1. Tôi đã nghe Tâm hát lại những bài hit một thời làm mưa làm gió. Là những “Ước gì”, “Nhé anh”, “Cây đàn sinh viên”..., trong một chương trình của cô ít năm trước.
Lúc đó, với tư cách là một người đã từng thích Tâm, tôi đã “ước gì” Tâm đừng hát lại những bài đó.
Thứ nhất, lối hát chẳng có gì mới. Thứ hai, giọng hát đã không còn sung mãn, đầy đặn như thời đó. Và thứ ba, cảm xúc có điều gì đó như bị lạc quẻ.
Dù muốn dù không, Tâm làm cho người nghe rơi vào cái cảm giác so sánh với chính Tâm, mà kết quả nghiêng về thế bất lợi cho Tâm hiện tại.
Trong một cuộc trò chuyện với một số bạn bè của giới âm nhạc, chúng tôi có nói về vấn đề “ca sĩ hát lại”.
Tuổi tác làm họ phải tự thừa nhận với chính công chúng của mình rằng thời đỉnh cao của họ đã không còn nữa.
Bắt đầu bằng diva Hồng Nhung. Cô hát một ca khúc của Trịnh Công Sơn tại sân vận động Quân khu 7 năm ngoái. Không ai có thể nhận ra Hồng Nhung giản dị tinh tế của ngày trước.
Cũng bài hát ấy, cũng là sự kéo dài quãng như trước, nhưng nghe thiếu mượt mà.
Phương Thanh từng có một đĩa hát lại các hit cách đây mấy năm, với “Một thời đã xa” và “Trống vắng”, “Giã từ dĩ vãng”... Đĩa nhạc đó đã đặt một ranh giới rằng Phương Thanh đầy lửa của năm xưa đã thuộc về quá khứ.
Thu Phương hát nhạc Việt Anh rất hay ở giai đoạn hơn 15 năm trước với “Dòng sông lơ đãng”, “Những mùa hoa bỏ lại”...
Nhưng ít năm sau, trong CD “Điều cuối cùng đợi chờ” của chị, người yêu mến đã không còn tìm thấy Thu Phương xưa.
Một phép thử đơn giản nhất: Muốn biết đỉnh cao thực sự của một ca sĩ còn hay không, thì hãy cứ lắng nghe họ hát lại những thứ đã làm nên tên tuổi họ.
Và Mỹ Tâm cũng không nằm ngoại lệ.
Tâm có giọng đẹp, hát sạch sẽ nhưng... không có gì nổi trội. Nghe Tâm hát cũng được, không nghe cũng chẳng sao.
Vui nghe Tâm cũng được, nhưng không làm bạn vui đến cao độ. Buồn nghe Tâm cũng được, nhưng cũng chẳng dễ tìm đồng cảm trong những nốt buồn của Tâm.
Nhưng trong cái thị trường âm nhạc lộn xộn như thế này, kiểu đó sẽ giữ được mức ổn định và độ an toàn cao.
Tuy nhiên, để bùng cháy lên thì không và không bao giờ nữa. Thế hệ người nghe trẻ hơn họ sẽ có những cảm nhận khác biệt và ở đó, lựa chọn của họ cũng có thể không là Tâm. Chuyện bình thường.
Từ một nguồn tin riêng, theo tôi được biết, trong mùa The Voice vừa qua, lúc đầu dường như không thí sinh nào muốn chọn về đội của Tâm mà chọn về đội Thu Phương.
Lý do để họ về đội Tâm và tại sao thí sinh đội Tâm chiến thắng thì chỉ có người trong cuộc ấy sẽ rõ hơn ai hết.
Nhưng, sự không lựa chọn ấy, đã thấy cán cân của thị trường âm nhạc giải trí bây giờ không nghiêng về Tâm nữa. Hoặc là giải trí hẳn, nhảy nhót xanh đỏ; hoặc sâu sắc hẳn.
Điều này dù Tâm có sức mạnh kiểu trời, fan đông và cuồng Tâm kiểu trời cũng chẳng thể quyết định được. Bởi, người nghe mới là người quyết định.
Cũng chẳng thể đòi hỏi Tâm phải rực lửa vì không phải ca sĩ nào sinh ra cũng đều rực cháy được như chị Thanh Lam.
Mà cũng chẳng thể đòi hỏi Tâm cứ phải cưa sừng làm nghé để thành ca sĩ của thế hệ kế tiếp bây giờ, vì Tâm khó bước ra khỏi tấm áo an toàn mà cô đã mặc suốt mười mấy năm rồi.
Tâm đã "không chịu được nhiệt" với tấm áo khá an toàn của mình?
2. Giá trị của Tâm bao năm qua, một phần không nhỏ đến từ việc xây dựng hình ảnh. Đó là một hình ảnh sạch sẽ, cẩn thận, là thứ mà làng giải trí Việt đang thiếu trầm trọng.
Từng tư vấn cho các nhãn hàng chọn gương mặt đại diện, tôi và khách hàng đã khổ sở như thế nào khi tìm một gương mặt không dính chuyện nọ chuyện kia để cho sản phẩm được an toàn.
Tìm những gương mặt như thế trong làng giải trí, khó như mò kim đáy bể.
Phương án mà chúng tôi gợi ý hầu hết đều là Mỹ Tâm. Nhưng đa số các nhãn hàng sau đó đều từ bỏ ý định này, với đủ các lý do. Trong đó, là lý do giá cả, với một số yêu sách từ phía Tâm khi làm việc với người “quản lý”.
Tâm luôn giữ khoảng cách với mọi thứ, khoảng cách của một “siêu sao”. Thế nên, bạn đừng ngạc nhiên nếu Tâm yêu cầu đi diễn phải có xe riêng, phải ở khách sạn riêng và không tham gia các hoạt động với mọi người.
Tuy nhiên, chắc Tâm không tính đến cái rủi ro của khoảng cách. Nếu dài quá sẽ trở thành biệt lập, thành “chảnh choẹ”.
Khi ở đỉnh cao thì người mời sẽ thoả hiệp, vì tấm vé được bán. Qua thời đỉnh cao, cái khoảng cách ấy chợt biến nghệ sĩ thành ảo tưởng.
Tôi đã từng mời Tâm lên bài phỏng vấn đinh cho một tạp chí. Sau khi người quản lý yêu cầu gửi đủ thứ câu hỏi, sau đó, chỉ đồng ý trả lời qua email và chỉ đi chụp hình với điều kiện lên trang bìa, thế là tôi từ bỏ ngay ý định, không bao giờ mời Tâm nữa.
Tâm khá khôn ngoan trong phát ngôn. Khi trả lời báo chí, gần như Tâm ít “sơ hở”. Bằng chứng là tất cả những bài phỏng vấn Tâm trả lời đều trong phạm vi an toàn. Hoặc nếu đã lên tiếng gì, thì chỉ lên tiếng đúng một lần duy nhất, không nói đi nói lại.
Hẳn bạn còn nhớ cách đây 10 năm, khi Hồ Quỳnh Hương chưa nổi tiếng, một loạt nhà báo ở Hà Nội bàn cách đem Hương so sánh với Tâm để người ta hình dung ra một cặp đôi “ngang hàng phải lứa”.
Cánh nhà báo văn nghệ nhao nhao viết đủ thứ bài, rằng có một cuộc cạnh tranh giữa Tâm và Hương, cho Hương lên tiếng dầm dề hết báo này sang báo nọ.
Tâm chẳng lên tiếng gì, nhưng đến khi lên tiếng là “Thấy tôi hot nên người ta muốn đứng cạnh”, “Tôi thề chưa bao giờ nhắc đến 3 chữ Hồ Quỳnh Hương”.
Thế là, độc giả tự biết câu chuyện thực sự là gì.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của báo chí, của sự tiết chế bằng email. Còn khi lên sóng truyền hình thực tế, chắc bạn đã cảm nhận được, Tâm tưởng vậy mà không phải vậy.
Tâm để lộ quá nhiều điểm yếu của một người không có tài ăn nói, và có một số hành động đôi khi hơi... vô duyên.
Nên, tôi cũng chẳng có gì ngạc nhiên sau vụ “đáp trả” MC Kỳ Duyên của Tâm. Con người mà, chẳng ai có thể chịu đựng quá lâu trong tấm áo an toàn của mình.
Giờ này, Tâm vẫn ở đây, trong tấm áo an toàn ấy dù đã có dấu hiệu “không chịu được nhiệt”.
Giờ này, Tâm không còn ở đây, với cái vị trí cao vòi vọi của hơn 10 năm trước. Không biết Tâm có nghĩ thế không. Nhưng người nghe thì họ đã chọn lựa thế!