Xem "Hậu duệ Mặt trời" và "yêu nước": Không hề liên quan

Pa Dun |

Bộ phim Hàn kia vốn dĩ là một tác phẩm giải trí thì xin hãy để nó ở đúng vị trí mà nó vốn có.

Nếu được hỏi bộ phim Hàn Quốc nào đang gây bão Châu Á thì chắc chắn vị trí top đầu sẽ dành cho Hậu duệ mặt trời.

Thành công của bộ phim này chắc hẳn chẳng cần phải nói nhiều khi nó trở thành bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tỉ lệ xem cao nhất trong lịch sử 4 năm qua. Tại Trung Quốc số lượt xem phim đã đạt con số 1,1 tỉ.

Đài KBS cho hay đã có 27 quốc gia mua bản quyền phát sóng chính thức bộ phim của bộ đôi Song Joong Ki, Song Hye Kyo trên truyền hình, trong đó có Việt Nam.

Khi Hậu duệ mặt trời tạo thành một cơn sốt, rất nhiều xu hướng ăn theo đã ra đời. Từ thời trang, cách trang điểm, những câu nói... trong "Hậu duệ mặt trời" đều được ăn theo một cách nhanh chóng.

Và giữa cơn sốt như vậy, người ta bắt đầu nặng lời với nhau.

Lịch sử vẫn luôn cần được tôn trọng

Sáng hôm qua (28/3), trên mạng lan truyền chia sẻ của một cư dân mạng từng có thời gian sinh sống tại Hàn Quốc. Trong bài viết này, người viết có để cập tới một câu chuyện mà người ta đã nhắc đến và nói đi nói lại nhiều năm: chứng "cuồng" văn hóa Hàn mà quên đi lịch sử dân tộc.

Trong bài viết của mình, người viết cũng nhắc rõ hơn về những câu chuyện trong quá khứ của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.

Phải thừa nhận một điều rằng lịch sử phải luôn được tôn trọng và không ai có quyền được thay đổi, hoặc xuyên tạc lịch sử, nhất là khi mảng lịch sử ấy liên quan đến vận mệnh của một dân tộc, đến những cuộc chiến tranh đẫm máu bảo vệ tổ quốc.

Nhưng có một điều, nói đi cũng phải nói lại. Bởi ta không thể thay đổi được lịch sử, nên không thể cứ ngày ngày ngồi hoài niệm những đau thương, những mất mát đã chịu đựng. Cái ta cần là nhìn vào đó để bước tiếp, để đi lên.

Nhưng tôi xem một bộ phim hiện đại hư cấu có gì sai?

Không phải ngẫu nhiên mà nền văn hoá Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của các nước châu Á như Việt Nam, nhất là ở giới trẻ.

Có lẽ vì văn hóa Hàn Quốc là một trong những mô hình văn hóa thành công và hiện đại, một sự kết hợp thông minh giữa văn hóa Á Đông và phương Tây.

Nhìn vào nền văn hóa đó người ta có thể thấy những con người trẻ trung, xinh đẹp, tài năng, thời trang nhưng lại cực kỳ lễ nghi, phép tắc.


Tôi là quân nhân, quân nhân thì phải hành động theo mệnh lệnh. Cuộc đấu tranh của tôi chính là dùng cái chết để bảo vệ mạng sống. Tôi tin đây là để bảo vệ sự tự do và hòa bình trên mảnh đất này.

"Tôi là quân nhân, quân nhân thì phải hành động theo mệnh lệnh. Cuộc đấu tranh của tôi chính là dùng cái chết để bảo vệ mạng sống. Tôi tin đây là để bảo vệ sự tự do và hòa bình trên mảnh đất này".

Chẳng nói xa xôi, thử đặt một phép so sánh đơn giản trong ngành giải trí. Ở Hàn Quốc, nếu bạn vướng scandal, đặc biệt khi nó liên quan tới lễ nghĩa, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn không còn "cửa" trong làng giải trí xứ củ sâm.

Còn ở một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, cũng không ngoa khi nói cứ càng có scandal, bạn càng nổi tiếng.

Và trong cái nền văn hóa ấy thì phim truyền hình là một trong những đặc sản. Dù bạn là fan hoặc anti-fan của phim Hàn thì một sự thật vẫn không thể phủ nhận là phim truyền hình nước này sở hữu lượng fan trung thành đông nhất nhì châu Á.

Lý do khiến cho thiên hạ đã, đang và vẫn sẽ đổ xô đi xem phim Hàn thì có vô vàn, chẳng hạn như chất lượng tuyệt vời không thể cưỡng nổi, hoặc muốn tìm hiểu thêm về văn hóa nước này hay đơn giản chỉ là để ủng hộ dàn trai xinh gái đẹp trong phim...

Tôi có một người bạn, cậu ấy có 3 năm học chuyên Sử ở trường Phổ thông và 4 năm ở Đại Học. Và tất nhiên, những tội ác của quân đội Hàn tại Việt Nam thời chiến cậu ấy thuộc nằm lòng.

Nhưng điều ấy không ngăn cậu ta học tiếng Hàn và tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc.

Điều này cũng đơn giản như chuyện bạn xem Hậu duệ mặt trời vậy.

Không hiểu những người lên tiếng chỉ trích bộ phim kia có bao giờ chịu tìm hiểu tại sao Hậu duệ mặt trời lại có sức hút?

Hình ảnh những quân nhân, bác sĩ trong Hậu duệ mặt trời được xây dựng khá chân thực, hợp lý, không bị "thần thánh hóa" đến ảo diệu. Bác sĩ cũng có nhiều lí do để trở thành bác sĩ, vì tiền, vì tâm, nhưng chung quy lại họ vẫn luôn sẵn sàng xả thân cứu người.

Quân nhân cũng là những người công tư phân minh, yêu hết mình nhưng vẫn đầy trách nhiệm, kỉ luật. Ở Hậu duệ mặt trời, chúng ta còn thấy được tình đồng nghiệp, đồng đội đáng quý.

Đặc biệt, quay lại câu chuyện về lòng yêu nước của hình ảnh quân nhân trong phim khá rõ ràng: Yêu nước là bảo vệ người già, phụ nữ, trẻ em.

Nói một cách dễ hiểu, dù bạn mang quốc tịch nào đi chăng nữa, dù bạn ở quốc gia nào đi chăng nữa, chẳng ai thích chiến tranh, chẳng ai muốn cuộc sống của mình mất đi hai chữ bình yên.

Dù bạn là người Việt Nam, người Hàn, người Nhật hay người Mỹ thì ai cũng có quyền được sống một cuộc sống an toàn và tốt đẹp.

Vì thế, thật tiếc nếu như ai đó không xem mà vội vàng quy chụp đại loại như xem phim là chối bỏ lịch sử, xem phim là tàn nhẫn với quá khứ, xem phim là không yêu nước...

Nếu bạn chưa xem tức là bạn chưa hiểu.

Và đừng lôi những điều mà bạn chưa hiểu, không thật sự hiểu ra để lý luận.

Tôi vô cùng "dị ứng" với những phát ngôn kiểu: "Tôi không quan tâm tới điều này, tôi không xem phim này nhưng mà tôi phải nói".

Không quan tâm, không xem, không hiểu thì phải chăng tất cả những quan điểm, luận điểm ngay từ câu mở đầu của bạn đã hoàn toàn vô nghĩa đúng không?

Tôi yêu nước nhưng tôi xem một bộ phim hiện đại hư cấu có gì sai? Ai cũng biết chiến tranh là tội ác, là điều xấu xa, tồi tệ trong cuộc sống này. Nhưng chí ít, đừng lấy nó làm căn cứ soi xét, thẩm định và khắt khe với nhau về vấn đề thẩm mỹ và nghệ thuật.

Tôi tán đồng quan điểm sự thật lịch sử thì phải luôn được tôn trọng, dù là câu chuyện của Việt Nam và Hàn Quốc hay bất kỳ quốc gia nào. Và giới trẻ, học có quyền và cần phải biết về lịch sử.

Nhưng sự hiểu biết về sự thật trong lịch sử của Việt Nam và Hàn Quốc là để giúp họ trân trọng cuộc sống của hôm nay, trân trọng quá khứ chứ không phải nuôi dưỡng cho mình trái tim đầy oán giận.

Chúng ta thường nói với nhau "Người với người sống để yêu nhau" cớ sao phải để hận thù giữa người với người ngày càng chất đống.

Biết đâu ngày mai những người đã từng nặng lời với nhau vì bộ phim này lại bỏ tiền đến rạp chiếu phim để thi nhau bàn luận khen nức nở về những người hùng nước Mỹ bắn súng hai tay hay một mình "cân" nguyên 1 đội.

Thiết nghĩ, xem phim cũng như bạn ngồi vào bàn ăn vậy. Lựa chọn ăn món nào cũng như bạn tiếp thu cái hay của phim như thế nào là do chính bạn lựa chọn, là do chính nhận thức và sự hiểu biết của bạn.

Nếu cái sự tiếp thu ấy không quá lố, không tiêu cực, không ảnh hưởng tới chân thiện mỹ của xã hội thì sao phải khắt khe với nhau làm gì?

Bộ phim Hàn kia vốn dĩ là một tác phẩm giải trí thì xin hãy để nó ở đúng vị trí mà nó vốn có.

Sau khi chia sẻ nói trên được đăng tải trên Facebook, tính đến thời điểm của bài viết này đã có hơn 60.000 lượt share. Tôi vô cùng trân trọng sự thật lịch sử mà người viết mang đến cho mọi người nhưng tôi không tán đồng cách người ta sử dụng sự thật ấy để tẩy chay 1 bộ phim.

Thậm chí có người còn dùng nó để chỉ trích cả những người xem phim rằng họ không tôn trọng lịch sử, không yêu nước.

Tôi dám cá rằng phải quá nửa trong số những người share bài đấy chưa chắc đã hiểu gì về giai đoạn lịch sử đau thương của đồng bào ta bấy giờ.

Đấy, suy cho cùng, việc yêu nước là việc bạn cần phải hiểu lịch sử, quá khứ của chính dân tộc mình chứ không phải là lên án, chỉ trích một bộ phim. Vậy xin đừng đánh tráo hai khái niệm này để nặng lời với nhau.

Có lẽ, cái tư duy "thường xuyên" bỏ quên lịch sử dân tộc nhưng dễ dàng "sồn sồn" lên để đánh giá những thứ đến từ các quốc gia vốn có va chạm trong quá khứ là tư duy đã cũ kỹ.

Cuộc sống này vốn đã nhọc nhằn, sau không để cuộc đời mình nhẹ nhàng hơn bằng một bộ phim tình cảm lãng mạn.

Vậy nên, ai muốn thì cứ xem chẳng phải ngại ngùng đôi điều bàn tán. Chỉ cần đừng say mê đến cuồng dại, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình và người xung quanh mà thôi...

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại