Giám đốc Điều hành ban Thư kí APEC Alan Bollard nêu những vấn đề cần quyết định trong hội nghị APEC tại Việt Nam

Tất Đạt |

Theo ông Alan Bollard, APEC đã đem lại sự hợp tác, thống nhất và nguồn lợi khổng lồ cho 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực.

Trong buổi phỏng vấn gần đây với Tân Hoa Xã, Giám đốc Điều hành ban Thư kí APEC, Tiến sĩ Alan Bollard nhận định rằng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang đóng vai trò rất quan trọng trong môi trường thương mại phức tạp hiện nay.

Các nền kinh tế thuộc APEC tuy chiếm chưa tới nửa dân số thế giới, nhưng đã đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu. Tới đây, Tuần lễ Cấp cao APEC sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam trong thời gian 6-11/11.

Qua việc kết nối 21 nền kinh tế khác nhau khắp khu vực vành đai Thái Bình Dương, APEC có nhiều lợi thế hơn trong việc xử lí các thỏa thuận pháp lí.

Theo ông Bollalrd, nếu các nền kinh tế bất đồng quan điểm về một điều luật nào đó, một nhóm hội đồng sẽ được lập ra để tìm đường giải quyết theo hướng thỏa đáng nhất.

Đà Nẵng đẹp rạng ngời chào đón APEC 2017

Khi đem các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, xích lại gần nhau hơn, APEC giúp các nền kinh tế khai thác triệt để thế mạnh của từng quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân trong khu vực.

Các ưu tiên của APEC

Theo ông Bollard, mỗi quốc gia thành viên đều đã thể hiện vai trò dẫn dắt, điều hành APEC rất thành công theo cách của riêng mình. Hiện tại, APEC đang chú trọng giúp các nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tạo điều kiện cho chuỗi cung ứng các loại mặt hàng được thuận lợi trong khối, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Liên kết kinh tế khu vực là 1 trong 4 tiêu chí được Việt Nam ưu tiên trong cuộc họp thượng đỉnh APEC sắp tới về an ninh lương thực và thay đổi khí hậu.

Ông Bollard nói: "Chúng ta cần rất thận trọng trong vấn đề môi trường, nhất là khi đa số dân cư của các nước thành viên APEC sống gần các bờ biển và vùng châu thổ, rất dễ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu."

Thêm vào đó, rất nhiều thực phẩm đã bị bỏ phí vì hệ thống giao thông vận tải, nhà chứa còn yếu kém, thiếu tính liên kết.

Các chủ đề ưu tiên cũng đề cập tới việc hiện đại hóa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại công nghệ số, có thể kể đến mô hình đi đầu của Trung Quốc (thương mại điện tử trên điện thoại) và Mỹ (thương mại điện tử trên máy tính).

Theo Giám đốc Điều hành Bollard, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chưa thể hòa nhịp nhanh chóng với nền kinh tế khu vực và trên thế giới, nhưng nhờ thương mại điện tử, các doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm nguồn lực để "tạo ra cuộc cách mạng trong APEC".

Giám đốc Điều hành ban Thư kí APEC Alan Bollard nêu những vấn đề cần quyết định trong hội nghị APEC tại Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Chương trình Tổng duyệt các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ngày 29/10. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Thêm vào đó, nhiều chuỗi cung ứng cũng đã tạo điều kiện để đảm bảo chất lượng, tài chính, chi trả và tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Bollard cũng thừa nhận APEC đang theo đuổi quá nhiều mục tiêu cùng một lúc, và ông cũng hi vọng cuộc họp sắp tới sẽ giúp giải quyết những tồn đọng lớn nhất để giải phóng tiềm năng cho Khu vực Tự do Thương mại ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Đề cập Các mục tiêu Bogor được kí kết tại Indonesia năm 1994 về giao dịch thương mại mở và tự do giữa các nền kinh tế cho tới năm 2010 và phát triển thương mại tới năm 2020, ông Bollard cho rằng tuy chương trình này được thực hiện khá tốt ở vài quốc gia, nhưng nhiều nơi vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Do đó, ông Bollard cho biết kì APEC năm nay sẽ quyết định liệu có nên tiếp tục mục tiêu Bogor sau năm 2020 hay không hay sẽ đề ra một hướng đi mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại