Theo một mô hình tính toán được phát triển bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), đại dịch COVID-19 có thể cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới trong năm nay, ngay cả khi mọi người đã thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội.
Mô hình của các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu các quốc gia không áp dụng “giãn cách xã hội”, sẽ có khoảng 40 triệu người trên toàn thế giới tử vong. Tuy nhiên, thiệt hại có thể giảm đi một nửa nếu mọi người hạn chế 40% các cuộc tụ họp xã hội và người già hạn chế tương tác tới 60%.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu “giãn cách xã hội” được triển khai từ sớm và được duy trì trên quy mô rộng rãi, chẳng hạn giảm đến 75% tỷ lệ tiếp xúc giữa các cá nhân, biện pháp này có thể cứu sống 38,7 triệu người trong đại dịch COVID-19.
Nghiên cứu cũng cho biết các biện pháp mạnh mẽ hơn có thể giảm nhiều số lượng người tử vong hơn. Các nhà khoa học cũng cảnh báo tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt với những quyết định đầy thách thức trong vài tuần và vài tháng tới về việc họ nên áp đặt “giãn cách xã hội” vào thời điểm nào và có thể nỗ lực áp dụng biện pháp này trong bao lâu.
“Biện pháp duy nhất có thể ngăn chặn sự cố xảy ra với hệ thống y tế trong những tháng tới có khả năng là giãn cách xã hội chuyên sâu, hiện đang được thực hiện tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Biện pháp sẽ cần được duy trì ở một mức độ nào đó song song với mức độ giám sát y tế cao và cách ly nhanh chóng các trường hợp nhiễm bệnh”, nghiên cứu cho biết.
Một dự báo cho thấy nếu các quốc gia có thu nhập cao áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt hơn, số lượng người tử vong sẽ giảm đi và các hệ thống y tế cũng bớt gánh nặng hơn. Đồng thời, yếu tố nhân khẩu học và nguồn lực chăm sóc sức khỏe tốt ở các nước giàu có cũng góp phần tạo ra hiệu quả lớn trong sự tác động này.
Nghiên cứu cho biết “giãn cách xã hội” chuyên sâu có thể có hiệu quả lớn nhất khi được thực hiện sớm. Biện pháp này cần phải được duy trì ở một mức độ nào đó cho đến khi tìm ra một loại vaccine hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.
“Các phân tích của chúng tôi nhấn mạnh những quyết định đầy thách thức mà tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt trong thời gian tới và cũng chứng minh việc hành động nhanh chóng, quyết đoán và đoàn kết có thể cứu sống hàng triệu người trong đại dịch COVID-19”, các nhà nghiên cứu nói thêm.
Một nghiên cứu của các nhà kinh tế từ Đại học Pennsylvania, Đại học Thượng Hải và Đại học Hong Kong, ước tính rằng nếu thành phố Vũ Hán không áp dụng biện pháp phong toả, sẽ có thêm 65% trường hợp nhiễm COVID-19 tại 347 thành phố của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/3 đã mở rộng lệnh "giãn cách xã hội" đến hết tháng 4.
Các nhà nghiên cứu từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cũng dự báo rằng các biện pháp giãn cách vật lý ở Vũ Hán sẽ phát huy hiệu quả cao nhất nếu thành phố kéo dài lệnh phong toả đến đầu tháng Tư. Trước đó, các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố Vũ Hán dự kiến sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong toả vào ngày 8/4 sắp tới.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng đã kéo dài biện pháp “giãn cách xã hội” ít nhất cho đến cuối tháng 4 khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số người tử vong tăng đột biến trong những ngày qua.
“Giãn cách xã hội" đã mang đến những tín hiệu tích cực, được chứng minh là hiệu quả trong những dịch bệnh trước đây như dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1919), dịch SARS (2003) và ngay tại thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra, khi con người vẫn chưa tìm ra vaccine phòng bệnh.