The Martian: "Robinson" ở Sao Hỏa, khoai tây và nhạc disco

Pa Dun |

Cảnh chàng phi hành gia cô đơn quỳ gối trên nền đất, đặt vào lòng bàn tay những mầm lá xanh tươi có lẽ là hình ảnh đáng nhớ nhất của The Martian.

Ban đầu, tôi xem The Martian - Người về từ sao Hỏa với không nhiều kỳ vọng. Đơn giản, những bộ phim khoa học không phải là gu điện ảnh của tôi.

Xem đơn giản để hiểu rốt cuộc củ khoai tây, sao Hỏa cô đơn và chàng phi hành gia bị bỏ lại có mối liên hệ gì với nhau trong bộ phim dài 141 phút.

The Martian là một bộ phim khá đơn giản. Đơn giản đến nỗi nếu cần kể lại cho ai đó chưa từng xem có lẽ bạn chỉ cần mất 1 vài câu ngắn gọn.

Một đoàn phi hành gia đang phải làm nhiệm vụ trên sao Hỏa nhưng cơn bão xấu khiến họ phải quay về Trái Đất. Tuy nhiên, trong lúc di chuyển, một thành viên gặp nạn.

Tưởng rằng anh đã thiệt mạng, các thành viên trong đoàn không còn cách nào khác là lên tàu trở về Trái Đất.

Bị bỏ lại một mình trên hành tinh hoang vu, phi hành gia đen đủi phải tìm mọi cách sinh tồn dựa vào những vật dụng còn sót lại. Anh phải học cách tự cứu sống bản thân bằng cách trồng khoai tây trên sao Hỏa và cố gắng loan tin để mọi người biết mình vẫn còn sống.

Biết tin phi hành gia bị bỏ lại vẫn còn sống, NASA và các đồng đội của anh đã quyết định thực hiện một kế hoạch khá "điên" để giải cứu "Robison" trên sao Hỏa.

Xét ở một góc độ nào đó, The Martian tạm gọi được là thành công nhưng thỏa mãn thì chưa hoàn toàn.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Andy Weir, The Martian được xem là Robinson Crusoe của thế kỷ 21.

Có một điều khá thú vị là Andy Weir không phải là một nhà văn sống bằng nghiệp viết cũng như không phải là một nhà khoa học.

Tất cả những gì ông viết trong sách chủ yếu được lượm lặt từ Internet. Tất nhiên, tôi không phủ nhận sức mạnh của google. Tuy nhiên, tôi mong chờ một cái gì đấy từ trải nghiệm thực tế.

“The Martian” vẫn không tránh khỏi những sai lệch đối với kiến thức khoa học thực tế dù khi viết kịch bản Drew Goddard đã nhờ cậy tới sự tư vấn của các chuyên gia làm trong ngành vũ trụ

Mặc dù vậy, cũng nên dành lời khen cho sự hài hước, thú vị từ Andy Weir và biên kịch Drew Goddard. Chí ít, họ đã không khiến The Martian trở thành cuộc phiêu lưu nặng về triết lý và cảm xúc.

Khi xem The Martian, tôi chợt nhớ Cast Away. Cast Away cũng được coi là phiên bản hiện đại của câu chuyện Robinson Crusoe nổi tiếng.

Bộ phim về Chuck Nolan, một chuyên viên phân tích hệ thống của hãng chuyển phát nhanh FedEx, gặp tai nạn máy bay trên đường đi công tác. Anh bị trôi dạt vào một hoang đảo và phải tìm cách để sinh tồn trong suốt bốn năm.

Có điều, Chuck Nolan cô đơn giữa đảo hoang còn chàng phi hành gia Mark Watney (Matt Damon thủ vai) lại cô đơn giữa sao Hỏa.

Khác với Cast Away, The Martian giúp khán giả không bị mệt nhoài trong cuộc phiêu lưu cô đơn của Mark Watney bởi đan xen vào đó các tuyến nhân vật khác như đoàn khoa học NASA hay nỗi ân hận của phi hành đoàn do chỉ huy trưởng Melissa Lewis (Jessica Chastain) phụ trách.

Điều này đã giúp bộ phim 141 phút không bị rơi vào nhàm chán và buồn ngủ.

Với thủ pháp chuyển cảnh khá ấn tượng tạo nên sự đối lập giữa sao Hỏa bao la rộng lớn và Trái đất nhộn nhịp và chật chội.

Ắt hẳn với nhiều khán giả yêu thích phim khoa học thì những cảnh quay hoành tráng tại Wadi Rum (Jordan) hoang sơ, ảm đảm giúp họ phần nào thỏa mãn về phần nhìn.

Đặc biệt những cảnh quay ngoài không gian, những cơn bão tại sao Hỏa cũng là một trong những yếu tố giúp người xem có thiện cảm với The Martian.

Đan xen giữa những góc quay rộng về sa mạc đỏ là những góc quay cận cảnh đơn giản như sự nhú mầm của những cây khoai tây cũng mang lại hiệu quả cao cho tầm nhìn của người xem.

Tuy nhiên, có vẻ như tôi là người ưa chuộng sự kịch tính nên sao Hỏa có vẻ "khá hiền" trong The Martian. Ngoài cơn bão xấu ngay đầu phim và một vài cơn bão nhẹ thì dường như sao Hỏa như vị chủ nhà dễ mến với thiên nhiên khá ôn hòa cho Mark Watney.

Tất nhiên, đây chỉ là một bộ phim khoa học giả tưởng, người xem không thể đòi hỏi quá nhiều về sự chân thật.

Với The Martian, khán giả đừng trông chờ quá nhiều vào sự kịch tính. Tuy nhiên, The Martian cũng phần nào thỏa mãn được người xem ở những pha hành động ngoạn mục ngoài không gian của nhân vật chính và phi hành đoàn.

Phải thừa nhận rằng The Martian đã rất may mắn khi mời được Matt Damon. Với lối diễn tưng tửng, dễ chịu và tinh thần lạc quan số 1, Matt Damon đã biến nhân vật Mark Watney trở nên sinh động hơn giữa sa mạc đỏ cô đơn và hoang vắng.

Nhân vật chính dù gặp phải nghịch cảnh nhưng không hề “bi kịch hóa” vấn đề của mình, ngược lại anh luôn giữ thái độ lạc quan, thậm chí còn đùa giỡn và… nói tục với những người mà mình liên lạc được.

Sẽ không nói quá nếu nói rằng The Martian là màn độc diễn của Matt Damon.

Những màn “one man show” có thể chưa phải là thế mạnh của Matt Damon nhưng có lẽ vì thế nó lại khiến cho nhân vật Mark Watney mang một màu sắc hoàn toàn đặc biệt giữa hàng loạt "Robinson".

Phải hiếm hoi lắm người ta mới tìm thấy được sự bi quan của nhân vật Mark Watney trừ chi tiết anh phải "nhờ cậy" người chỉ huy trưởng Lewis nhắn với cha mẹ mình nếu như anh không thể trở về.

Tuy nhiên, trong lời nhắn cuối, khán giả vẫn có thể tìm thấy sự hài hước của Mark Watney.


Michael Pena.

Michael Pena.

Bên cạnh màn trình diễn nổi trội của Matt Damon thì cũng xin dành lời khen ngợi cho Michael Pena. Những đoạn hội thoại hài hước của nhân vật Rick Martinez cũng khiến bộ phim có thêm nhiều điểm sáng.

Tất nhiên, cũng không thể nào phủ nhận sự xuất hiện của hàng tá những cái tên sáng giá như Jessica Chastain, Kate Mara, Sebastian Stan hay Chiwetel Ejiofor...

Quả là thiếu công bằng nếu bỏ qua những bản disco trong The Martian. Tôi không biết quá nhiều về âm nhạc nên không dám luận bàn sâu.

Tuy nhiên, phải thừa nhận trong nền nhạc disco thập niên 70 với âm nhạc của ABBA, The Bee Gees... bộ phim đã tươi sáng và rộn ràng hơn rất nhiều.

Bỏ qua những thiếu sót về kết cấu phim hay logic tâm lý, cái mà The Martian làm được có lẽ ở ý nghĩa sâu xa đằng sau bộ phim khoa học giả tưởng hài hước.

The Martian như một lời dặn dò, đừng tin vào những phép màu bởi "mọi thứ chỉ được giải quyết bằng khoa học".

Cái mà người ta tìm được ở The Martian chính là hi vọng và niềm tin. Ở The Martian là những gam màu tinh thần tươi sáng ngay cả trong tình huống khốc liệt nhất

The Martian giúp người xem biết rằng hãy luôn giữ vững tinh thần sống đúng đắn và trang bị cho mình những kỹ năng sống còn.

Với tất cả điều này, con người có thể vượt qua mọi nghịch cảnh, như mầm sống khoai tây của Mark vươn mình trên mảnh đất cằn cỗi của Sao Hỏa. 

Sẽ là sáo rỗng nếu nói về triết lý từ những bộ phim. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn cần thiết bởi những gì The Martian mang lại.

Nhân vật Mark Watney có nói: “Con người ai cũng có một bản năng cơ bản là giúp đỡ người khác. Nếu một người đi bộ bị lạc trên núi, những người khác sẽ phối hợp tìm kiếm.

Nếu một trận động đất san phẳng cả thành phố, mọi người trên khắp thế giới sẽ gửi cứu trợ khẩn cấp. Bản năng này được tìm thấy trong mọi nền văn hóa, không có ngoại lệ nào”.

Với tôi, The Martian chưa phải là một bộ phim khoa học giả tưởng hoàn hảo. Tuy nhiên, nó lại thành công khi mang lại cho người xem nhiều cảm xúc đan xen từ vui, buồn tới hồi hộp, xúc động.

Có thể nó sẽ không làm hài lòng những "fan ruột" của phim khoa học nhưng với những kẻ "qua đường" như tôi thì The Martian là món ăn vừa đủ.

Diễn viên ổn, âm nhạc hay, cảnh quay đẹp mắt, kịch tính vừa đủ... chỉ cần có thể The Martian đã có thể khiến các phòng vé trên thế giới phải bận rộn.

Này bạn, sau khi xem xong The Martian, hãy thử tự trồng 1 củ khoai tây!

Trailer đầu tiên của Người Về Từ Sao Hỏa.

Nhân dịp bộ phim THE MARTIAN – NGƯỜI VỀ TỪ SAO HỎA công chiếu tại Việt Nam, CGV muốn dành tặng độc giả Soha: 5 Mouse Pad, 5 Beach mat.

Các bạn hãy để lại thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ dưới bài viết để được bốc thăm ngẫu nhiên.

Khán giả nào may mắn trúng thưởng sẽ được liên hệ trực tiếp.

Trân trọng.

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại