Chiếc thảm đỏ của cuộc đời đâu có chiều theo ý muốn của ai bao giờ. Cái ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa sự chênh vênh và an yên… mong manh lắm. Và khi cảm xúc rơi xuống số âm, cảm giác cô đơn dâng lên tột đỉnh thì chính là lúc con người cần lắm một miền an ủi, ru tình an nhiên. Biết tựa mình vào đâu bây giờ?
Có nhiều người cười khẩy khi tôi nói: tôi hòa vào Trịnh mỗi bận cô đơn, tôi hiểu… Chỉ có ba tôi mỉm cười với cô con gái, tôi hiểu… bởi tôi yêu Trịnh từ ba và như ba đã từng yêu Trịnh…
Ba tôi, không phải là một thầy giáo, một bác sĩ và càng không phải là một nhà thơ nhiều chữ nghĩa. Ba chỉ là một người nông dân chân chất, bình thường, học hết lớp năm cái thời ăn bobo mà tránh bom đạn qua ngày tháng. Nhưng ba hào hoa và lịch lãm, có biệt tài vừa chơi đàn ghita vừa hát nhạc Trịnh rất hay.
Mạ tôi, hoa khôi một vùng làm say biết bao người nhưng lại chỉ ngả gục bởi tiếng đàn, tiếng hát của ba. “Ba mi mà ngày xưa tán mạ không hát nhạc Trịnh hay như rứa thì mạ không ưa mô. Cái hôm nớ ba rủ mạ đi chơi, ngồi trên con đập của xóm, rứa là ba lôi đàn ra hát: Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh; rứa xong, tối về nằm nghĩ nghĩ lại mà thấy ưa ưa ba con tề”, mạ tôi kể lại mà trong mắt vẫn ánh lên màu hạnh phúc như ngày nào.
Ngày đó tôi vẫn còn nhỏ, hồi xóm vẫn chưa có điện, cứ ăn cơm xong là cả nhà tôi lại ra sân nghe ba tôi đàn hát. Ba tôi thích nhất là cái bài gì mà “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Dài tay em mấy thưở mắt xanh xao/ Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu”, sau này tôi mới biết bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn và thật có duyên, đó cũng chính là bài hát tôi thích nhất của Trịnh. Nghĩ lại, thời bé đó, tôi có biết nhạc Trịnh là gì đâu, chỉ cảm nhận được bài hát hay nhờ ba tôi đàn và hát hay mà thôi. Tôi vẫn nhớ ba có nói với tôi một câu rằng: “Con à, âm nhạc không phải chỉ là một thứ để giải trí, và nhạc Trịnh Công Sơn càng không phải. Ba ưa nhạc Trịnh, ba hay hát nhạc Trịnh vì ba thấy mình hạnh phúc, yêu đời hơn sau những dốc ngã của cuộc đời. Ba tìm thấy sự bình yên trong đó”, tôi gãi đầu gãi tai: Ôi chao ba nói chi mà khó hiểu rứa. Tôi cũng hát mấy bài của Trịnh như ba nhưng sao tôi không cảm nhận được gì. Tuy vậy, tôi vẫn có niềm mê say nghe và hát nhạc Trịnh. Mấy đứa bạn cùng lứa cứ nói tôi hoài: mi nghe nhạc chi mà già rứa, mới có mấy tuổi đầu, nhạc hot bữa ni tùm lum không nghe. Và tôi cũng chỉ biết cười… Những lúc đó, tôi thấy nhớ ba, nhớ những đêm trăng cả nhà “song kiếm hợp bích” bài Một cõi đi về:
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”
“Cuộc đời con người vốn hữu hạn, vì vậy bon chen, xô đẩy nhau làm gì giữa kiếp trần gian này. Hãy sống tịnh tâm, an nhiên, chọn cho mình một ngày một niềm vui nho nhỏ, thế là đủ”, ba nói như vậy khi hát ca khúc này.
Dần dần, tôi, một cô bé không phải mê nhạc Trịnh vì ba tôi hát hay nữa, mà tôi mê chất lắng đậm trong Trịnh. Tôi phải thú thật rằng, nghe Trịnh tôi mất hết mọi cảm giác, tôi phải thú thật như vậy. Điều đó không có nghĩa tôi trở thành người thực vật vô cảm, mà mọi sự buồn, vui của cuộc sống xô bồ chẳng còn nghĩa lý gì cả. Tôi nhớ có ai đó đã nói rằng, nếu bạn cân bằng được mọi cảm xúc trong con người bạn thì bạn là người tuyệt diệu. Thực sự, nghe Trịnh tôi không chỉ cân bằng được cảm xúc mà Trịnh hơn hết còn đưa tôi về cõi tĩnh tâm.
Có một người bạn thân của tôi đã chia sẻ rằng: mi còn trẻ mà nghe Trịnh làm gì, hệ lụy đấy. Tôi không hiểu cái từ hệ lụy mà bạn tôi nói. Trịnh Công Sơn hào hoa, lãng tử thế mà cuối cùng lại cô đơn. À, tôi hiểu ra ý của bạn tôi nhưng cũng không quan tâm mấy. Chả lẽ, những người trên khắp thế giới này yêu và mê Trịnh cũng cô đơn tất. Tôi chỉ biết rằng, Trịnh chạm đến được trái tim của tôi mà thôi!
Mối tình đầu của tôi cũng gắn với Trịnh. Người đó cũng mê nhạc Trịnh giống tôi. Hình như tôi có duyên với anh hay tôi có duyên với Trịnh? Tôi chẳng biết. Anh cũng đàn và hát Như cánh vạc bay cho tôi nghe như ba tôi đã hát cho mạ tôi nghe ngày nào. Nhưng “những hẹn hò từ nay khép lại…như một lời chia tay” (Như một lời chia tay), rồi tôi sẽ đợi một người nào đó hát cho tôi nghe rằng: “Ru em ngồi yên đấy…Tôi tìm cuộc tình cho” (Ru tình)...
Cuối cùng, tôi cũng ngẫm được rằng, đến với Trịnh không phải chỉ bằng một sự tình cờ nào đó, người đến được với Trịnh phải là người có "duyên" và "tâm".
Biết đâu đấy, những đứa con của tôi sau này sẽ mê nhạc Trịnh như ông ngoại và mẹ nó…
Cái Nết
Gác Trịnh - Huế 1.4.2014