- Lý do gì khiến anh nhận lời làm BGK của chương trình Vietnam Idol 2015, tất nhiên nếu không nói đến yếu tố cát-xê?
- Tôi luôn suy nghĩ rất kỹ lưỡng trước khi làm một điều gì đó, khi đã làm thì tự nhận trách nhiệm công việc về mình.
Tôi nhận lời chương trình năm nay vì tin thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay cần một sự định hướng rõ ràng hơn.
Để trở thành ca sĩ ở Việt Nam quá dễ dàng khiến mọi người có cái nhìn sai lệch về nghệ thuật.
Tôi nghĩ mình cũng lớn tuổi rồi. Tôi muốn được chia sẻ với đàn em của mình để các em có thể hiểu thêm nghệ thuật là gì và mình sẽ làm nghệ thuật như thế nào?
Tôi mong năm nay mình sẽ tìm được không chỉ một, mà là một số nghệ sĩ đích thực.
Khi làm việc với các em, tôi khuyến khích các em phải biết tự sáng tác nhạc, phải biết chơi nhạc cụ để ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, định hướng được đường đi tốt hơn.
- Anh đánh giá như thế nào về chất lượng thí sinh Vietnam Idol năm nay?
- Theo tôi, thí sinh năm nay đa dạng nhất trong 6 năm. Năm nay có một vài nhân tố rất đặc biệt. Các thí sinh được lựa chọn vào top 10 đều khiến các giám khảo hài lòng.
Điều ban tổ chức và mọi người cần làm bây giờ là dành nhiều thời gian nhất có thể cho các em, hỗ trợ và chia sẻ để các em có thể tiếp thu một cách tốt nhất.
Hy vọng khi lên sân khấu thi, các bạn không chỉ bộc lộ được gu âm nhạc mà còn thể hiện được cá tính của mình nữa.
- Vậy tiêu chí để anh chọn những thí sinh đi sâu vào vòng trong là gì?
- Tất cả các thí sinh đều cần trải qua một quá trình, em nào sẵn sàng học hỏi, cố gắng, hy sinh nhiều nhất thì chắc chắn em đó sẽ có được sự thành công.
- Đã từng tham gia làm giám khảo The Voice Kids, anh bị lôi cuốn bởi format của chương trình này hay Vietnam Idol hơn?
- Hai cái nó hoàn toàn khác nhau. Tôi yêu con nít lắm, tôi nhận làm giám khảo cho The Voice Kids vì muốn thấy thế hệ tới sẽ có được những cái mà mình đã từng có ở nước ngoài.
Nhiều khi dạy con nít dễ hơn và dễ chia sẻ hơn người lớn, bởi vì người lớn đã bị rập khuôn nên rất khó để thay đổi tư duy. Còn các em nhỏ như một tờ giấy trắng, nên các em sẽ tiếp thu và phản xạ lại một cách rất tự nhiên.
Còn giữa The Voice Kids và Vietnam Idol, tôi thích Vietnam Idol hơn.
Tôi nghĩ một phần cũng vì tôi đã trưởng thành từ Idol. Tôi có được ngày hôm nay vì được lọt vào top 8 Australian Idol. Nhưng quan trọng hơn là format của The Voice thiên về giám khảo, còn Vietnam Idol thì tôn vinh thí sinh nhiều hơn.
- Trải qua những vòng sơ loại ban đầu, nhiều khán giả cho rằng, năm nay Vietnam Idol có vẻ ưu ái các thí sinh có ngoại hình bắt mắt hơn là chỉ chú trọng giọng hát? Anh nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Tôi nghĩ là năm nay có những giọng hát "khổng lồ", nhưng quan trọng hơn là những màu sắc khác biệt. Hát hay là như thế nào?
Câu hỏi này nó có nhiều câu trả lời lắm. Có thể là hát thật to, quãng rộng, kỹ thuật tốt… nhưng theo suy nghĩ của tôi, đó không phải là hát hay.
Với tôi, hát hay là phải hát có tình cảm, có màu sắc riêng trong tiếng hát, biết truyền lại cảm hứng cho khán giả và có đủ sự chân thật trên sân khấu… Đó mới là những điều tôi cần.
- Nếu không bị chi phối bởi các yếu tố khác như nhà sản xuất, tài trợ hay giám khảo khác, anh sẽ chọn ai giữa một thí sinh có giọng hát tốt nhưng ngoại hình trung bình với một thí sinh hát bình thường nhưng đẹp trai, xinh gái?
- Tôi nghĩ không có em nào trong top 10 bình thường hết (cười). Khi tôi nghe một ai đó hát, tôi nghe bằng trái tim của mình.
Tôi không quá quan trọng chuyện hay hay không hay, mà chỉ cần thật hay không thật thôi, có thể làm cho tôi nổi da gà được hay không.
Như tuần đầu tiên, em Minh Quân hát có những đoạn nổi da gà, mặc dù em ấy có những chỗ hát chưa đúng. Nhưng đã là nghệ thuật, mình dễ bị lôi theo cảm xúc.
Cái nghề này hát hoàn thiện không có được. Tôi theo nghề được 22 năm rồi, nhiều khi tôi bị mất cảm xúc hoặc hát sai kỹ thuật. Đó chỉ là chuyện bình thường thôi.
Nhưng mà chuyện ngoại hình cũng rất quan trọng. Tôi chỉ nghĩ một ca sĩ hoặc nghệ sĩ cũng là một sản phẩm. Sản phẩm đó phải vừa đẹp, vừa có màu sắc riêng và có chức năng phù hợp thì mình mới mua nó chứ.
- Trong các bạn lọt vào vòng thi trực tiếp năm nay, anh đánh giá cao thí sinh nào nhất?
- Có khá nhiều bạn xuất sắc, về phía các bạn nữ có Bích Ngọc. Giọng hát của em ấy phải dùng từ vĩ đại luôn.
Điều đặc biệt là em ấy quê ở Cần Thơ, một vùng quê sông nước, không được đầu tư, học hát bài bản. Vậy mà giọng hát lại giống hệt như một người Mỹ.
Nếu em ấy ở Sài Gòn còn hiểu được, vì ở Sài Gòn có tính hội nhập rất cao. Em ấy hát được như vậy thì chỉ có bẩm sinh thôi.
Còn bạn Trọng Hiếu, có thể nói màn trình diễn Happy vừa rồi, ở cả trên sân khấu chuyên nghiệp lẫn không chuyên, tôi chưa thấy một ai có được màn trình diễn tự nhiên và cuồng nhiệt đến như vậy.
Anh chàng đó sinh ra là để trình diễn, đó có thể xem như là một phần bản năng của em ấy.
Thanh Bùi chúc mừng phần thi thành công của Trọng Hiếu.
- Cá nhân anh có cảm thấy chút đồng điệu với Trọng Hiếu khi 2 người có điểm chung là cùng lớn lên ở nước ngoài?
- Tôi nghĩ câu chuyện của hai người cũng hơi hơi giống nhau. Tôi chưa hiểu hết về câu chuyện của bạn ấy, nhưng điều tôi ấn tượng nhất là bạn ấy nói tiếng Việt rất giỏi, giỏi hơn tôi.
- Vậy theo anh yếu tố nào khiến Trọng Hiếu có được nhiều fan đến vậy?
- Ca sĩ thì ai cũng hát hết, nhưng tại sao mình lại thương người A mà không thương người B? Bởi vì mình đồng cảm với người A, họ có cái gì đó khiến mình bị ấn tượng và thích họ.
Có lẽ chính vì sự vô tư, tự nhiên của mình mà Hiếu có được nhiều sự đồng cảm của khán giả.
- Anh và các giám khảo còn lại có bị bất đồng quan điểm trong việc chấm điểm và chọn thí sinh không?
- Phần lớn là không, nhưng kiểu gì cũng có thôi. Tôi thích màu vàng, chị Thu Minh thích màu đen, anh Quang Dũng thích màu xanh, mọi sự lựa chọn không có sai hoặc đúng mà chỉ khác thôi.
Tuy nhiên, dù có yêu thích các màu sắc khác nhau, ban giám khảo vẫn có một điểm giống nhau, đó là ai cũng muốn tìm ra được một nhân tố đặc biệt giành giải Quán quân năm nay.
- Việc vừa làm giám khảo Vietnam Idol, vừa quản lý học việc âm nhạc Soul Music Academy có ảnh hưởng đến các sản phẩm âm nhạc riêng của anh?
- Việc ra sản phẩm âm nhạc dựa trên cảm hứng nhiều hơn. May mắn là những nhân viên trong học viện của tôi rất đoàn kết, giống như tôi là cái đầu, còn mọi người là cánh tay vậy.
Ngoài những công việc như bạn vừa nêu, tôi còn có rất nhiều dự án âm nhạc ở trong và ngoài nước, nhiều công việc bao vây, nhưng tôi nghĩ mình sống một lần thì sống cho hết mình đi để bây giờ chết cũng không sao hết (cười).
- Anh có định xây dựng Soul Music Academy trở thành một công ty giải trí, nơi không chỉ đào tạo mà còn quản lý các ca sĩ nổi tiếng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản hay trên thế giới đang làm?
- Không hề, mình không phải Hàn Quốc thì sẽ không đi theo cách đó. Riêng về nghệ thuật ở Việt Nam, có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, mà vấn đề quan trọng nhất là giáo dục âm nhạc.
Để định hướng được thị trường âm nhạc thì những người đang làm nghệ thuật cần phải hiểu hơn về âm nhạc.
Tôi muốn các em nhỏ ở Việt Nam cần được học nhiều hơn về âm nhạc. Sự khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em nước ngoài là ở nước ngoài trẻ em rất tự tin, dám làm, dám nói, dám thể hiện cá tính. Chính vì vậy, tôi muốn đầu tư vào giáo dục âm nhạc, hy vọng điều đó sẽ mang đến sự thay đổi về tư duy cho thế hệ trẻ sau này.
- Vậy việc giáo dục âm nhạc đó chính là điểm yếu cốt lõi của nền âm nhạc Việt Nam so với Hàn Quốc?
- Còn hơn thế nữa, chữ "ca sĩ" ở Việt Nam nó hơi bị rẻ tiền, nghệ thuật bị bán rẻ. Có thể tôi nói sẽ có những người phản bác lại, nhưng rõ ràng đây không phải là quan điểm của riêng tôi.
Hàng ngày, tôi ngồi nói chuyện với các phụ huynh và các phụ huynh nói rằng: “Thầy ơi, tôi không muốn con tôi thành ca sĩ nha”. Bởi vì nó quá lố bịch, làm ca sĩ ở Việt Nam quá dễ dàng, còn ở nước ngoài lại là một điều cực kỳ khó.
Thế hệ trẻ cần phải hiểu nghệ thuật là văn hóa, khi mình đụng chạm đến văn hóa thì mình phải bảo vệ văn hóa.
Sự khác biệt của người Việt và người Thái là văn hóa, sự khác biệt với người Australia cũng là văn hóa… Nếu mình không xây dựng được văn hóa thì sẽ mất tất cả.
Tôi rất bực mình khi nghe một đứa trẻ hát bài hát của Hàn Quốc. Tôi hỏi: “Con có hiểu gì không mà sao con hát vậy? Con có nghĩ người Hàn Quốc sẽ hát nhạc tiếng Việt không con?”.
Nhưng đó không phải là lỗi của nó, mà là lỗi của người lớn, lỗi của xu thế xã hội, rõ ràng một bộ phận ca sĩ của mình là chỉ bám theo thôi, copy, copy và copy.
Điều chốt lại mà tôi muốn nói đó là thị trường âm nhạc Việt Nam rất sáng, bởi vì khi tôi làm việc với các em nhỏ, ba mẹ các em có điều kiện cho con đi học để định hướng được âm nhạc là cái gì, giá trị cuộc sống là gì?
Tôi hy vọng thế hệ sau sẽ phát triển hơn, không chỉ phát triển bề ngoài mà phát triển cả cốt lõi bên trong. Cái gì cũng đầu tư một thời gian rất dài, tôi không đi biểu diễn nhiều là vì muốn đầu tư cho thế hệ trẻ nhiều hơn.
>> Thái Lan Viên đau đớn những ngày cuối ở viện