Gianluigi Buffon – từ siêu nhân của căn bệnh trầm cảm đến kẻ thù vĩ đại của thời gian

Hồ Việt |

Cuôc đời có những sự trùng hợp rất lạ: khi Serie A vừa kịp bắt vé lên chuyến tàu quay về thời hoàng kim của mình thì người được xem là mối liên kết duy nhất với thời hoàng kim ấy, vừa kết thúc sự nghiệp vĩ đại của mình ở tuổi 45 hôm 2-8 vừa qua.

Gianluigi Buffon – từ siêu nhân của căn bệnh trầm cảm đến kẻ thù vĩ đại của thời gian - Ảnh 1.

Trong hai thập kỷ rưỡi, Gianluigi (Gigi) Buffon là người đàn ông không chỉ dừng lại mà còn kiểm soát thời gian. Anh ta không bao giờ già đi, không một vết hằn trên trán, không một nếp nhăn lạc lõng trên khuôn mặt, không một kilogam phình ra trên cơ thể. Có quá ít những gì gợi lên sự tàn phá của tuổi tác đối với Buffon.

Thời gian, anh dường như kiểm soát nó bởi anh dường như có đủ thời gian để làm mọi thứ. Khi thì cong thân hình cao su của mình để đẩy quả bóng qua xà chỉ bằng cú chạm khẽ trên đầu ngón tay. Khi thì làm chệch hướng một cú sút bằng ống chân ngay lúc thân hình còn nằm trên không trung. Buffon dường như hoạt động trong một thế giới khi chỉ có một mình anh ta điều khiển kim đồng hồ. Anh từng nói đùa sẽ chơi cho đến 65 tuổi. Nhưng ở tuổi 45, anh ý thức hết sức rõ ràng về thời gian, đã quyết định dừng lại. Vừa đủ, trọn vẹn như thể vừa thực hiện một pha cứu bóng thần thánh nào đó.

Trong thế hệ của mình, Gigi là một trong những thủ môn xuất sắc nhất thế giới. Ở tuổi 23, anh đã là người gác đền đắt giá nhất lịch sử thời điểm đó. Tại đội tuyển quốc gia, anh là bức tường thành vững chãi trước khung gỗ giúp Italy lên ngôi vô địch World Cup 2006, giải đấu mà anh chỉ phải nhận duy nhất 1 bàn thua suốt cả chiến dịch từ một pha phản lưới nhà của đồng đội. Ở Juventus, anh là người chỉ huy của hàng phòng ngự xuất sắc bậc nhất thập niên 2010. Như chính lời hứa với bản thân từ ngày bắt đầu sự nghiệp, Buffon đã chiến đấu bằng mọi giá để bảo vệ khung gỗ của mình trước bất kể đối thủ nào.

Và không thể không nhắc đến giá trị tô điểm cho di sản của anh trở nên vĩ đại chính là sự chung thủy trong giông tố. Ngày Juventus bị giáng xuống Serie B, Buffon là một trong vài trụ cột đã ở lại để cùng đội bóng chiến đấu lên Serie A. Là nhà vô địch thế giới với tương lai rộng mở, anh hoàn toàn có quyền rời đi để sự nghiệp của mình trơn tru hơn, nhưng người đàn ông ấy đã nghe theo tiếng gọi của trái tim và lựa chọn con đường khó. Để rồi từ đó, anh đã là biểu tượng bất diệt trong lịch sử Bianconeri.

Khi người ta nói về sự vĩ đại của một thủ môn, đôi khi các con số thống kê lại có rất ít giá trị. Kẻ cô đơn nhất sân bóng cũng chính là những người có thể tạo ra thứ cảm xúc Sống – Chết cực kỳ khác biệt. Những người giỏi nhất như Buffon, Dino Zoff, hay Iker Casillas, Lev Yashin được nhớ đến vì sức mạnh cá nhân của họ. Ngay cả khi bạn xem tổng hợp những pha cứu thua vĩ đại nhất, vĩ đại nhất và khó khăn nhất của Buffon, điều khiến bạn ấn tượng không chỉ là phản xạ chớp nhoáng hay sự điềm tĩnh siêu thực của anh ấy, mà còn là con người anh ấy, kịch tính và đam mê, cuồng nhiệt và tràn đầy năng lượng. Đôi mắt mở to tròn xoe như trăng rằm, từng cơ mặt co giật, từng đường gân trên cổ phập phồng, anh khiến những kẻ tấn công giỏi nhất sợ hãi bao nhiêu thì anh làm họ đau đớn bấy nhiêu.

Hình ảnh lâu bền nhất về Gigi sẽ không có bất kỳ pha cứu thua nào – không phải cú đấm của Zinedine Zidane trong trận chung kết World Cup 2006, không phải pha vung ngón tay để từ chối Andrea Pirlo năm 1996, hay Mario Goetze ở Euro, hoặc bất kỳ người nào trong số mười nghìn “nạn nhân” mà anh đã từ chối bàn thắng của họ. Người ta nhớ nhiều đến Gigi khi anh gầm gừ với hậu vệ đội nhà, hoặc đang ngân vang bài quốc ca. Quên đi tất cả những huy chương, danh hiệu và những lời khen ngợi, chưa từng có ai hát quốc ca say mê như anh, khuấy động niềm đam mê như một ngọn núi lửa giận dữ. Chỉ riêng cảnh tượng đã đe dọa đối thủ của anh ta.

Gianluigi Buffon – từ siêu nhân của căn bệnh trầm cảm đến kẻ thù vĩ đại của thời gian - Ảnh 3.

“Bạn không muốn chỉ đơn giản là một thủ môn. Bạn muốn trở thành loại thủ môn này. Bạn muốn trở nên hoang dã, dũng cảm, tự do”, Buffon nói khi quyết định trở thành người gác đền. Một người chú của anh ấy, Lorenzo, cựu thủ môn của AC Milan, cũng nhận thấy những đặc điểm của cháu trai mình là không nên đá ở hàng tiền vệ. Đó là cánh tay khỏe mạnh, dẻo dai của anh, là di sản của cha mẹ anh. Mẹ của Buffon là VĐV ném đĩa giữ kỷ lục quốc gia, cha anh là Adriano đại diện cho Italy ở môn ném tạ. Các chị gái của anh đã chơi bóng chuyền cho đội tuyển.

Năm 2003, anh ấy đã chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến cam go với chứng trầm cảm, rằng “ai đó đang sống trong tâm trí anh ấy”. Sau này Buffon có kể lại về hoàn cảnh lúc đó: “Nếu bạn sống cuộc sống của mình theo cách hư vô, chỉ nghĩ về bóng đá, tâm hồn bạn sẽ bắt đầu khô héo. Cuối cùng, bạn sẽ trở nên chán nản đến mức không muốn rời khỏi giường”. Liệu pháp của anh là đi ăn các nhà hàng khác nhau để thưởng thức những khẩu vị mới lạ, đến một viện bảo tàng hoặc nói chuyện với những người gặp ngẫu nhiên trên đường phố.

Mặc dù là cầu thủ bóng đá Italy được thần tượng nhất trong thế hệ của mình, trải dài từ thời kỳ đỉnh cao của Roberto Baggio cho đến những năm suy tàn qua thời kỳ hoàng kim của Maldini và Pirlo, Totti và Cannavaro, nhưng sự nghiệp của Gigi cũng có scandal. Đã có những cáo buộc về đánh bạc bất hợp pháp và xu hướng chính trị gây tranh cãi. Quyết định mặc áo số 88 của anh ấy tại Parma đã khiến cộng đồng Do Thái ở Italy kinh ngạc, họ chỉ ra rằng con số này là biểu tượng của tân Quốc xã. “H” là chữ cái thứ tám của bảng chữ cái, vì vậy 88 tương đương với HH, hay Heil Hitler. Buffon từng mặc chiếc áo có in khẩu hiệu “Boia chi molla” – “Chết cho những kẻ hèn nhát” – vốn được quân phát xít sử dụng vào thời của Benito Mussolini…

Gianluigi Buffon – từ siêu nhân của căn bệnh trầm cảm đến kẻ thù vĩ đại của thời gian - Ảnh 4.

Tất cả những điều đó, từ bệnh trầm cảm, thái độ trên sân bóng, các suy nghĩ về đời sống … đều là sự thể hiện của một cá tính rất mạnh, quá khao khát chiến thắng. Nhưng có lẽ một phần nhờ khát khao chiến thắng đôi khi đến mức cực đoan như thế, Buffon đã duy trì được động lực thi đấu đáng nể đến tận độ tuổi U50. Dù thế nào đi chăng nữa, Gianluigi Buffon vẫn là một huyền thoại của bộ môn thể thao mà anh đã gắn bó đến mức “sống chết” với nó. Gigi có những sự tranh cãi, sự nghiệp của anh có những nỗi tiếc nuối, nhưng anh là biểu tượng cho một thế hệ bóng đá của lòng thủy chung và sự gắn bó. Anh đã chiến đấu bằng tất cả những gì có thể để tôn vinh chiếc logo trên ngực áo và sống trọn vẹn với tình yêu của đời mình.

Với sự ra đi của anh ấy, mối liên kết cuối cùng với thời hoàng kim của Serie A cũng kết thúc, thời điểm mà nó là giải đấu mạnh nhất thế giới, thời điểm mà những cầu thủ giỏi nhất thế giới chơi ở Thiên đường đồng Lire. Nhưng Buffon, mặc dù vậy, sẽ vẫn trường tồn với thời gian, chính cái tên của anh đã đưa bóng đá Italy trở lại thời kỳ hào nhoáng và vinh quang đã mất từ ​​lâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại