Giám đốc bỏ việc công ty vận tải, ngày ngày mò mẫm khắp các con sông tìm người tử nạn

Chi Chi |

Từ một giám đốc công ty vận tải, thu nhập vài chục triệu/tháng, anh Nhâm Quang Văn trở thành trưởng nhóm cứu hộ cứu nạn khắp các con sông từ Thái Bình đến Nam Định.

Hiện anh là chủ tịch Hiệp hội Cứu hộ giao thông Việt Nam. Ảnh: FBNV

Hiện anh là chủ tịch Hiệp hội Cứu hộ giao thông Việt Nam. Ảnh: FBNV

Cơ duyên

Anh Nhâm Quang Văn (38 tuổi, quê Thái Bình) vốn là Giám đốc một công ty vận tải chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa và lắp dựng các nhà máy với thu nhập vài chục triệu đồng/tháng.

Cách đây hơn 10 năm, anh Văn cùng người đồng hương tổ chức một chuyến đi thiện nguyện. Qua chuyến đi đó, được tận mắt thấy các mảnh đời bất hạnh, khó khăn, anh Văn cứ mãi băn khoăn, trăn trở làm sao để giúp đỡ họ. 

Hình ảnh về những người khốn khổ ấy cứ hiện lên trong tâm trí nên sau này, năm nào anh Văn cũng dành thời gian, tiền bạc, công sức cho những việc làm ý nghĩa để giúp đỡ người nghèo ở vùng núi, từ việc tặng họ quần áo đến việc giúp họ xây nhà.

Việc làm thiện nguyện đều đặn của anh Văn cứ âm thầm diễn ra như thế. Năm 2015, anh có chuyến công tác ra biển lắp đặt đường ống dẫn khí cho nhà máy nhiệt điện khu vực Cồn Vành huyện Tiền Hải (Thái Bình). Không may xà lan bị đắm, toàn bộ xe cẩu, máy xúc cùng trang thiết bị và 7 người kĩ sư bị chìm cách bờ biển 5 km.

Trong cái rủi có cái may, anh và mọi người bị chìm đúng chỗ cát bồi nên nóc cần cẩu nhô lên được mặt nước chừng 20 cm đủ để anh em trong đội của anh bám vào và chờ người đến cứu. 

Thế nhưng ngày hôm ấy sóng to gió lớn, đội cứu hộ của Bộ đội Biên phòng gần đó không tiếp cận được. Chờ đợi cứ tưởng vô vọng, đội anh Văn may mắn được một tàu cá của ngư dân cứu nạn kịp thời, nên tất cả mọi người đã thoát nạn.

Bẵng đi một thời gian, đến năm 2020, anh Văn xung phong vào miền Trung 26 ngày giúp đỡ bà con vùng lũ tìm kiếm người mất tích. Bên cạnh đó, anh còn cho 60 chuyến xe miễn phí chở 100 chiếc xuồng, gạo, thức ăn... của các mạnh thường quân ủng hộ tới miền Trung hỗ trợ bà con.

Kết thúc 26 ngày "thâu đêm suốt sáng" ở vùng lũ, nhận hàng nghìn cuộc gọi cầu cứu từ gia đình người mất tích, anh bỗng cảm thấy sứ mệnh cứu người ngày càng thôi thúc.

"Từ miền Trung về, tôi tự bỏ tiền mua thêm một chiếc ca-nô và 2 chiếc xuồng đã có trước đó để làm công tác tìm kiếm cứu nạn đường thuỷ. Số tiền này vốn định dùng để xây thêm tầng nhà nữa nên đến giờ nhà vẫn chưa xây được", anh Văn bộc bạch với VnExpress.

Anh Văn nghỉ hẳn việc công ty, thành lập đội cứu hộ cứu nạn hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình là chính, phấn đấu mở rộng dần ra khắp các con sông miền Bắc.

Đội anh Văn trong các chuyến cứu hộ cứu nạn. Ảnh: FBNV

Cố gắng làm để "tích đức, tạo phúc"

Không chỉ hy sinh công việc chính khi điều hành đội cứu hộ cứu nạn, anh Văn còn phải từ bỏ các thói quen, sở thích cá nhân, không có thời gian chăm sóc gia đình, anh dành toàn bộ thời gian cho đội tìm kiếm. 

Đặc biệt, anh cũng tự trích tiền túi để duy trì hoạt động cứu trợ. "Một số nhà hảo tâm cũng chuyển khoản cho tôi, hỗ trợ chút kinh phí sửa chữa máy móc, thiết bị, nhất là khi ca-nô bị hỏng. Tôi chưa từng kêu gọi, vì muốn tự làm bằng khả năng và sức lực của mình", anh chia sẻ với Dân Trí. 

Công việc đội trưởng đội cứu hộ cứu nạn là vô cùng khó khăn, đòi hỏi bản lĩnh, kinh nghiệm nên mỗi ngày anh Văn đều căng mình ra làm việc hết mình, cứu hộ cứu nạn không lương, lên đường bất kể ngày đêm.

Anh tâm sự với báo trên: "Ca-nô chưa có mái che nên trời mưa, ai nấy trong đội tìm kiếm đều ướt hết. Rồi khi đi đêm, sương gió ám vào người. Chưa kể địa hình mỗi nơi một khác, tôi không phải người bản địa nên khó nắm được thông tin. Còn ca-nô cũng gặp sự cố như đâm vào đá ngầm vì phải đi mon men sát bờ, tìm kiếm thi thể,... Mỗi lần va chạm như vậy đều gây thiệt hại cho phương tiện".

Không thể kể hết những hiểm nguy, gian khó mà đội anh Văn phải đối diện khi cố gắng đoạt người từ tay "Hà bá". Khu vực sông nước mênh mông, rộng lớn, khi gặp dòng nước chảy xiết, có thể cả người cả thuyền đều bị cuốn theo. 

Bên cạnh những khó khăn hiện hữu, sờ được, thấy được, còn có những khó khăn vô hình xuất phát từ suy nghĩ, tinh thần của bản thân anh cũng như anh em trong đội. 

Anh Văn chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị rằng anh và cả đội không bao giờ phân biệt sáng tối, cứ nhận được điện thoại nhờ trợ giúp là họ tức tốc lên đường. Công việc vất vả vậy nhưng anh tự hào khẳng định: "Kể từ ngày làm tôi chưa hề lấy tiền cứu hộ của ai đồng nào, kể cả tiền xăng dầu chúng tôi cũng tự bỏ ra. Toàn bộ anh em trong đội cùng chung sức, đồng lòng với tôi để giúp đỡ những người gia đình và nạn nhân xấu số".

Tính đến nay, anh Văn đã gắn bó với công tác cứu hộ cứu nạn trên sông được 2 năm, trục vớt, giải cứu rất nhiều người mà anh không nhớ nổi số lượng. Anh cùng đội đã có cả trăm lần chèo xuồng, đi ca-nô mò mẫm ven các con sông từ Thái Bình đến Nam Định, Thanh Hóa,... để tìm người gặp nạn, để giúp các gia đình đang khổ sở tìm kiếm. 

Nhiều người hay nói các anh bị điên, thích làm màu, thích thể hiện, cẩn thận có ngày đền mạng cho "Hà bá". Mỗi khi nghe những lời nhận xét như vậy, anh chỉ trầm lặng một chút rồi lại đứng lên tự hào mà nói rằng: "Ai nói sao thì nói, việc tôi làm, tôi thấy vui là được".

Chia sẻ với nguồn trên về phương hướng của đội trong thời gian tới, anh Văn cho hay đội mong muốn có thể đầu tư thêm ca-nô và xuồng mới để phục vụ cho việc tìm kiếm được nhiều người hơn nữa, giúp các gia đình vơi bớt nỗi đau chia ly và cũng là để "tích đức, tạo phúc cho đời".

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại