Ngay từ nhỏ, Regan đã mắc chứng khó đọc và thường bị bạn bè chế giễu là "thằng đần". Thế nhưng, Regan đã làm cho Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phải kinh ngạc và bó tay trước một chuỗi mật mã mà anh ta tạo ra. FBI phải nhờ đến chính Regan mới giải được mã và thu hồi số tài liệu mật trị giá 13 triệu USD.
Bảng mã và vị trí chôn tài liệu trong công viên tại Maryland
Brian Patrick Regan cư trú tại Bowie, Maryland cùng vợ và 4 đứa con và chuyển đến làm việc tại Văn phòng Do thám Quốc gia (NRO), một cơ quan phụ trách quản lý các vệ tinh do thám, cung cấp tin cho CIA, Lầu Năm Góc, và các cơ quan chính phủ khác.
Các tin tức do NRO thu thập được phân loại tuyệt mật do vậy trước năm 1992, ngay cả sự tồn tại của NRO là một bí mật quân sự.
Regan từng làm chuyên viên phân tích dữ liệu tình báo phục vụ cho không quân Mỹ và nhận được phần thưởng vì hoàn thành công việc phân tích tình báo xuất sắc, sau sự kiện Iraq đưa quân vào Kuwait năm 1990.
Cần tiền để trang trải cuộc sống gia đình, Regan tìm cách đánh cắp tài liệu và liên hệ với Trung Quốc, Iraq và Libya để bán số tài liệu này với giá 13 triệu USD. Tuy nhiên, Regan chưa bàn giao tài liệu đã bị FBI bắt giữ. Anh ta không thể ngờ rằng đã bị FBI phát hiện và theo dõi từ 6 tháng trước.
Lên kế hoạch cho từng chi tiết
Một đêm tháng 6-2001, Brian Patrick Regan đánh xe đến công viên Pocahontas ở bang Virginia rồi mất hút vào khu rừng đen kịt bóng đêm. Vào sâu trong khu rừng, Regan dừng lại, quan sát các ngọn sồi cao, đặt ba lô xuống rồi lấy miếng trải nhựa ra phủ trên đất. Tiếp đó, Regan đào hàng loạt hố nhỏ, cẩn thận xúc đất lên miếng trải để xóa sạch dấu vết rồi vùi từng tập tài liệu vào từng hố.
Mỗi gói chứa hàng nghìn trang tài liệu với những thông tin tuyệt mật về các địa điểm tên lửa xung yếu của Libya, hệ thống phòng không Iraq cùng những chiến dịch do thám lâu nay của Mỹ nhằm vào Trung Quốc và Iran. Bộ tài liệu cung cấp toàn bộ những gì Mỹ biết về những quốc gia trên với giá trị thông tin tình báo, Regan nghĩ, có thể hội đủ độ nhạy cảm để tạo ra một cuộc chiến.
Sau khi lấp hố, Regan tiến đến một cây to gần đó, lấy búa đóng vài chiếc đinh lên thân cây rồi dùng thiết bị định vị toàn cầu để xác định tọa độ các gói tài liệu được chôn. Xong việc, Regan lầm lũi trở lại xe và lên đường về nhà.
Hai tháng sau, ngày 23-8-2001, Regan nói với cấp trên rằng, anh ta chuẩn bị đi nghỉ mát tại Orlando với vợ và 4 đứa con. Nhưng đến 16h, Regan đánh xe ra sân bay Dulles để đáp chuyến bay sang Zurich, Thụy Sĩ, nơi anh ta dự tính gặp giới chức sứ quán Iraq và Trung Quốc với hy vọng bán được tài liệu tình báo với giá cao nhất.
Sau khi lọt qua cửa an ninh, Regan lên xe buýt để ra cổng bay. Tuy nhiên, ngay sau khi cánh cổng vừa đóng lại, nhân viên FBI Steven Carr cùng một đồng nghiệp bất ngờ xuất hiện và bắt giữ Regan.
Lục soát trên người và đồ vật mang theo, FBI phát hiện một mảnh giấy giấu trong đế giày bên phải, ghi địa chỉ một số viên chức Sứ quán Iraq và Trung Quốc tại châu Âu. Trong túi quần Regan, FBI còn thấy quyển sổ nhỏ ghi 12 chữ dường như không liên quan đến nhau, chẳng hạn tricycle (xe ba bánh), rocket (hỏa tiễn), glove (găng tay)... Ngoài ra còn có 26 từ khác viết trên một phiếu mục lục.
Trong ví Regan, còn có mảnh giấy với loạt chữ cái và số, bắt đầu như sau: “5-6-N-V-O-A-I...”. Còn nữa, trong tấm bìa cứng bọc hồ sơ mà Regan ôm kè kè bên mình, FBI thấy 4 trang ghi chằng chịt các dãy 3 chữ số hoặc tam thức, chẳng hạn 952, 832, 041, 11A... Thế là quyển sổ nhỏ, phiếu mục lục, mảnh giấy trong ví và tờ giấy với các tam thức đã trở thành 4 bài toán mật mã bí hiểm đối với FBI.
Chân dung tên gián điệp Brian Patrick Regan
Chuyên gia hàng đầu của FBI “bó tay”
Với những đồ vật thu được từ Regan tại sân bay, FBI đã mừng thầm khi đặc vụ Steven Carr, người trực tiếp tham gia vụ bắt giữ đã giải mã một cách nhanh chóng. Steven Carr cho rằng, chữ tricycle (xe đạp ba bánh) có thể biểu thị con số đầu tiên liên quan đến vĩ độ của địa điểm trên là 3. Tiếp đến, từ post (cột) hoặc tree (cây) có thể ám chỉ đến con số 1; trong khi motorcycle (xe gắn máy, với hai bánh) và switch (công tắc, bật lên tắt xuống)...
Với cách thức tương tự, nhóm đặc vụ của FBI giải mã 26 từ trên tờ mục lục và phát hiện những con số phản ánh tọa độ hệ thống tên lửa đất đối không của Iraq tại khu vực cấm bay phía bắc nước này.
Điều hết sức nguy hiểm, thông tin này đến tay Baghdad, thời Saddam Hussein, sẽ giúp nước này nhanh chóng dời vị trí và do vậy Mỹ có thể hoàn toàn tấn công vào chỗ không người. Regan muốn cung cấp cho phía khách hàng những tọa độ này là để chào hàng và cho đối tác thấy được giá trị của anh ta.
Một câu hỏi đặt ra với FBI là Regan đã lấy được những gì và tài liệu cất giấu ở đâu. FBI biết rõ câu trả lời nằm ở chuỗi số và chữ cái cùng loạt chuỗi tam thức mà Regan ghi kín 4 trang giấy. Thoạt tiên, họ áp dụng cách trên nhưng không hiệu quả. Sau nhiều tháng vật lộn bất thành, FBI đã phải nhờ đến các chuyên gia giải mã thuộc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), nơi người ta bỏ ra hàng trăm giờ để giải 2 bài toán còn lại. Kết quả là con số không.
Hình ảnh Camera ghi lại thao tác Regan lấy trộm tài liệu tại NRO
Tìm thấy tài liệu nhờ “thằng đần”
Regan bật mí “11A” (trong bộ mã) biểu thị trang dẫn đến hình cô bạn học tên Cindy; tương tự, “40A” dẫn đến trang liên quan đến bạn Donna; và như vậy, “11A 40A” ám chỉ đến “CD”, có nghĩa chiếc đĩa compact mà đương sự chép tài liệu và chôn giấu.
Không chỉ thông minh, Regan còn có trí nhớ tuyệt vời. Dù được Regan hướng dẫn cặn kẽ vị trí chôn tài liệu tại Maryland, FBI vẫn không thể đào thấy. Việc đào bới tưởng chừng vô vọng sau khi người ta đã đào liên tục vài tuần với những hố khổng lồ. Cuối cùng, nhân viên FBI Steven Carr cùng hàng chục nhân viên khác và cả biệt đội SWAT phải thân chinh đến trại giam đưa Regan đến công viên Patapsco Valley.
Dò quanh từng bước và cẩn thận quan sát từng thân cây, Regan cuối cùng dừng lại và chỉ vào một vị trí cách một thân cây hơn 6m. “Tôi chôn ở đó kìa” - đương sự nói. Đến lúc đó Carr vẫn hồ nghi: “Này, tôi thậm chí không nhớ gốc cây nào mình đứng tiểu cách đây 5 phút. Làm thế nào anh có thể nhớ vị trí mình đã có mặt cách đây 3 năm?”.
Tuy nhiên, khi đào đến xuống khoảng 60cm, nhóm FBI phát hiện chiếc túi đựng CD. Không như kho tài liệu ở Virginia, kho tài liệu Maryland lại được chôn phía sau một thân cây đối diện với thân cây có đóng đinh. Trong 3 năm, chúng đã nằm ở đó trong một túi chống thấm; và kho tài liệu bí mật quân sự với giá trị hàng triệu USD này có thể mãi mãi chẳng hề được ai biết đến. Hiện Regan đang bị giam giữ tại trại giam Hazelton ở Preston County, Tây Virginia.
Link gốc bài viết tại đây.