Chiều 29-10, liên quan đến thông tin dự kiến các mức thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết các thông tin đang được lan truyền là không chính xác.
Theo ông Viện, hiện Sở GTVT chưa có ý kiến gì về vấn đề này.
Tắc đường trên đường Trường Chinh (Hà Nội) giờ cao điểm - Ảnh: Ngô Nhung
Trước đó, báo chí và mạng xã hội đăng tải thông tin đơn vị tư vấn về Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" cho biết kết quả khảo sát cho thấy mức phí sẵn sàng chi trả của lái xe và người dân đi lại bằng xe ôtô con là 22.500 đồng/lượt. Vì vậy, mức phí thu của ôtô đi vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc (phí ùn tắc giao thông) phải cao hơn mức này để người dân dần từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân.
Đơn vị tư vấn đề xuất có thể xem xét mức thu phí linh hoạt thay đổi theo các khung giờ, cao điểm và thấp điểm. Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho tất cả các phương tiện.
Dựa trên các nguyên tắc và căn cứ xác định mức thu nói trên, mức phí mà tư vấn đề xuất Sở GTVT Hà Nội như sau: Mức phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần) đối với các xe ôtô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) đề xuất từ 25.000 đồng-60.000 đồng/lượt. Đối với xe ôtô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại, mức thu đề xuất từ 15.000 đồng-40.000 đồng/lượt.
Vào các ngày cuối tuần và ngày lễ được tư vấn đề xuất không thu phí, vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc, tạo thêm sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai đề án.
Các phương tiện được giảm phí theo đề xuất là xe ôtô kinh doanh vận tải (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại; xe ôtô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực; xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực (sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường).
Đối tượng miễn phí gồm xe ưu tiên theo quy định hiện hành (xe cảnh sát, xe cứu thương, xe chữa cháy, xe quân đội...); xe công vụ; xe buýt công cộng.
Mặc dù được miễn phí nhưng các loại xe này vẫn phải đăng ký trong hệ thống, được lắp thiết bị trên xe và cài đặt chế độ miễn thu phí để đảm bảo phân biệt với các loại xe ôtô cùng chủng loại nhưng vẫn phải chịu phí.
Để tiến hành thu phí giảm ùn tắc giao thông, tư vấn đề xuất xây dựng các cổng thu phí dựa trên khảo sát suất đầu tư cổng thu phí trong Báo cáo đề xuất dự án "Thu phí xe ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông tại TP HCM" do Công ty CP công nghệ Tiên Phong (ITD) lập năm 2017, và được so sánh với suất đầu tư cổng thu phí không dừng của Công ty ELCOM.
Cụ thể, tổng mức dự kiến đầu tư cho 87 trạm thu phí đặt tại 68 vị trí khoảng 2.646 tỉ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu và chi phí thay thế các thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành khai thác.
Trong đó, giai đoạn đầu tư thí điểm 15 trạm tại 9 vị trí vào khoảng 456,276 tỉ đồng; giai đoạn 2, đầu tư xây dựng 59 trạm tại 46 vị trí vào khoảng 1.794 tỉ đồng và giai đoạn 3, hoàn chỉnh đầu tư xây dựng 13 trạm tại 13 vị trí kinh phí khoảng 395,439 tỉ đồng.
Đề án tạm thời xác định tổng tiền phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc thu hàng năm trên cơ sở mức phí dự kiến là 50.000 đồng/lượt đối với xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ và 30.000 đồng/lượt đổi với xe ôtô khách từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại. Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 thu được khoảng 769 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2 đạt khoảng 1.175 tỉ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.326 tỉ đồng/năm.
Khi chính thức áp dụng thu phí phương tiện giảm ùn tắc thì theo tính toán, lưu lượng giao thông trên các trục chính giảm từ 8%-30%, trung bình khoảng 12-18%.
Ngoài ra, thu phí xe ôtô vào nội đô sẽ thay đổi hành vi sử dụng phương tiện giao thông và văn hóa giao thông của người dân đô thị theo hướng chuyển đổi từ xe ôtô sang các phương tiện thân thiện hơn như vận tải hành khách công cộng, xe đạp; giảm được các chuyến đi không cần thiết bằng xe ôtô con vào khu vực trung tâm thành phố.
Đề án tính toán việc thu phí dự kiến sẽ giảm được khoảng 356.600 tấn CO2/năm trên địa bàn TP Hà Nội. Hơn nữa, thu phí góp phần tiết kiệm chi phí xã hội do ùn tắc giao thông, giảm thời gian đi lại của người dân và tăng hiệu quả khai thác các phương thức vận tải khách công cộng.
Việc thay đổi hành vi tham gia giao thông theo hướng tích cực, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển đô thị bền vững.