“Chơi vơi" có nhiều cơ hội được lựa chọn cho Oscar 2011.
Lễ trao giải Oscar năm nay sẽ diễn ra vào ngày 27/2/2011 tại nhà hát Kodak (Los Angeles, Mỹ), sớm hơn một tuần so với năm 2010. Những đề cử Oscar 2011 sẽ được công bố vào ngày 25/1/2011. Việc bầu chọn cho những bộ phim chiến thắng của các thành viên Viện Hàn lâm sẽ kết thúc vào ngày 22/2.
Theo dự kiến thì trong tuần qua, Hội đồng tuyển chọn phim dự Oscar của Việt Nam đã phải đưa ra quyết định cuối cùng. Năm ngoái, phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh được chọn là đại diện của Việt Nam tranh cử Oscar nhưng ra về tay trắng.
Vẫn chuyện quy chế
Tại các liên hoan phim hay các giải thưởng nước ngoài, Việt Nam luôn gặp khó với vấn đề luật và quy chế. Theo yêu cầu từ phía Viện Hàn lâm Mỹ, đối với phim tranh cử ở hạng mục phim nước ngoài hay nhất, những phim đủ tiêu chuẩn gửi đi dự Oscar 2011 đều phải thỏa mãn tiêu chí được công chiếu tại nước sở tại ít nhất 7 ngày liên tiếp trong khoảng thời gian từ 1.10.2009-30.9.2010. Thêm nữa những bộ phim dù ra rạp trong khoảng thời gian này nhưng không đảm bảo yêu cầu chiếu thương mại trong 7 ngày liên tiếp thì cũng không được tham gia tranh cử.
Năm ngoái, cũng vì những điều luật này, nhiều đại diện nặng ký của VN đã không thể đến Oscar tranh cử. “Cú và chim se sẻ” sản xuất từ năm 2007 và chỉ được chiếu miễn phí trong khuôn khổ giải Cánh diều vàng 2009 (không đảm bảo thương mại). “Trăng nơi đáy giếng” - Cánh diều bạc 2009 đã chu du tại nhiều LHP quốc tế, giành giải Nữ diễn chính xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Dubai nhưng cũng chỉ được chiếu miễn phí tại tuần phim hưởng ứng giải Cánh diều vàng 2009. “Chơi vơi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vì ra mắt tại LHP danh giá Venice lần thứ 66 tại Ý nên không kịp trở về công chiếu tại Việt Nam. Vì thế, không đảm bảo yêu cầu chiếu tại nước sở tại.
Đến năm nay, cũng chính những quy định này sẽ cản trở cơ hội đến với Oscar của nhiều bộ phim có chất lượng.
Bộ phim “Vũ điệu đam mê” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt sẽ được công chiếu vào ngày 8.10. “Long thành cầm giả ca” – bộ phim được đánh giá là có chất lượng tốt và hình ảnh đẹp thì phải chờ đến 1/10 mới ra mắt công chúng. “Vượt qua bến Thượng Hải”, bộ phim kể về giai đoạn Bác Hồ rời Hồng Kông đến Thượng Hải của Hãng phim Hội Nhà văn VN mới đây cũng vừa có thông báo sẽ rời lại lịch chiếu vào cuối tháng 12/2010 hoặc đầu tháng 1/2011.
Ngoài ra, hai bộ phim nghệ thuật được chờ đợi nhất trong năm là “Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình và “Bi, Đừng sợ!” của Phan Đăng Di cũng không có cơ hội mơ tới Oscar 2011. Hai bộ phim này vì chưa được công chiếu tại Việt Nam nên đương nhiên bị loại. “Cánh đồng bất tận” sẽ ra mắt tại LHP Pusan, Hàn Quốc (từ 7-15/10) sau đó mới chính thức công chiếu vào cuối tháng 10. Còn “Bi, Đừng sợ!” đã giành tới 2 giải tại Tuần lễ của các nhà phê bình quốc tế ở LHP Cannes, được đánh giá có chuyên môn cao.
Cơ hội cho “ Chơi vơi” và “ Trăng nơi đáy giếng”
Hai bộ phim này năm ngoái không được gửi đi tranh cử vì vi phạm quy chế của Oscar như đã nói ở trên. Nhưng năm nay, cả đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và đạo diễn Vĩnh Sơn đều sẽ có cơ hội đưa hai tác phẩm của mình đến Oscar.
Kịch bản "Trăng nơi đáy giếng" (TNĐG) được nhà biên kịch Châu Thổ xây dựng dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thuỳ Mai, kể về một người phụ nữ hết lòng vì người chồng mà cuối cùng "lộng giả thành chân", mất chồng vào tay cô gái vốn chỉ được thuê để đẻ hộ một đứa con. Về cơ bản, cốt truyện của kịch bản gần như không khác gì nguyên tác, nhưng về chi tiết, đã được xây dựng dày dặn hơn rất nhiều, điều đó làm diễn biến tâm lý của nhân vật sống động và có lý hơn. Tuy chỉ dành giải Cánh diều bạc 2009 nhưng TNĐG đã để lại ấn tượng tốt cho nhiều người xem với nhiều cảnh quay đẹp và có tính biểu hiện cao, giàu ý nghĩa.
“Chơi vơi” (kịch bản Phan Đăng Di) không dành cho số đông nhưng đã tiếp cận khá thành công với dòng phim tác giả châu Âu. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà làm phim nước ngoài và đã giành giải FIPRESCI Prize danh giá LHP Venice 2009. Nói về đề tài đồng tính, có lẽ hai yếu tố mới và lạ đã làm nên thành công của bộ phim. Dấu ấn Bùi Thạc Chuyên cũng được khắc họa rõ nét trong bộ phim này. Ngoài ra, cũng còn khá nhiều lựa chọn cho Hội đồng duyệt phim như: Để Mai Tính, Bẫy rồng, Giao lộ định mệnh, Nhật ký Bạch Tuyết, Khi yêu đừng quay đầu lại, Những nụ hôn rực rỡ, Công Chúa Teen và Ngũ Hổ Tướng… Song các phim này hoặc chỉ dừng lại ở việc giải trí hoặc không có gì đặc biệt và khác lạ so với điện ảnh Hollywood.