Không khí cởi mở và thân mật, buổi trò chuyện tập trung bàn các vấn đề về giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, thẳng thắn nhìn nhận hệ thống xe buýt tại TP hiện còn nhiều hạn chế, chưa thực sự thu hút được người dân đi lại nên sở rất cần ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia về sự định hướng, giải pháp cụ thể để phát triển loại hình giao thông công cộng này.
Ông Cường cho rằng đây là thời điểm thuận tiện để tập trung phát triển hệ thống xe buýt, khuyến khích người dân đi bộ… do TP đang quyết liệt thực hiện các biện pháp chấn chỉnh trật tự vỉa hè, lòng đường; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông… Nếu thực hiện hiệu quả, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông tại TP sẽ được cải thiện rõ rệt.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP (thứ 2, từ phải qua) cùng các lãnh đạo khác của Sở GTVT trò chuyện trong buổi cà phê sáng (ảnh: Xuân Giang).
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP (thứ 2, từ phải qua) cùng các lãnh đạo khác của Sở GTVT trò chuyện trong buổi cà phê sáng (ảnh: Xuân Giang)
Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở GTVT, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt, chia sẻ thêm về việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng cần phải có biện pháp hạn chế xe cá nhân.
Và để làm được việc này cần có định hướng và lộ trình cụ thể, hướng cho người dân ủng hộ, đồng tình với việc sử dụng xe buýt, đi bộ…
Ông Nam cho rằng hiện TP đang thực hiện khá hiệu quả việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp duy trì, trong đó có việc đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút người dân đi lại bằng xe buýt thì vỉa hè có thể bị tái chiếm.
Theo ông Nam, tại TP hiện có nhiều tuyến đường lớn, do đó nên tính toán ưu tiên cho xe buýt có làn riêng ở các tuyến đường này. Việc này sẽ đảm bảo thời gian đi lại đúng giờ của xe buýt, giảm nguy cơ tai nạn do xe không phải “cắt mặt” các phương tiện khác để ghé trạm.
Từ đó, nhu cầu của người dân cũng sẽ tăng cao hơn trong việc chọn xe buýt.
Trước ý kiến trên, một số chuyên gia khác trao đổi lại là giải pháp này cũng từng nêu ra trước đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu kỹ để đánh giá phù hợp với từng tuyến đường.
Cụ thể là trên nhiều tuyến đường, mặt tiền chủ yếu là nhà dân, cửa hàng, trung tâm thương mại… dẫn đến xe cá nhân liên tục ra vào nên rất khó dành làn đường ưu tiên cho xe buýt.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hằng, một giải pháp khác là TP nên phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT), sau này có kết nối với các tuyến metro khi đưa vào hoạt động.
Song song đó là phải tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, phương tiện của hệ thống xe buýt hiện hữu; có các dự án truyền thông, tuyên truyền cho người dân sử dụng phương tiện này.
Theo ông Bùi Xuân Cường, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đều được Sở GTVT tiếp thu và sẽ có nghiên cứu cụ thể dựa vào tình hình thực tế.
Trước mắt, ông Cường cho biết sở sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp có tác động lớn đến việc thu hút người dân đi lại bằng xe buýt như việc phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.
Cụ thể là rà soát lại các quy định về quản lý vỉa hè, tích cực xử lý hành vi lấn chiếm cũng như đánh giá tình hình thực tế để nghiên cứu hướng sử dụng tại những đoạn vỉa hè rộng làm chỗ đậu xe có thu phí.
Song song đó, sở cũng nghiên cứu việc sửa chữa, nâng cấp vỉa hè và tính toán việc sử dụng vỉa hè nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Cường cũng cho rằng Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng phải định hướng rõ hiện trạng xe buýt, hệ thống bến bãi nhằm có quy hoạch và phát triển phù hợp.
Cuối buổi “cà phê sáng”, ông Cường thông tin sắp tới, Sở GTVT sẽ tổ chức hội thảo bàn về thực trạng, giải pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP và mong nhận được thêm các ý kiến, quan điểm của các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành.