Như Báo Gia đình & Xã hội thông tin, Đỗ Văn Chí (SN 1971, trú xã Tam Hưng, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) - Giám đốc Công ty Chí Linh đã thuê hàng chục côn đồ chém hơn 2.000 cây chuối trong đêm của gia đình ông Phạm Văn Quân (SN 1959, trú tại xã Cao Nhân, cùng huyện Thủy Nguyên).
Sau khi sự việc xảy ra, các đối tượng này bị lực lượng công an huyện Thuỷ Nguyên đưa về trụ sở UBND xã Cao Nhân lấy lời khai và trong số đó có 7 đối tương dương tính với ma tuý.
Khu vườn chuối hơn 2.000 cây của gia đình ông Quân bị giám đốc doanh nghiệp thuê nhóm côn đồ chặt phá. Ảnh: Đ.Tuỳ
Liên quan đến sự việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Theo luật sư Long, Công ty Chí Linh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 6/2016 trên phần diện tích đất ông Quân đang nhận là của mình trồng chuối.
Tuy nhiên, việc là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất không đồng nghĩa là chủ sở hữu của tài sản trên thửa đất đó. Công ty chí Linh biết rõ ông Quân chính là chủ sở hữu của vườn chuối nhưng vẫn cố tình thuê người chặt cây.
Do vậy, hành vi thuê người chặt chuối của ông Chí có dấu hiệu về tội "hủy hoại tài sản" được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Tuy nhiên, từ dấu hiệu vi phạm có đủ cấu thành để chuyển hóa thành tội danh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tại khoản 1 điều 143 BLHS 1999 về tội hủy hoại tài sản nêu rõ, giá trị tài sản bị hủy hoại phải lớn hơn hoặc ít hơn 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính hay đã bị kết án về tội này mà chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới cấu thành tội danh trên.
Do đó, cần phải có cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị thiệt hại về tài sản do hành vi thuê người chặt chuối gây ra. Từ giá trị thiệt hại đó mới có thể kết luận ông Chí có phạm tội hay không.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cần phải chứng minh rằng ông Quân chính là chủ sở hữu hợp pháp của vườn chuối bị chặt hạ thông qua lời khai của các nhân chứng, các hóa đơn chứng từ liên quan tới việc mua cây giống, thuê người trồng cây, chăm sóc…
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự thì đồng phạm là từ 2 người trở lên cùng ý chí thực hiện một tội phạm.
Trong đồng phạm thì có thể phân ra các vai trò như: Người chỉ huy (tổ chức), người thực hành, người giúp sức và người xúi giục.
Toàn bộ số chuối đã bị thối rữa. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định 7 đối tượng chặt chuối là do người khác sai khiến, chỉ đạo thì người sai khiến, chỉ đạo đó cũng bị xử lý về tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác.
Trong đó, người chỉ đạo là người nguy hiểm nhất và phải chịu mức án nghiêm khắc nhất.
Đối với các đối tượng tham gia chặt chuối của gia đình ông Quân, luật sư Cường thông tin, việc chặt, phá cây có thể thực hiện một cách công khai hoặc lén lút.
Tuy nhiên, dù bất cứ nguyên nhân mâu thuẫn, hình thức chặt phá nào thì hành vi phá hoại cây cối của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Dựa trên tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân.
7 đối tượng tham gia chặt phá chuối của gia đình ông Quân. Ảnh: (Cơ quan Công an cung cấp)
Trong vụ việc này, tài sản bị thiệt hại được xác định là khoảng 700 triệu đồng, vì vậy các đối tượng có hành vi cố ý hủy hoại vườn chuối này sẽ bị xử lý theo khoản 4, Điều 143 Bộ luật hình sự với mức phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tù chung thân.
Trước thông tin 7 đối tượng có kết quả dương tính với chất ma túy, luật sư Cường cho biết: "Tình tiết này sẽ làm căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và chắc chắn người sử dụng ma túy trước khi thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị tòa án áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn với người phạm tội trong các trường hợp thông thường".
Theo các luật sư, sự việc này sẽ được giải quyết bằng chế tài hình sự đối với những người cố ý hủy hoại tài sản của người khác và buộc những người này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.
Còn đối với việc tranh chấp về quyền sử dụng đất thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án dân sự nếu các đương sự có yêu cầu.