Vì "thiếu muối"?
Mấy năm trở lại đây, cứ đôi ba tháng trước Tết, người ta lại rộ lên những câu hỏi: liệu năm nay có còn Táo, liệu năm nay có còn được dạo bước lên Thiên đình, dự chầu với Ngọc Hoàng, với Nam Tào, Bắc Đẩu.
Có sức hút như vậy, vì Táo quân đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt như là một chương trình thay lời dân nói, thay dân giãi bày.
Ấy vậy mà cũng vài năm gần đây, Táo quân rơi vào cái cảnh không có thì tiếc, có thì lại không ít người chê.
Nhớ lại cái thời huy hoàng của Táo quân, cứ đến giao thừa là khán giả lại có dịp vỗ đùi tấm tắc, vì các Táo nói đúng "chỗ ngứa", mà nói hay, nói thâm thúy quá!
Có ai quên được hình ảnh Tự Long hóa bầu sô bóng đá, không tiếc lời “mắng đôm đốp” nền bóng đá còn nhiều bất cập. Rồi cả những bản “nhạc chế” của các Táo thậm chí đã trở thành “bất hủ”.
Để rồi mỗi khi trời mưa, người ta lại chờ cái dịp “người và xe nối nhau bơi trên đường”, mỗi khi theo dõi đội bóng nước nhà, người hâm mộ thi thoảng lại bật ra câu hát “vì một bóng đá ngày mai”.
Nhưng dường như, những năm người ta hả lòng hả dạ vì Táo quân đã lùi vào dĩ vãng.
Những năm gần đây, cứ mỗi khi Táo quân vừa kết thức, là không biết bao nhiêu tâm tình bức xúc vì “hụt”, vì “cụt”, vì “chưa trọn vẹn” của khán giả lại tràn ngập mạng xã hội.
Hay vì khán giả "bạc"?
Phía sau một chương trình đang trên đà “thất sủng” ấy, là bao tâm tình của cả người làm, người đóng, người xem.
Tôi luôn nghĩ rằng, nếu tôi là một người trong ê - kíp làm Táo tôi sẽ buồn biết mấy,
Nếu tôi đã có những tháng trời thâu đêm suốt sáng chuẩn bị, bao công sức, mồ hôi, nước mắt, bao nhọc nhằn chỉ để cho khán giả một năm một lần có vài chục phút bước lên thiên đình.
Nếu tôi là họ mà nhận được những lời chê bai, những lời than vãn, thậm chí có cả mỉa mai, tôi sẽ buồn và chán nản biết bao nhiêu.
Cái nghiệp làm báo giống như cái kiếp làm dâu trăm họ, mà cái nghiệp làm nghệ sỹ cũng chẳng hơn gì. Đóng hay thì người ta khen, nhưng lỡ đóng mà không vừa ý đẹp lòng, thì y rằng là bị chê bai thâm tệ.
Cái nghề ấy…bạc quá!
Đồng lương của một nghệ sỹ chân chính, đâu nhiều tới mức mua xế xịn, sắm nhà lầu. Sống bằng đồng lương nghệ sỹ, họ phải chắt bóp, phải bươn chải, đôi khi là phải khổ sở vì cuộc sống mưu sinh còn quá nhiều chật vật.
Để chương trình được phát sóng, các nghệ sĩ phải tập luyện hàng tháng trời.
Tôi được biết, cát xê của Táo quân chưa bao giờ ở mức “cao”, trong khi thời gian tập thì xấp xỉ cả tháng cận kề Tết.
Ấy vậy mà, dường như những chức vị trên Thiên đình, dường như chưa bao giờ “thay tên đổi chủ”.
Đó là tâm huyết, là liều lĩnh, và nhiều hơn, thì là cả sự bất chấp, bất chấp gánh lo vật chất,bất chấp gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai, bất chấp cả cái miệng đời nhiều khi quá bạc bẽo.
Vẫn biết là, khán giả cả năm ngóng chờ Táo quân, nhưng chúng ta – những khán giả - thứ sức mạnh tinh thần của người nghệ sỹ, vẫn còn ích kỷ nhiều quá!
Một lời chê bai chương trình, có nghĩa là ta đã gạt bỏ đi công sức của những người nghệ sỹ đã cống hiến hết mình, trách cả ê-kíp đã ngày đêm miệt mài chỉ để gửi tới cho chúng ta vài chục phút giải trí ấy.
Chúng ta đòi hỏi ở họ quá nhiều ở một chương trình chỉ có thời lượng hơn 1 tiếng, mà quên rằng, đằng sau sân khấu, họ cũng là những người bình thường.
Họ không làm thời sự, họ cũng không phải người khóc thuê, chửi thuê. Nếu đòi mọi vấn đề trong năm đều phải đề cập, liệu một bộ phim truyền hình dài tập đã đủ để truyền tải hay chưa, kịch bản đã mấy chục trang, liệu sẽ còn phải nhân thêm bao nhiêu lần nữa?
Văn hóa bình phẩm là một điều cần xét lại ở người Việt – những con người nổi tiếng là nhân đạo, nhân văn.
Trong chiến tranh, chúng ta có thể nhân đạo với kẻ thù, vậy trong thời bình, phải chăng chúng ta nên có cái nhìn khoan dung nhiều hơn khi suy xét đánh giá những thứ do chính đồng bào mình tạo ra hay không?