Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành về dự án Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo dự án, Nghị định được thực hiện theo quy trình rút gọn nên sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến hết ngày 31/12/2020.
Những đối tượng được đề xuất giảm là ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước mới đăng ký lần đầu (nộp lệ phí trước bạ lần đầu) được quy định tại Nghị định số 20 ngày 21/2/2019 và các Quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.
Cơ quan soạn thảo cho biết, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là giải pháp góp phần trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, tăng khả năng tiếp cận sản phẩm ô tô của người tiêu dùng, từ đó góp phần tác động đến tâm lý khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau dịch.
Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân. Khoản tiết kiệm này không chỉ góp phần kích thích tiêu dùng sản phẩm ô tô mà còn khuyến khích tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ khác hoặc các nhu cầu đầu tư của người dân.
Nếu người mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dưới 9 chỗ ngồi có trị giá 400 triệu đồng và đăng ký tại Hà Nội (mức thu lệ phí trước bạ - LPTB - hiện hành là 12%) thì chỉ phải nộp LPTB là 24 triệu đồng, so với mức quy định hiện hành là 48 triệu đồng.
Với những trường hợp mua xe có giá trị cao hơn thì mức tiết kiệm sẽ cao hơn, tương ứng với giá trị xe. Theo tính toán sơ bộ, việc giảm 50% LPTB đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước giúp người tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiết kiệm khoảng 15 – 300 triệu đồng (tùy mẫu xe) so với trước đây.
Đối với nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% LPTB đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, phấn đấu đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN.
Đối với kinh tế - xã hội, đây là một trong những giải pháp giúp cho kinh tế tăng trưởng bởi ngành ô tô được đánh giá là ngành mũi nhọn, hiện đang đóng góp khoảng 3%GDP của cả nước.
Theo đánh giá của Bộ Công thương thì xu thế ô tô hóa tại Việt Nam dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân.
Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm, mức tiêu thụ xe tại thị trường Việt Nam 5 năm tới dự kiến 10,5%/năm.
Để phục hồi tốc độ tăng trưởng ngành ô tô, bên cạnh các nỗ lực từ phía các nhà sản xuất, phân phối ô tô trong nước, việc dự kiến giảm LPTB là giải pháp hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm tăng sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, mức giảm này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh giảm 50% LPTB đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.