Các lệnh trừng phạt Nga, gậy ông đập lưng ông
Ngày 23/6/2022, Hội nghị thượng đỉnh nhóm nền kinh tế mới nổi BRICS gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng chính sách kinh tế của Nga và việc mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống đang phát huy hiệu quả trong việc đối đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các lãnh đạo BRICS chụp ảnh trực tuyến
Trước các biện pháp trừng phạt toàn diện chưa từng có, kinh tế Nga vẫn đứng vững.
Bất chấp những lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga, làm cạn kiệt nguồn tài chính và dự trữ ngoại hối của nước này, gây sức ép nhằm triệt tiêu khả năng Moscow tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga đã không đạt được mục tiêu.
Giá trị đồng rúp
Cơ sở để đưa ra nhận định này là trong bối cảnh Mỹ và châu Âu áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt - hai nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Moscow, và dòng ngoại hối tiếp tục chảy vào kho bạc nhà nước.
Đáng lưu ý là thị trường ngoại hối đang ổn định, giá trị đồng rúp phục hồi nhanh chóng và trở lại mức của nó so với các đồng tiền ngoại tệ chính, trước hết là đồng USD.
Đồng rúp Nga ghi nhận sự tăng giá so với đồng USD và đồng euro. Ngày 24/6/2022, tại sàn chứng khoán Moscow, giá trị đồng rúp đạt mức cao nhất kể từ gần 7 năm nay, đồng rúp được giao dịch với tỷ giá 53,20 rúp ăn 1 USD, sau khi mất giá mức kỷ lục khoảng 140 rúp/USD hồi đầu tháng 3, chỉ một tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cùng với việc bảo vệ được giá trị đồng rúp, Nga cũng được hưởng lợi từ giá dầu tăng vọt. Cho dù lượng dầu khí xuất khẩu sang châu Âu bị cắt giảm, việc giá dầu tăng khiến thu nhập do dầu khí vẫn tiếp tục là nguồn lợi chủ yếu của Nga.
Nga thu được số tiền khổng lồ
Moscow đã tìm kiếm được thị trường mới cho xuất khẩu dầu của mình, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ là hai hai quốc gia đông dân nhất, có nền kinh tế khổng lồ và là hai trong số các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất trên thế giới.
Tháng 5/2022, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 55% và Ấn Độ đã tăng nhập khẩu dầu của Nga lên hơn 25 lần kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, với khoảng một triệu thùng mỗi ngày, so với khoảng 30 nghìn thùng mỗi ngày vào tháng 2/2022.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Theo số liệu do Viện nghiên cứu độc lập về năng lượng CREA công bố đầu tháng 6, Nga đã thu được 93 tỉ euro tiền bán dầu khí, 61% số tiền này là do chính các nước châu Âu chỉ trả.
Dầu khí tiếp tục mang lại thu nhập đáng kể cho Nga, chiếm 60% tổng thu nhập xuất khẩu của Nga, cũng là yếu tố giúp đồng rúp tăng giá.
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế, ở thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6, Tổng thống V. Putin khẳng định thành công của việc giữ giá đồng rúp. Ông tuyên bố : ‘‘Người ta đã cảnh báo với chúng tôi là đồng rúp sẽ sụp đổ. Nhưng các dự đoán này đã không trở thành sự thật’’.
Tờ báo New York Times gần đây viết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã thất bại vì nước này có thể hưởng lợi từ việc tăng giá năng lượng và xuất khẩu dầu trực tiếp với số lượng tương đương với số lượng đã từng cung cấp cho phương Tây sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Các khoản nợ nước ngoài
Các giới phương Tây, các tổ chức xếp hạng quốc tế, cho rằng Nga sẽ phá sản, không trả được nợ nước ngoài, nhưng điều đó đã không xảy ra. Moscow đã trả các khoản nợ đúng hạn mặc dù các ngân hàng phương Tây đã đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga. Các nỗ lực nhằm hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga cũng không đạt được mục tiêu.
Ngân hàng Trung ương Nga vẫn duy trì được niềm tin và sức mạnh và sức mạnh của lĩnh vực ngân hàng, bất chấp thực tế là các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng đến tài sản của các ngân hàng Nga ở nước ngoài do tài sản của một số ngân hàng đã bị thu giữ và bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine đến nay, không có ngân hàng nào của Nga bị phá sản và cũng không có ngân hàng nào của Nga không thanh toán được các nghĩa vụ của mình đối với các khách hàng trong cũng như ngoài nước.
"Cái khó ló cái khôn"
Các nhà kinh tế Nga cho rằng "cái khó ló cái khôn". Trong khó khăn, Nga một mặt tập trung phát triển, đa dạng hóa các ngành sản xuất nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, mặt khác thành lập một liên minh kinh tế mạnh mẽ gồm Nga, Trung Quốc, các nền kinh tế đầy triển vọng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Nam Phi và các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với sức ép của các cường quốc phương Tây.
Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy đến ngày 17/6/202, dự trữ quốc tế của Nga tăng mạnh, đạt mức 582,3 tỷ USD. Đồng thời Nga đang tăng cường dự trữ vàng, các đồng tiền có triển vọng như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng rupee Ấn Độ, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ như một phần của dự trữ ngoại hối.
Tổng thống Nga V. Putin cho biết, để dần dần thoát khỏi đồng USD, Nga và các đối tác trong nhóm BRICS đang nghiên cứu việc thiết lập các cơ chế thanh toán đáng tin cậy cho các giao dịch thương mại, thỏa thuận dùng một đồng tiền dự trữ quốc tế trên cơ sở rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS và mở rộng việc sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga.
Kinh tế Mỹ và châu Âu khó khăn
Cố vấn của Tổng thống Mỹ Cecilia Rose rằng, nền tảng của nền kinh tế Mỹ vẫn đủ mạnh có thể đối mặt với bất kỳ rủi ro nào.
Tuy nhiên, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell thừa nhận rằng mức độ nghiêm trọng của lạm phát "rõ ràng đã khiến các cơ quan quản lý tiền tệ ngạc nhiên". Ông cảnh báo về khả năng xảy ra "những bất ngờ khác nữa".
Ông cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tuần trước đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% để chống lạm phát, một tiền lệ chưa từng xảy ra kể từ năm 1994 đến nay. Trong khi đó, các chuyên gia của Goldman Sachs Group đã giảm dự báo kỳ vọng của họ đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ và cảnh báo về nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng.
Theo HICP (Harmonized Index of Consumer Price), chỉ số hài hòa về giá tiêu dùng, một thước đo tổng hợp của lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu đến tháng 5/2022 đã lên tới mức kỷ lục:
Mỹ: 8,6%, mức cao nhất kể từ năm 1981 đến nay. Lạm phát ở các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu cũng lên tới mức chưa từng có, cụ thể Anh: 9,1%, cao nhất kể từ 40 năm nay, Đức: 8,7%, Italia: 7,3%, Tây Ban Nha:8,5%, Bồ Đào Nha: 8,1%, Bỉ: 9,9%, Pháp: 5,8%, Hà Lan: 10,2%, Hy Lạp: 10,7%.... Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát ở các nước vùng Baltic gồm Latvia, Lithuana, Estonia tăng với tốc độ phi mã ở mức từ 16,4% đến 20,1%.
Giá nhiên liệu ở Mỹ và châu Âu tăng trung bình 39,2%, giá các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có lương thực, thực phẩm tăng trên dưới 10%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở các nước này còn tiếp tục tăng và tỷ lệ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ tụt xuống - 2,9% trong năm nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nước Nga đang tìm cách thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước châu Á, châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 23/6/2022 đã tập hợp các nhà lãnh đạo cao nhất của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chiếm 40% dân số thế giới, một phần tư GDP toàn cầu là một sự kiện quốc tế quan trọng. Theo dự báo, đến năm 2030, tỷ trọng của nhóm BRICS trong thương mại toàn cầu sẽ đạt 37%, vượt quá con số của Mỹ và châu Âu cộng lại.
Việc tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ BRICS là một trong những chủ đề quan trọng trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Nga V. Putin cho biết, để dần dần thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la Mỹ, Nga và các đối tác BRICS đang nghiên cứu việc thiết lập các cơ chế đáng tin cậy cho các giao dịch thương mại, trong đó có việc sử dụng một loại tiền dự trữ quốc tế trên cơ sở rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS và mở rộng việc sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga.
Ông V. Putin nói, vị thế và quyền lực của BRICS đang không ngừng tăng lên hơn bao giờ hết. Tăng cường hợp tác với các thành viên của nhóm này sẽ giúp Nga phá vỡ vòng vây cấm vận của phương Tây. Các nhà quan sát cho rằng, diễn đàn BRICS đang đưa nước Nga trở lại sân khấu thế giới.
(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.