"Hài Vượng Râu khác với mọi người ở sự hoành tráng!"
"Năm nay tôi sẽ làm một câu chuyện nhân văn theo kiểu hiện đại. Tôi mời ca sĩ Phương Thanh tham gia. Chị Thanh sẽ đóng vai bà Lẫm, cũng là vợ của tôi trong phim hài Tết "Cưới nhanh kẻo Tết".
2 ông bà nhà giàu có với nhau 1 cô con gái xinh đẹp. Hồi còn trẻ, cô gái đem lòng yêu một anh con trai nhà nghèo nên ông bà tìm đủ cách ngăn cản.
Từ đó trở đi con gái ông bà không muốn lấy chồng nữa. Đến khi cô con gái đã rất lớn tuổi rồi, ông bà mới "lo sốt vó", tìm đủ cách để "tuyển chồng" cho con.
Vợ chồng bà Lẫm gọi thằng cháu họ (do Chiến Thắng đóng - PV) sang bàn chuyện. Họ quyết định tổ chức cuộc thi mang tên The Boys Kít để tìm ra người xuất sắc nhất làm chồng của con gái.
Nhưng cuối cùng không tuyển được vì toàn Kenny Sảng với Lệ Tuôn, toàn thảm họa thôi!
Sau đó ông bố giả vờ bị ốm nặng sắp chết. Bà mẹ lên thành phố gọi con gái về. Khi về, cô nàng dẫn theo một người bạn trai (do Xuân Nghĩa đóng - PV).
Anh chàng này đem lòng yêu con gái của ông bà Lẫm đã hơn 2 năm rồi mà không dám ngỏ lời. Vì cứ mỗi lần định tỏ tình với cô là anh bị "cứng hết lưỡi lại".
Ông bố sau khi biết chuyện đã bầy ra rất nhiều trò để tác thành cho đôi bạn trẻ. Nhưng cuối cùng lời tỏ tình lại được phát ra một cách rất chân thành bằng chính tình yêu của anh chàng dành cho cô gái.
Câu chuyện chẳng có gì lớn lao, chỉ rất nhẹ nhàng thôi nhưng nó có màu sắc của tình yêu - một tình yêu không đao to búa lớn. Hài mà rất tình...
Hài Vượng Râu không đóng lại với người cũ
- Anh có thể chia sẻ lý do tại sao lại mời Phương Thanh vào bộ phim hài năm nay không?
Tôi đánh giá Phương Thanh là một người rất cá tính. Vai này Phương Thanh vào rất hợp. Khán giả sẽ không cười "ằng ặc" nhưng sẽ thấy được nhiều sự mới lạ.
Phương Thanh có một lối diễn rất tự nhiên. Tôi thấy hài ở ta nhiều người bị "diễn" quá. Những hành động hay lời thoại khi diễn không được tự nhiên mà cứ bị kĩ thuật quá, chai sạn quá.
Chính vì thế mà tôi rất hay tìm kiếm những diễn viên mới. Hầu như cứ mỗi năm rôi lại mời một người mới. Rất ít khi tôi đóng lại với người cũ.
Cái này đòi hỏi sự mạo hiểm, nhưng sự mới mẻ trong sáng tạo với tôi rất quan trọng.
- Làm hài dân gian và hài hiện đại có gì khác nhau không thưa anh?
Dân gian tôi cũng làm nhiều, hiện đại cũng thế! Làm hài dân gian mà khiến cười "ằng ặc" thì không có đâu. Bởi rất khó để nói những câu bậy trong chuyện tiếu lâm ngày xưa.
Ai gọi hài dân gian là phim cũng được, nhưng tôi nghĩ nó không hẳn là hài. Vì nhiều yếu tố phim sẽ mất đi tính chất hài.
Phương Thanh sẽ tham gia một vai diễn trong hài Tết Vượng Râu 2015
- Nhưng nhiều cái hiện đại bây giờ chỉ khiến người xem cười xong rồi quên đi, khó có thể ở lại lâu trong lòng khán giả...
Tôi nghĩ nó là giải trí. Một khi là giải trí thì khó đòi hỏi cao được. Nhưng trên thực tế hiện nay không phải tác phẩm hài hiện đại nào cũng gặp phải tình trạng "cười xong rồi quên".
Có nhiều tác phẩm vẫn khiến khán giả phải xem đi xem lại.
Làm hài, tôi nghĩ quan trọng nhất chính là thông điệp của người đạo diễn gửi vào tác phẩm. Nhiều đạo diễn làm hài cũng duyên, nhiều người lại chỉ "ăn" cái cẩn thận.
Nhưng khi làm hài, lại thiếu đi mất cái chủ đề tư tưởng. Nhiều người làm hài mà không có nội dung, thông điệp, khán giả xem xong không hiểu đạo diễn muốn nói gì.
Còn cá nhân tôi khi làm hài lại quan trọng nhất điều đó. Ví dụ như năm nay tôi nói về chữ Tình, sang năm tôi nói về chữ Hiếu. Sang năm làm hài, nhưng tôi sẽ khiến khán giả phải khóc...
- Vậy theo anh điều gì khiến hài Vượng Râu khác với những sản phẩm hài khác?
Thứ nhất là sự hoành tráng, "chịu chơi". Tôi quan niệm không làm thì thôi, đã làm thì phải thật hoành tráng. Bây giờ nhiều gia đình đầu tư mua tivi hàng trăm triệu, đầu DVD đắt tiền.
Vì thế họ phải được mở những cái đĩa đẳng cấp, được xem những hình ảnh thật sự "mãn nhãn".
Thứ 2 đó là tôi không bao giờ đi xa thực tế. Tôi làm hài dựa trên những thứ rất gần gũi với thực tế, gần gũi với khán giả. Vì thế khi xem hài Vượng Râu, mọi người luôn có cảm giác quen thuộc.
Chấp nhận lỗ, bỏ tiền tỷ ra cho những cuộc tri ân
- Nhưng trong bối cảnh kinh tế đang thời kỳ suy thoái như thế này, câu chuyện kinh phí làm đau đầu rất nhiều nhà làm phim. Anh đã giải quyết nó như thế nào?
Đây là máu thịt của mình, niềm đam mê của mình. Khi nào khán giả còn thích, 80/100 người còn thích thì mình vẫn phải làm.
Kinh tế thì mấy năm nay đều khó, nhưng mà mình vẫn làm, làm với tinh thần gần như là tri ân với khán giả. Được làm thì mình cảm thấy đó mới là niềm vui, là niềm hạnh phúc.
- Ý tôi là bài toán giải quyết khó khăn kinh tế?
Tôi luôn có một nguồn vốn dự trữ để làm những cái này. Đó là sự hy sinh của gia đình tôi đấy. Vì đổ nhiều tiền của vào đây thì sẽ ảnh hưởng đến những việc khác của gia đình.
- Còn việc xin tài trợ thì sao?
Tôi luôn nghĩ phần tài trợ dựa trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhưng tôi đi sâu vào nghệ thuật thôi, chứ không quan tâm tài chính nhiều.
Bây giờ thì kinh phí làm phim mất từng ấy rồi, mình xin tài trợ được bao nhiêu, bù đắp được vào đó đỡ chút nào hay chút ấy.
Có nhiều đơn vị tài trợ, tài trợ nhiều thì sẽ đỡ được gánh nặng kinh tế cho nhà sản xuất, cho đạo diễn, thù lao của các diễn viên cũng sẽ cao hơn.
Vấn đề tài chính thì là nỗi lo chung của nhiều đơn vị sản xuất từ bao nhiêu năm nay rồi. Vì vấn đề bản quyền của mình không được làm nghiêm ngặt.
Chi phí sản xuất thì nhiều nhưng nguồn thu về thì không đáng kể. Nghĩ cũng buồn lắm, nhưng vì đam mê họ cũng vẫn làm đấy thôi.
- Thực tế là hiện nay rất nhiều phim hài đưa vào những đoạn quảng cáo rất "thô", khiến người xem cảm thấy khó chịu...
Rất khó để tránh những chuyện đó. Kể cả trong bộ phim này của tôi cũng có điều đó. Nhưng ở đây khán giả phải hết sức thông cảm.
Quảng cáo chắc chắn sẽ còn song hành. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có quảng cáo thì còn được mấy đơn vị dám tiếp tục sản xuất?
Nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng nghệ thuật vẫn phải vị nhân sinh. Tôi bán nhà bán cửa, bán đất đai xe cộ đi để làm nghệ thuật, tôi chịu được. Nhưng vợ con tôi thì làm sao chịu được.
Mà cả ở Hollywood hay trong phim Hàn Quốc cũng thấy quảng cáo nhan nhản và đủ kiểu đó thôi. Vấn đề là người ta làm khéo hơn mình, phù hợp với kịch bản nên nhìn nó không bị phô.
Tôi nghĩ là dần dần khán giả sẽ quen. Mình phải làm khéo. Quảng cáo cũng được nhưng phải cài cắm vào kịch bản hợp lý, chứ đừng khiến khán giả có cảm giác như mình đang bị "cưỡng bức".
Ví dụ như bây giờ tôi làm hài dân gian, tôi không thể quảng cáo bánh ngọt, đồng hồ hay điện thoại được!
- Quay lại câu chuyện lỗ lãi khi làm phim một chút. Anh có chia sẻ gì thêm về việc hoạch toán tài chính khi làm hài của mình không?
Nói chung là chúng tôi lãi. Lãi rất to. Cứ bắt đầu trời heo heo may, trở lạnh là liên tục những cuộc điện thoại hỏi han "anh ơi/em ơi/bạn ơi bao giờ sản xuất hài Tết".
Đó là niềm hạnh phúc lớn lao đến từ tình cảm của khán giả.
Còn lỗ là câu chuyện muôn thuở. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề bản quyền thì mới mong mọi chuyện khác được.
Trên thế giới, Michael Jackson mất rồi mà vẫn còn thu được tiền. Thế nhưng chúng tôi sống sờ sờ đâu mà lại chẳng thu được gì cả.
Hồi xưa bộ phim "Bụi đời chợ lớn" bị cấm chiếu, coi như mất trắng. Bọn tôi ngồi với nhau nói "chuyện con muỗi". Vì bọn tôi bị như thế nhiều rồi, chuyện đấy hết sức bình thường.
Ở Việt Nam đại đa số người ta làm hài vì niềm đam mê thôi. Lỗ về tài chính nhưng lại có cái được về thương hiệu, về tình cảm của khán giả.
- Lỗ nhiều, lỗ mãi thế thì các anh lấy đâu ra kinh phí để làm các sản phẩm tiếp theo?
Khi sản xuất ra một đĩa hay, năm sau show của chúng tôi sẽ nhiều hơn, cát xê cũng sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ bù lại được từ những cái đó.
Hôm nay chúng tôi bỏ ra 1 tỷ, không phải chúng sẽ thu về ngay 1 tỷ rưỡi. Mà số tiền "lãi" sẽ được chúng tôi thu về rải rác trong năm đó. Thành ra câu chuyện lỗ lãi không phải là vấn đề lớn khiến mình bị nhụt chí.
- Anh có thể bật mí tổng kinh phí bỏ ra để thực hiện hài Tết Vượng Râu 2015 chứ?
Tôi ước chừng khoảng hơn 1 tỷ. Những năm trước làm hài dân gian còn tốn kém hơn nhiều...