“Nơi thời gian ngừng lại” ở Đà Nẵng ngày 7.11 tới là một chặng mới trong sự nghiệp bầu sô của Tuấn Thăng. Điều đáng chú ý, đây cũng là chương trình khẳng định sự tái hợp nghệ thuật của anh và “người xưa”- ca sĩ Hiền Thục.
Dù gặp nhiều lao đao trong sự nghiệp bầu sô, nhưng vẫn không đánh mất một Tuấn Thăng máu lửa và chân thành của ngày xưa, khi bỏ toàn bộ tiền túi ra tổ chức chương trình lớn này.
Vẫn liều như hồi trẻ
- Anh mong đợi điều gì khi chấp nhận một sự đánh cược liều lĩnh đến như vậy?
Một chương trình hoàn hảo và không bị lệ thuộc bất cứ điều gì. Nơi thời gian ngừng lại sẽ quy tụ những bài hit, được đầu tư rất hoành tráng, dàn dựng công phu, đảm bảo thỏa mãn phần nghe và phần nhìn.
Và đó là tôi - máu lửa, đam mê kèm theo một chút liều lĩnh.
- Xem ra mọi việc cũng chẳng hề dễ dễ dàng khi giờ đây, các chương trình ca nhạc đã hoàn toàn bão hoà?
Đúng là hơi khó nhưng nếu không thử thì làm sao biết được (cười). May mắn hay không là điều không nói trước. Nhưng tôi chấp nhận cuộc chơi, nếu không đạt được thì hãy xem đó là một rủi ro trong kinh doanh. Tất nhiên, sẽ hạn chế đến mức tối thiểu nhất.
- Điều gì khiến anh quyết định liều một phen như thế?
Hơn 10 năm trước, tôi đã tự bỏ vốn làm những sô tương tự nhưng sau đó, tôi không dám làm nữa. Lần này ê-kíp trẻ “máu me” quá nên đề nghị hợp tác và tôi đồng ý. Tôi tin tưởng vào sức trẻ và sự sáng tạo của họ.
- Nhưng anh cũng đâu còn trẻ nữa để mà liều?
Thế nên bây giờ mới ngồi thấp thỏm, ngày đêm ăn ngủ không yên đây.
Ông bầu Tuấn Thăng (trái) và hai người bạn trong ê-kíp tổ chức "Nơi thời gian ngừng lại".
- Lý do nào khiến anh quyết định chọn Đà Nẵng?
Những chương trình âm nhạc tại Đà Nẵng thời gian qua đều được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Ở nhà hát Trưng Vương có những chương trình giá vé rất cao nhưng vẫn bán sạch.
Tuy nhiên, đợt này chúng tôi không làm ở nhà hát Trưng Vương được vì sức chứa quá ít. Dàn ca sĩ trong chương trình lại quá “nặng” nên ê-kíp chọn Cung Tiên Sơn, nơi có sức chứa khoảng 5000 khán giả. Nhờ vậy nên giá vé có thể giảm xuống, cao nhất 1 triệu đồng còn thấp nhất là 200.000 đồng.
- Tổ chức ở một không gian rộng như thế, âm thanh liệu có được đảm bảo?
Tất nhiên sẽ khó hơn so với nhà hát nhưng tôi đã quy tụ đội ngũ kỹ thuật giỏi ở thành phố Hồ Chí Minh để xử lý vấn đề này. Hệ thống dàn âm thanh RCF hiện đại bậc nhất hiện nay của Italy được một công ty tại Đà Nẵng đầu tư, đảm bảo 100% tốt.
Hơn nữa, tôi chọn nhà thi đấu để phục vụ tất cả các đối tượng, từ lớp trẻ đến người trung niên, khi mà các ca sĩ tôi mời cũng có đủ các thế hệ, với những ca khúc hit của họ
Mỗi ca sĩ sẽ hát khoảng ba bài hit, tôi chỉ làm vừa đủ, không dài cũng chẳng ngắn quá để khán giả thất vọng. Trong đó có màn song ca Lệ Quyên và Quang Lê, liên khúc của nhóm The Men và The Girl, ngoài ra là tôi còn đọc rap cho một ca khúc cho Hiền Thục.
Tôi và Thục giờ rất vui vẻ
- Việc kết hợp giữa anh và Hiền Thục có còn ăn ý như ngày xưa, khi mà hai người đã đi qua quá nhiều thứ?
Thục rất thoáng và vui vẻ nên làm việc cũng thoải mái. Nhưng nếu nghĩ rằng tôi lấy sự tái hợp này để gây chú ý thì không phải.
Các nghệ sĩ đều bình đẳng và mọi người đều có những giá trị riêng với công chúng của họ mà ở đó, các chuyện ngoài lề không có ý nghĩa gì.
- Hình như đây không phải là chương trình đầu tiên đánh dấu sự tái hợp của Tuấn Thăng với Hiền Thục?
Không phải đâu, từ xưa tới giờ có chương trình phù hợp , tôi vẫn mời Thục.
- Bao nhiêu lâu sau những câu chuyện ồn ào đó, cả hai mới có thể làm việc lại cùng nhau?
Bắt đầu từ năm ngoái.
- Ồ, một thời gian khá dài!
Thật ra là bởi trong thời gian ấy, tôi không có chương trình nào phù hợp để mời Thục chứ không hẳn là do chuyện cũ.
- Vậy khi mời lại người cũ, anh có thấy ngại không?
Không có gì, chỉ là công việc thôi mà.
- Có tin đồn mỗi lần anh mời, Hiền Thục đều hét cát-xê cho… hả giận?
Không có. Tôi nghĩ Thục nhận được những gì đúng với công sức của cô ấy.
- Nhìn lại mối quan hệ của anh và Hiền Thục bây giờ, anh nói gì?
Hiện tại cả hai có thể vui vẻ với nhau là điều tôi cảm thấy trân trọng.
- Có bao giờ, trong một khoảnh khắc nào đó, cả hai nhắc đến chuyện ngày xưa không?
Không.
Con gái chưa thể gọi “ba”
- Mối quan hệ giữa anh và con gái thì sao?
Thỉnh thoảng tôi có chở con bé đi ăn.
- Hình như… Gia Bảo đang gọi anh bằng chú?
Gia Bảo hả? (tần ngần) Chưa mở miệng ra gọi ba được, chưa có quen. Bé cũng ít nói lắm.
- Chắc anh cũng bất ngờ?
Hơi bất ngờ và hơi buồn. Thục có nói với tôi hãy từ từ để con bé quen dần, tôi cũng nghĩ vậy vì chúng tôi xa cách khá lâu.
- Nhưng Gia Bảo vẫn biết anh là ba đúng không?
Tôi nghĩ con bé biết nhưng chưa quen được thôi.
- Có bao giờ anh trách Hiền Thục vì một thời gian không cho anh tiếp xúc với con gái?
Không. Tôi hiểu thời điểm căng thẳng thì như vậy. Nhưng khoảng vài năm nay tôi đã có cơ hội đưa bé đi chơi.
- Vậy anh có trách mình vì không chăm sóc con gái thường xuyên?
Hoàn cảnh như vậy rồi, mình cũng không trách mình nữa. Thôi đừng nhắc đến chuyện đó nhiều nữa.
- Quay lại với công việc. Ngày xưa đam mê của anh là âm nhạc, thế bây giờ là gì?
Kinh doanh.
- Bỏ âm nhạc sau nhiều năm “mặn nồng” như vậy, anh có tiếc không?
Tôi nghĩ là… không. Bởi đã đến tuổi này rồi, tôi có tiếp tục thì cũng vậy thôi à. Già rồi tôi cũng đâu có sức, làm gì theo kịp các bạn trẻ. Đến 50 tuổi vẫn rục rịch lên sân khấu thì tủi thân lắm.
Đó là chưa kể sân chơi dành cho nhạc công càng ngày càng ít dần, nghề này cũng bạc bẽo nên rơi rụng là điều bình thường. Nhưng tôi làm kinh doanh cũng liên quan đến âm nhạc mà.
- Để nhớ lại, hình như anh đã có một thời hoàng kim?
Ngày xưa Sài Gòn Boy của tôi là ban nhạc đầu tiên được khán giả chú ý tới. Thời ấy, khán giả gửi thư và quà cho chúng tôi nhiều lắm, cũng chẳng thua gì một ca sĩ.
- Tôi đang tò mò quá trình để lại niềm vinh quang sau lưng ấy diễn ra như thế nào?
Năm 14 tuổi, tôi chơi cho ban nhạc của phường. 16 tuổi, tôi làm nhạc công cho một nhà hàng. Sau đó, tôi đi biểu diễn ở các vũ trường.
Thời điểm đó nhạc công sống được, không làm chỗ này làm chỗ khác, chỗ nào giá cao hơn thì làm. Các vũ trường ở Sài Gòn tôi đã đánh qua hết.
Đầu năm 1998, tôi thành lập Sài Gòn Boy. Đến năm 2002, trong ban nhạc có một vài thành viên đi nước ngoài nên chúng tôi tan rã. Lúc đó, tôi thành lập công ty rồi chuyển dần, giờ thành bỏ nghề luôn.
- Bây giờ bước lên sân khấu, anh còn đánh được không?
Đánh được nhưng không hay vì muốn hay, một người nhạc công phải tập luyện thường xuyên.
- Bước qua rất nhiều thăng trầm của cuộc sống, nếm trải đủ ngọt bùi cay đắng, ở tuổi 43, cuộc sống của Tuấn Thăng bây giờ như thế nào?
Tất cả đều ổn, tạm gọi là viên mãn.
- Cảm ơn anh vì những chia sẻ.