Giảm đến 90% giá hàng hóa, các ứng dụng mua sắm Trung Quốc thách thức Amazon ngay ở sân nhà

Minh Khôi |

Các ứng dụng mua sắm của Trung Quốc đang chạy đua để hướng tới mục tiêu chung: thu hút nhiều người tiêu dùng Mỹ hơn.

Thu hút bằng "deal" hời

Người tiêu dùng Mỹ đang "bơi" trong hàng ngàn khuyến mại hấp dẫn trong mùa mua sắm năm nay, được cho là kết quả từ sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các công ty công nghệ Trung Quốc như ByteDance, Pinduoduo và Shein nhằm giành thị phần tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Pinduoduo có trụ sở tại Thượng Hải, được biết đến ở Trung Quốc thông qua các sự kiện khuyến mại kịch trần, đã ra mắt nền tảng mua sắm toàn cầu với chi phí thấp mang tên Temu vào tháng 9.

Trước sự phổ biến rộng rãi của Shein ở Mỹ, Temu đã cảm nhận được một phần sức hút ở thời điểm đầu tháng 11 khi nó nhanh chóng trở thành ứng dụng mua sắm có lượng tải xuống nhiều nhất.

Trong khi đó, gã khổng lồ mạng xã hội Trung Quốc ByteDance đang tiếp tục tận dụng tầm ảnh hưởng của nền tảng TikTok và thêm vào chức năng mua sắm từ tháng 11, cho phép người dùng có thể tuỳ biến tạo thành các kệ ảo bán hàng hóa.

Sự ra mắt của Temu và cùng với sức ảnh hưởng gia tăng tại Mỹ diễn ra đúng thời điểm mùa mua sắm nghỉ lễ, có xu hướng diễn ra ngay sau kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn vào Black Friday và Cyber Monday (các ngày lễ mua sắm lớn tại Mỹ), vào ngày 25 và 28 tháng 11 năm nay.

Temu và Shein đã giảm giá tới 90% cho một số mặt hàng được khuyến mại, bao gồm các phụ kiện như hoa tai có giá dưới 1 đô la Mỹ và tai nghe có giá chỉ vài đô la.

Các giao dịch được kết hợp với các đặc quyền như giao hàng miễn phí và giảm giá bổ sung cho các danh mục hoặc đơn đặt hàng cụ thể vượt quá số tiền nhất định. Shein giảm giá 10% cho các đơn hàng từ 39 đô la trở lên.

Theo DataReportal, TikTok đã có hơn 136 triệu người dùng ở Mỹ tính đến tháng 4. Lạm phát cũng buộc người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao và tìm kiếm những khuyến mại lớn hơn, và điều này lại là lợi thế của Pinduoduo.

Thắng Amazone ngay trên "sân nhà"

Mỹ, vốn đã là một môi trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, hiện là chiến trường chính của các công ty công nghệ Trung Quốc, những công ty này coi mối liên hệ với các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sẽ mang lại cho họ lợi thế trong cuộc chiến giành lấy ví tiền của người Mỹ.

Mark Tanner, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường China Skinny có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Như Shein đã chứng minh, các công ty Trung Quốc đang làm rung chuyển thói quen mua sắm của người Mỹ và thách thức Amazon ngay trên sân nhà của họ. Lợi thế chính của các công ty này là cấu trúc chi phí thấp hơn.

Amazon, công ty cho biết họ có đợt mua sắm cuối tuần “lớn nhất từ trước đến nay” trong năm nay, đang chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ của cơ quan quản lý ở Mỹ và đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tiềm ẩn, với kế hoạch sa thải hàng nghìn công nhân. Nhưng chưa dừng lại ở đó, Amazon có thể sẽ phải tính tới sự cạnh tranh mới từ các ứng dụng Trung Quốc vào những thách thức phải đối mặt.

Trong khi đó, thị trường nội địa bão hòa đang thúc đẩy các công ty thương mại điện tử Trung Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển bên ngoài thị trường nội địa. Theo Bộ Thương mại, giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 39,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (5,5 nghìn tỷ USD) vào năm 2021.

Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới chỉ chiếm 3,1% kim ngạch nhập khẩu và 6,6% xuất khẩu, cho thấy cơ hội lớn hơn cho các công ty Trung Quốc để phát triển trong lĩnh vực này.

Theo các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc EqualOcean, tại các thị trường kém phát triển thiếu nền tảng thương mại điện tử thống trị, Pinduoduo có thể tìm thấy những cơ hội lớn hơn chưa được khai thác cho Temu.

Theo báo chí Trung Quốc, Temu được cho là đang thu hút các tài năng và nhà cung cấp từ Shein. Để giúp nhân viên của Shein chuyển việc dễ dàng hơn, Pinduoduo đã thành lập văn phòng của Temu tại Quảng Châu, chỉ cách trụ sở của Shein hai ga tàu điện ngầm.

Một nhân viên của Shein nói với Southern Weekly rằng Pinduoduo đang đưa ra mức lương cao gấp đôi so với đối thủ của mình. Đáp lại, Shein đã che giấu cấu trúc công ty của mình trên các nền tảng nhắn tin nội bộ và thay thế tất cả các tên tiếng Trung bằng tên tiếng Anh, khiến việc giao tiếp tại công ty trở nên kém thuận tiện hơn, nhân viên này nói với Southern Weekly.

Đối với các nhà cung cấp, Temu đã hứa hẹn sẽ cung cấp danh sách miễn phí và không tính phí hoa hồng để lôi kéo họ tham gia nền tảng của mình.

Chinh phục thị trường Mỹ không hề đơn giản

Nhưng con đường hướng tới mục tiêu giành thị phần tại trường Mỹ sẽ là một cuộc chiến khó khăn, theo các nhà phân tích và những người trong ngành cho biết.

Tanner từ China Skinny cho biết những nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc sẽ bị thách thức bởi "sự khác biệt giữa hai thị trường Trung Quốc và Mỹ - trong đó bao gồm sự quen thuộc và thói quen của người tiêu dùng, vấn đề hậu cần và cơ sở hạ tầng, hay các mối lo ngại về an toàn dữ liệu cá nhân đối với các công ty Trung Quốc”.

George Gu, người sáng lập công ty thương mại điện tử xuyên biên giới Newme, nói rằng chi phí hậu cần đe dọa khả năng sinh lời của các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, bởi rất tốn kém khi “vận chuyển các đơn hàng nhỏ bằng đường hàng không”.

Ông cảnh báo rằng Temu đang “làm điều này với chi phí hậu cần và đầu tư quảng cáo rất cao… [Những chi phí hậu cần này] sẽ không thay đổi nhiều cho dù doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ”.

“Hiện tại, chúng tôi sẽ gắn bó với TikTok,” Gu, người đã thành lập công ty của mình vào tháng 11 năm 2020 để đón đầu làn sóng thương mại điện tử mới trên nền tảng này, cho biết. “Nhưng thời gian trôi qua, chúng tôi sẽ đưa các sản phẩm thương hiệu của mình lên tất cả các kênh”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại