học côn trùng sắp tới tại Hoa kỳ.
Nhưng nhìn chung thì biết đâu đấy, lỡ ông đúng thì sao. Và kết luận cuối cùng thì hãy cứ chờ các chuyên gia của NASA làm việc đi.