Ngày 21/1, trước đề nghị hướng dẫn rung chuông đêm giao thừa của quận Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, thành phố không có chủ trương về việc này, không nên chỉ đạo cơ sở tôn giáo thực hiện.
"Thành phố không có chủ trương, quy định nào về việc rung chuông lúc giao thừa. Theo tôi, không nên chỉ đạo các cơ sở tôn giáo làm thế. Nhà chùa nào có nhu cầu thì để chùa thực hiện thôi", ông Quý nói và đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao nghiên cứu thêm ý tưởng rung chuông.
Trước thông tin này, trao đổi với chúng tôi vào sáng nay (22/1), ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố không hề có chủ trương nào về việc chỉ đạo, yêu cầu các đình, đền, chùa, nhà thờ... phải rung chuông vào đêm giao thừa.
"Nhưng khuyến cáo rung chuông của ngành văn hóa thì vẫn có và hai việc đó là khác nhau.
Ở đây, ngành văn hóa quản lý trực tiếp các di tích, đình, đền, chùa... thì vẫn khuyến cáo giờ giao thừa nên mở cửa để người vào rồi nên có các hoạt động mang tính truyền thống và ở đâu đã làm tốt rồi thì tiếp tục còn chưa làm thì nên tiến hành... việc này không có gì khác cả", ông Động nói.
Cũng theo ông Động, Sở chỉ đưa ra chỉ đạo ở góc độ Nhà nước và đưa ra khuyến cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền về việc rung chuông còn không có văn bản trực tiếp gửi đến các đình, đền, chùa, nhà thờ...
"Ở đây, có nhiều hoạt động tốt trong thời khắc giao thừa trong từng gia đình, cộng đồng mà trước đây các cụ đã thực hiện chứ không riêng việc thỉnh chuông nên chúng tôi đưa ra khuyến cáo là nên tiếp tục duy trì thực hiện, phát triển để trở thành nét đẹp văn hóa", ông Động chia sẻ thêm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng tái khẳng định, không thể nào bắt buộc được các cơ sở thờ tự, di tích tiến hành rung chuông hay không hoặc các gia đình tổ chức những việc có liên quan.
"Thành phố không có chủ trương chỉ đạo và cũng không chỉ đạo được. Ở đây, bản chất của việc rung chuông là đã có rồi nên cũng không phải bắt buộc nên bây giờ, chỉ là qua thông tin đại chúng khuyến cáo cho họ tiếp tục thực hiện.
Và tất cả đều là tự nguyện hết, ví như các gia đình có tổ chức việc gì cũng là tự nguyện hay các đình, đền, chùa, thiết chế... làm gì cũng cho họ sáng tạo nhưng khuyến cáo là những điều gì hay, tốt thì nên tổ chức để cho mọi người được thưởng thức, tham gia.
Còn lại việc mọi người tham gia đến cấp độ nào thì tùy thuộc vào họ", ông Động nêu rõ.