Top những bộ phim dùng trailer "lừa đảo" khán giả

Ruby Nguyễn |

(Soha.vn): Transformers3, Tứ đại danh bộ 2, I, Frankenstein ,The Pompeii, Gác kiếm và Needs for Speed là những bộ phim lừa đảo khán giả trắng trợn từ bản trailer.

Trailer của mọi bộ phim thường tập trung những hình ảnh và chi tiết đắt giá nhất. Thật trớ trêu là ngoài những chi tiết đó, một số bộ phim không có gì đáng giá hơn hay thậm chí được xếp vào dòng phim thảm họa. Và khán giả trước khi xem phim thường đánh giá chất lượng thông qua những bản giới thiệu ngắn ngủi này nên vô tình lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi xem xong, vì không hiểu nội dung của nó là gì và muốn gửi gắm điều gì đến khán giả. 

1. Transformers 3 : Dark of the Moon

Sau 37 ngày công chiếu phần 3 của Transformers đã đạt mốc 1 tỉ USD và nằm trong top những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại. Với một bản trailer hoành tráng có một không hai, khán giả sẽ khó có thể cầm lòng trước những trận chiến kinh hoàng với những hiệu ứng kĩ xảo không thể đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Thế nhưng sau khi xem xong, Transformers 3 lại nhận được khá nhiều lời phê bình gay  gắt vì một cốt phim quá ư lỏng lẻo và trống rỗng.

Trong diễn biến của toàn bộ tập phim, phần kĩ xảo chỉn chu bị bóc mẽ khi xuất hiện những cảnh quay cẩu thả và không thể tệ hơn khi cắt cảnh vô tội vạ. Một số phân cảnh, hạn chế này thể hiện lộ liễu với những góc quay rung, cận cảnh thì lộn xộn khiến khán giả choáng ngợp không phân biệt được robot của cả hai phe.

Xem trailer Transformers 3.

Rất nhiều khán giả khi được hỏi đã cho biết Transformers khiến họ phát ngấy vì quá phô bày kĩ xảo mà không có nút thắt mở cũng không có ý nghĩa thông điệp nào.

Phần kịch bản tuy khai thác sâu hơn phần 2 song vẫn lủng củng và vụng về nên tâm lí của khán giả khi đến với Transformers 3 chính là tập trung vào phần hành động chứ nhất định không quan tâm đến kịch bản phim.

Tờ Hollywood Repoter còn nhấn mạnh Transformers 3 là một "sản phẩm điện ảnh trống rỗng và vô nghĩa".

2. The Four (Tứ đại danh bộ 2)

Bản trailer của Tứ đại danh bộ 2 đã phần nào hé mở những cách tân mới và khác xa nguyên tác theo mô- tip phần một sẽ tạo nên một món ngon mới lạ cho các fan của kiếm hiệp Trung Hoa.

Với sự pha trộn giữa võ thuật Trung Hoa với năng lực siêu nhiên của các anh hùng Hollywood, các cảnh quay đẹp, tình tiết phim có vẻ kịch tính và tạo được những nút trầm bổng sắc nét. Nhưng xem xong The Four 2 khán giả mới ngộ ra một điều rằng: món lạ không phải món nào cũng ngon.

Tứ đại danh bộ 2 nhìn sơ qua sẽ có nội dung phức tạp và đa chiều hơn phần một. Tuy nhiên, đó chỉ là một chiêu để "tỏ ra nguy hiểm" của các nhà làm phim bằng việc thêm thắt diễn viên vô tội vạ và chèn lấp nhiều tình tiết để kéo dài lượng phim, nên nội dung The Four 2 về cơ bản không có gì hấp dẫn.

Các diễn viên trong phim thì nhợt nhạt, ngay cả Lưu Diệc Phi, Đặng Siêu.. đẹp thì có đẹp nhưng không có cái chất đa mưu túc trí vốn là một thế mạnh của nhân vật Hoa Ngữ. Thêm nữa vì mải mê với cái mới chính là những nhân vật siêu nhiên của Hollywood mà phim mất đi cái bản sắc võ thuật Trung Hoa. Thành ra phim cứ lấp lửng nửa mùa, cổ trang thì không hẳn mà cái phần siêu phàm kia trở thành không tưởng với “phân thân, đóng băng, tàng hình, chưởng lửa, dịch chuyển tức thời,…”.

Xem trailer Tứ đại danh bộ.

3. I, Frankenstein

Thật khó để tìm được một điểm nào đó để chê bai đối với trailer của I, Frankenstein bởi vì mọi yếu tố đều mang lại cảm giác được chăm chút tỉ mỉ và hoàn hảo.

Từ phần hình ảnh sử dụng gam màu tối tăm kết hợp giọng nói trầm vang của các nhân vật khiến phim thêm phần rùng rợn và gay cấn. Phần tạo hình lũ quỷ dữ cũng toát lên được vẻ hung hãn và nguy hiểm.

Các phân cảnh đánh đấm được che hầu hết nhược điểm bởi vì đều thực hiện trong đêm tối. Cùng với đó 2 cái tên Aaron Eckhart và Bill Nighy xuất hiện chớp nhoáng cũng khiến người xem an tâm.

Và sự thật sẽ không quá tồi tệ nếu đánh giá I, Frankenstein ở góc độ giải trí. Song với một phiên bản giới thiệu cuốn hút thì cái mà người xem kì vọng không chỉ đơn giản như thế. Phần kịch bản của I, Frankenstein chính là đỉnh cao của tính dễ dãi và giản đơn.

 Mang tiếng là lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển Frankeistein, nhưng bộ phim chẳng mấy dính dáng đến tác phẩm kia ngoại trừ dùng nó như một cái cớ để tha hồ thêm thắt đủ chi tiết trên trời dưới đất. Tâm lí nhân vật thì khai thác qua loa, các chi tiết cũng vô lí đùng đùng, thiếu vắng các tình tiết hài hước, mạch phim nghiêm trọng hóa tạo cảm giác mệt mỏi.

Sẽ chẳng có gì sai nếu I, Frankenstein đầu tư nhiều vào phần hình ảnh mãn nhãn. Nhưng giá như phim đừng ôm đồm quá nhiều nội dung rồi bỏ lưng chừng thì người xem sẽ không có cảm giác mình bị đánh lừa và hụt hẫng.

Xem trailer I, Frankenstein

4. The Pompeii

Dành cho những fan của thể loại phim thảm họa, The Pompeii chính là một tượng đài về kĩ xảo điện ảnh thông qua những chi tiết đẹp tuyệt trong bản trailer giới thiệu phim. Cùng với đó bộ phim khắc họa thảm họa bi thương một nền văn minh hưng thịnh trước công nguyên cũng là một đề tài mới lạ hấp dẫn cho khán giả.

Sự thật là The Pompeii cố gắng gán ghép thật nhiều nội dung để cho đủ dung lượng bởi vì ngoài phần kĩ xảo với hiệu ứng 3D đẹp mắt thì bạn sẽ không thể hi vọng tìm được cái hay nào khác trong tác phẩm điện ảnh này.

Phân bổ nội dung chệch choạc, phần đầu buồn ngủ phần sau lại mệt mỏi và lê thê bởi các tai họa, đánh đấm cứ tràn lan không dứt. Tình yêu được khắc họa khá sến sẩm và thiếu màu sắc riêng. Các diễn viên hoàn toàn bị sự dữ dội của những tai họa nhấn chìm, trong đó có nam tài tử Kit Harington.

Xem trailer The Pompeii

5. Gác kiếm

So với những bộ phim trước thì mức độ "lừa đảo" của đạo diễn Tạ Huy Cường có phần nhẹ nhàng hơn bởi ngay từ bản trailer, phim đã bộc lộ những điểm yếu trông thấy.

Hành động manh mún, chậm chạp và lộn xộn, diễn xuất một màu, các trường đoạn gay cấn nhất cũng không tạo được kịch tính. Và để cứu vãn những khe hở của những phần này, một số cảnh uốn éo, nude, nóng của các mĩ nữ đã được huy động để câu kéo khán giả. Và sự thật là chiêu trò này cũng khiến giới truyền thông sốt nhẹ trong một thời gian.

Thật đáng tiếc là Gác kiếm phải dừng lại ở khâu kiểm duyệt trước khi đến được với khán giả. Thành ra phần nude nóng bỏng nhất của nữ diễn viên Huyền Trang lại bị cắt từ phần lưng trở xuống, khiến đạo diễn than ngắn thở dài và người xem cũng không còn nhiều cảm hứng.

Xem trailer Gác kiếm.

6. Need for Speed

Được đánh giá là một bộ phim bom tấn nhưng Need for Speed vô cùng yên ả với bản trailer phim cũng tầm tầm thậm chí kém hoành tráng so với 300: Đế chế trỗi dậy hay The Legend of Hercules. Thế nhưng Đam mê tốc độ lại khiến khán giả ngỡ ngàng bởi một kịch bản phim không mới nhưng cực kì thông minh và gọn gàng.

Cách kể chuyện xen lẫn những lời bình luận hóm hỉnh đúng bản chất Mỹ có thể dễ dàng kéo người xem dán mắt vào màn hình mà chưa cần đến những màn đua xe, đấu trí nghẹt thở. 

Cùng là bị lừa đảo nhưng cách lừa đảo như thế này lại đem đến cho người xem sự thỏa mãn tột độ. Không cần cân não để thấu hiểu nội dung. Không cần chờ đợi để được chứng kiến những giây phút kịch tính bởi Need for Speed nhanh ngay từ những phút đầu. Một trong những điểm ấn tượng nhất của Need For Speed và từ góc độ nào đó, là cả linh hồn của bộ phim, đó chính là tốc độ.

Được chuyển thể từ một trong những trò chơi đua xe điện tử thành công nhất mọi thời đại bằng một kịch bản khá liền mạch, Need For Speed đã khai thác được đường đua cao tốc và những chiếc siêu xe trong mơ theo đúng như nguyên bản mà game thủ nói riêng và người bình thường nói chung vẫn luôn nghĩ về nó. Và nhiều ý kiến cho rằng Need for Speed rất xứng đáng để có phần 2.

Xem trailer Need for Speed.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại