Giáo dục về nạn bắt cóc theo 'khuôn mẫu' đang tạo ra suy nghĩ sai lầm ở trẻ

Hiểu Đan |

Giúp trẻ em khỏi nạn bắt cóc, sự nỗ lực bảo vệ và bao bọc của gia đình là điều cần thiết, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần dạy những kỹ năng khác để trẻ có thể tự bảo vệ chính mình trong trường hợp không có người lớn ở bên.

Một chuyên gia giáo dục nhiều năm kinh nghiệm ở Trung Quốc chia sẻ, gần đây, anh trò chuyện với một số phụ huynh, trong đó, có bà mẹ lo lắng về vấn đề của con gái 5 tuổi.

Được biết, một buổi chiều, cô bé đang chơi trong khuôn viên của cộng đồng thì có một con bướm bay ngang qua và liền vui mừng chạy theo... Bỗng có người đàn ông trung niên tiến đến nói: "Cô gái nhỏ, nhà chú nhiều bướm lắm, có con tím, con đỏ, con xanh… Nếu con muốn, con có thể tặng mẹ nữa nhé" - "Có con bướm màu tím sao? Con thích lắm", cô bé nói rồi đi theo người đàn ông về nhà.

Giáo dục về nạn bắt cóc theo khuôn mẫu đang tạo ra suy nghĩ sai lầm ở trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đến tối không thấy con về, cha mẹ tìm khắp xóm, cuối cùng một người quen nói với mẹ bé: "Con sang nhà XX". Trong nhà người này, bé gái được phát hiện ngất xỉu trong phòng tắm, trên mặt có nhiều vết máu.

Cả gia đình vội đưa con đến bệnh viện, cháu bé may mắn không có gì nguy hiểm nhưng rất sợ hãi. Em kể: "Chú nói dối con về nhà, nhà chú không có bươm bướm, chú nấu mì cho con, một lúc 5, 6 nồi. Khi con no không ăn nổi, chú tức giận, cầm cái bát trên tay đập vào đầu con". Sau này cảnh sát mới cho biết, thủ phạm vốn có vấn đề về tâm thần.

Khi được hỏi tại sao lại theo người lạ về nhà, cô bé nói: "Con nhìn chú rất thân thiện, không giống người xấu…".

"Trông không như kẻ xấu", chuyên gia cho biết, có rất nhiều trẻ em đã có định kiến sai lầm này. Từ đó dẫn tới hành động mất chủ quan. Vì sao?

Sai "khuôn mẫu", ảnh hưởng nguy hiểm gì cho trẻ?

Chuyên gia này kể: Anh nhớ một buổi họp mặt họ hàng, mình hỏi hơn chục đứa trẻ: "Các con nghĩ một kẻ xấu nên trông như thế nào?". Trẻ 3 tuổi nói: "Kẻ xấu, như con sói lớn xấu xa". Đứa trẻ 4 tuổi nói: "Quái vật là kẻ xấu". Đứa trẻ 5 tuổi nói: "Những kẻ có đôi mắt phun lửa và những chiếc răng sắc nhọn".

Một em 6 tuổi nói: "Những kẻ xấu đội mũ và đeo mặt nạ". Trong khi cậu bé 7 tuổi nêu ý kiến: "Những kẻ xấu có cái đầu hói và những vết sẹo trên khuôn mặt"... Trên đây là định nghĩa về "kẻ xấu" của vô số đứa trẻ, nhưng có phải kẻ xấu nào cũng trông như thế này không? Nguyên nhân của định kiến ở trẻ em là gì?

Nếu bạn hay xem phim hoạt hình, phim truyền hình hay thậm chí đọc truyện tranh cùng con, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một hiện tượng tương tự được rập khuôn: Kẻ xấu luôn trông đáng sợ hoặc khiến mọi người sợ hãi khi tiếp cận chúng.

Chẳng hạn như phù thủy với đôi mắt dài. Mũi và hàm răng sắc nhọn. Sói xám có vết sẹo trên mặt và đôi mắt xám. Những con gấu hung dữ có đôi mắt ác độc. Bên cạnh đó, những người xinh đẹp dễ thương là "những người tốt".

Ngoài yếu tố môi trường, những người lớn xung quanh trẻ thường "gieo rắc" định kiến cho trẻ một cách cố ý hoặc vô ý với "kinh nghiệm đúc kết từ quá khứ" của chính họ. Trẻ em thường bị ảnh hưởng một cách vô tình bởi những "khuôn mẫu" không khách quan này trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Điều này giống như một đứa bé 8 tháng tuổi sẽ để cho một người cô xa lạ xinh đẹp bế, nhưng lại khóc và chống cự khi một bà già mặt cau có và mất răng muốn ôm mình. "Khuôn mẫu" này là một "tác dụng phụ" do gen vị kỷ mang lại, và trẻ em sẽ vô thức hạ thấp cảnh giác trước những kẻ buôn người đẹp trai cho trẻ kẹo hay đồ chơi.

Làm thế nào để phá vỡ "khuôn mẫu"?

Cha mẹ có thể cùng con tìm kiếm các vụ việc về kẻ xấu, buôn người trên Internet, kể cho con nghe quá trình xảy ra vụ việc, khuyến khích con vẽ tranh về kẻ xấu. Khi trẻ biết nhiều hơn, vẽ nhiều hơn, trẻ sẽ dần dần phá vỡ "khuôn mẫu" sai lầm ban đầu. Sự đánh giá của trẻ em về mọi người sẽ trở nên khách quan hơn: "Hóa ra một số kẻ xấu thì trông khó nhìn và thấp bé, nhưng một số kẻ xấu vẫn xinh đẹp, tuấn tú hoặc dễ thương".

"Đôi khi tôi nói với các con về người tốt và người xấu bằng cách sử dụng một con vật dễ thương nhưng độc hại như một phép ẩn dụ. Có một loài động vật biển ở Thái Bình Dương trông rất dễ thương, nhìn từ bên ngoài giống như một ngôi sao đại dương xanh. Nhưng một khi bị nó cắn sẽ chết rất nhanh, độc của nó còn mạnh hơn cả rắn hổ mang. Tên của nó là bạch tuộc đốm xanh", chuyên gia này nói.

Cha mẹ cũng có thể lấy ví dụ về một con vật dễ thương và xấu xí mà con quen thuộc để giúp trẻ hiểu hơn - những cô chú, cô bác trông hiền lành tốt bụng cũng có thể là kẻ xấu, kẻ buôn người.

Vậy nên, ngay bây giờ hãy nhanh chóng hỏi con bạn: "Con nghĩ một kẻ xấu trông như thế nào?" để có sự can thiệp phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại