Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"?

Từ khi làm giám khảo trở thành một nghề, dư luận đã có nhiều ý kiến khắc nghiệt với công việc này hơn.

Không phải ngồi "phán" là hưởng tiếng thơm

Chuyện giám khảo khó tính và phát biểu mạnh mồm là rất thường tình, nó dường như thành một thứ văn hoá gây nghiện đối với bản thân người phát ngôn và bắt buộc phải có. Vì sao lại vậy? Để khán giả có cái mà chê bai và "ném đá", để show truyền hình thu hút người xem, trên hết, giám khảo cũng muốn như vậy vì điều đó thể hiện cá tính của họ.

Nam Trung là một giám khảo rất biết gây sóng gió, anh nổi tiếng đanh đá và mạnh mồm. Câu nói phản cảm của anh trong Vietnam's Next Top Model 2013 bị cho là sỉ nhục một thí sinh, ngay lập tức khiến người ta thấy phản cảm. Bởi câu nói ấy phát ra từ một người bình thường đã rất khó nghe vậy mà lại từ miệng của người trong giới showbiz, lại là người ngồi ở ghế giám khảo càng khó chấp nhận. Thế nhưng đó lại là sự thực đáng buồn xảy ra trong một buổi casting của cuộc thi. Chủ nhân của câu nói ấy là người đã đi theo cuộc thi ngay từ mùa đầu đến nay.

 Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"?
 

Câu nói trên ngay lập tức gặp phải phản ứng dữ dội từ phía dư luận. Đa số đánh giá, vị giám khảo này đã miệt thị thí sinh, bôi nhọ danh dự của người khác, nhất là khi anh cũng làm nghề trang điểm. Thậm chí, có bạn đọc còn comment như vậy chẳng khác nào “giám khảo tự đưa tay vả vào mặt mình”. Ở góc độ hài hước, nhiều bạn trẻ còn chế những câu nói ám chỉ giám khảo này: “Làm make-up nhục lắm hay sao mà đi làm giám khảo”, “Làm đàn ông nhục lắm hay sao mà mặc váy”…

Phải chăng đó chỉ là câu nói đùa của Nam Trung? Phải chăng anh đang bênh vực cho nghề nghiệp của mình khi có quá nhiều người không đủ sự kiên trì để theo đuổi nó như anh? Phải chăng đây là “chiêu” khích thí sinh để họ vì “nóng mũi” mà mạnh dạn bộc lộ những cá tính tiềm ẩn trong mình? Thế nhưng, đùa cũng không thể khiếm nhã như thế. Bênh vực lại càng không thể chỉ bằng lời nói đầy vẻ gay gắt. “Khích” thí sinh cũng đâu cần một sự phán xét nào. Dẫu động cơ thực sự của lời nói này là gì đi chăng nữa thì chung quy vẫn nằm ở 2 chữ “vạ miệng”.

Đến tận mùa mới, khi Xuân Lan đã không còn ngồi "ghế nóng" của Vietnam’s Next Top Model 2013, câu nói “bất hủ” của cô vẫn chưa được xóa bỏ: “Tôi nói với em mà cái mặt em cứ trơ trơ ra thôi, em không để cho chúng tôi biết em có lắng nghe không nữa”.

Không chỉ riêng Nam Trung, Xuân Lan mà rất nhiều giám khảo của những chương trình khác cũng gặp lỗi “vạ miệng” tương tự như nhà thơ Đỗ Trung Quân (Sao Mai điểm hẹn 2004), Siu Black, Lê Minh Sơn, Lưu Thiên Hương (Cặp đôi hoàn hảo), Đàm Vĩnh Hưng, Trần Lập (The Voice)…

 Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"?
Trần Lập bị coi là giám khảo tệ chưa từng có trong các chương trình thực tế.

Trong khi Chí Anh đã biết rút lui đúng lúc vì sự quá nhẵn mặt, sự nhẵn mặt của Khánh Thi lại khiến người xem không còn hào hứng. Thứ khiến người xem chú trọng lại rơi vào phong cách thời trang của "nữ hoàng dancesport" và những cuộc tranh luận chuyên môn không ngớt của người đẹp này với biên đạo múa Trần Ly Ly.

 Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"?
Siu Black cũng là trường hợp hết có duyên rồi thành vô duyên.

Không là chính mình cũng bị "ném đá"

Sự có mặt năm thứ hai của Lê Minh Sơn ở Cặp đôi hoàn hảo cũng giống như để mua vui và cân bằng những cuộc cãi cọ giữa các giám khảo. Khác với vẻ ngông nghênh, tính cách cũng như những phát ngôn phớt đời, anh đằm một cách dịu dàng và dễ dãi một cách bất ngờ khi nhận xét và cho điểm các thí sinh. Sự hiền dịu của anh cũng bị khán giả cho là phản cảm vì trông "chẳng giống ông Sơn ngoài đời tý nào".

Quốc Trung ngồi quá lâu ở vị trí "ghế nóng" Vietnam Idol cũng nhận thấy sự nhạt màu. Vì thế, lột bỏ chiếc áo vị giám khảo khó tính với những nhận xét hoàn toàn chuyên môn ở Vietnam Idol, người đắt show giám khảo như anh đã quyết định khoác chiếc áo mới ngồi "ghế nóng" The Voice với tất cả sự phóng khoáng và hoạt ngôn hóm hỉnh. Nhưng ngồi "ghế nóng" mới, anh trở nên như "lột xác", mạnh dạn giành giật thí sinh, phê bình, gây gốc, và thế là khán giả yêu mến anh cũng không vừa lòng.

 Vì sao "nghề" làm giám khảo ở Việt Nam luôn bị "ném đá"?
Quốc Trung đã chuyển từ "ghế nóng" Vietnam Idol sang The Voice.

Tham gia ngồi "ghế nóng" Bước nhảy hoàn vũ 2012, nhạc sĩ Quốc Bảo là một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất. Mặc dù luôn cẩn trọng trong từng lời nhận xét, nhưng anh lại không nhận được nhiều sự ủng hộ. Chính sự chậm rãi, điềm đạm đó khiến phần lớn dư luận nhắm vào anh, cho rằng anh "nhạt như nước ốc" và thiếu chính kiến riêng khi ngồi trên "ghế nóng". Trong khi trước đó, anh luôn được coi là cây bút sắc sảo và chua ngoa không thua gì ai.

Ngay từ những tập phát sóng đầu tiên của The Voice, thủ lĩnh nhóm Bức tường, Trần Lập nhanh chóng nhận được sự phàn nàn của khán giả về sự nhạt nhẽo. Những lời khen chê của anh cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung, chưa đi sâu vào những vấn đề chuyên môn, kỹ thuật cần thiết. Mặc dù nếu nói về cá tính riêng và những tuyên ngôn ở ngoài, anh không hề thua kém ai.

Giám khảo ở Việt Nam đang là một nghề đáng trân trọng nhưng lại chưa có một tiêu chuẩn chính thức. Người làm nghề này vẫn vừa phải làm, vừa mày mò, tìm cho họ một chỗ đứng, một hình ảnh phù hợp. Bản thân tài năng hay chuyên môn là chưa đủ, lập trường và bản lĩnh vượt qua định kiến, ồn ào mới là thứ sẽ giúp họ tồn tại và không bị làm xấu đi hình ảnh trước đó của chính họ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại