Sơn Tùng M-Tp mất điều gì lớn nhất sau scandal đạo nhạc?

Cẩm Giang |

Có lẽ khi cho ra lò "Chắc ai đó sẽ về", nam ca sĩ trẻ cũng không ngờ anh sẽ bị mất quá nhiều thứ như thế.

Những ngày qua, ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-Tp bị đưa ra mổ xẻ rất tỉ mỉ. Nhiều nhạc sĩ uy tín như Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh đều đồng ý đây là một sản phẩm đạo. Lời khẳng định này đã tác động rất lớn đến nam ca sĩ trẻ và cả người yêu nhạc.

Có thể nói, trong sự việc trên, Sơn Tùng đã mất rất nhiều, trong đó niềm tin của công chúng là điều rất khó để lấy lại.

Là một người bạn thân của Sơn Tùng, ca sĩ Trung Quân tỏ ra rất dè dặt khi chia sẻ về sự việc. Anh sợ vô tình đặt lên vai đàn em một gánh nữa mang tên dư luận.

Sơn Tùng và Trung Quân vốn rất thân thiết.

Sơn Tùng và Trung Quân vốn rất thân thiết.

Tôi nghĩ Tùng đã đủ mệt mỏi trong chuyện này, từ việc của công ty quản lý tới những nghi án về đạo nhạc. Chơi với Tùng, tôi biết Tùng là người như thế nào. Điều quan trọng bây giờ là tìm được người định hướng và đưa Tùng ra ánh sáng.

Khi em tung ra ca khúc mới Chắc ai đó sẽ về, tôi khá ngờ ngợ khi nghe bài hát nhưng vẫn chọn cách im lặng khi tất cả chĩa mũi nhọn vào em.

Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng không thể bênh em mình trong vấn đề đạo nhạc. Tôi đồng tình với ý kiến của những nhà chuyên môn. Cái tôi muốn đề cập ở đây là dư luận, chính dư luận đẩy sự căng thẳng lên đỉnh điểm, để mọi thứ đi quá giới hạn của nó. Buồn nhiều hơn nữa là việc nhiều người trong nghề không hiểu rõ về đạo nhạc những vẫn phán như thánh thần. Tại sao họ lại nghĩ là giai điệu phải giống mới là đạo nhạc?

Cá nhân tôi thấy phần giai điệu không giống. Đó là giai điệu của Tùng nên không thể nói Tùng đạo giai điệu được. Điều đó sai hoàn toàn. Chuẩn chuyên môn và trong tầm hiểu biết của người học âm nhạc 16 năm, tôi nhận thấy phần hoà thanh hoàn toàn giống, phần kết cấu nhịp, cùng gam, cùng chỉ số nhịp là nhịp 6/8, những điểm ngắt, nghỉ của tuyến hoà thanh, nhịp đều giống, các mô típ cũng giống ở những phần của ca khúc. Vậy suy ra Tùng đạo ý tưởng, đây là ý tưởng chứ không phải giai điệu.

Có thể chính Tùng cũng không hiểu hết từ "đao" nhạc. Tùng đang nghĩ mọi chuyện dễ dãi nên mới làm như vậy. Em có thể ú ớ trên beat của ca khúc và sáng tác giai điệu thì em chính là một người chế nhạc. Nhưng chế nhạc như vậy thì mọi thứ vẫn trong khuôn mẫu của beat, của hoà thanh. Vậy nên, chú Phó Đức Phương mới nói đó là đạo một cách tinh vi.

Cũng là một nghệ sĩ hoạt động trong nghề, tôi biết rằng sau sự việc này, Tùng mất nhiều. Em mất niềm tin của khán giả, sự đánh giá, công nhận của giới chuyên môn, sự tôn trọng của một lớp khán giả. Không chỉ thế, hình ảnh của em sau này sẽ luôn gắn với hành động đạo nhạc.

Tôi từng nói với em rằng, em là người có tài, thế nên em hãy cứ kiêu hãnh bằng chính thực lực của mình. Mong em vẫn nhớ những lời đó. Đừng tiếp tục sai lầm. Hãy để những người yêu quý em cảm thấy yên tâm hơn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Trong khi đó, chia sẻ về vấn đề này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thẳng thắn khi nói rằng: “Đạo là một từ khá nặng. Trong trường hợp của Sơn Tùng, bạn ấy sáng tác trên beat đã có sẵn vì vậy rất khó để phán xét có đạo nhạc hay không. Bài hát của Sơn Tùng đã được hòa âm khác đi, giai điệu và lời hoàn toàn của Sơn Tùng. Nó chỉ chịu ảnh hưởng cấu trúc phát triển nhạc.

Nhưng với tư cách là một người nhạc sĩ, tôi không ủng hộ cách làm này. Thứ nhất, một người nhạc sĩ phải có sự dũng cảm sáng tạo, tác phẩm làm ra có thể hay, có thể dở nhưng đó là sáng tạo của mình.

Thứ hai là phải có lòng tự tôn. Muốn những tác phẩm của bản thân được người khác tôn trọng thì tất nhiên tác phẩm đó phải hoàn toàn là của mình. Nếu lấy lại của một ai đó đồng nghĩa với việc mình gián tiếp thừa nhận bản thân kém hơn người khác.

Thứ ba là mình phải tôn trọng chất xám của người ta. Nếu một nhạc sĩ khác lấy nhạc của Sơn Tùng để sáng tác thành một bài hát khác, bạn ấy có thấy hài lòng không? Mình muốn người ta trân trọng thì mình phải trân trọng người ta.

Với Sơn Tùng, cậu ấy đã đánh mất đi sự tôn trọng của khán giả, những người đồng nghiệp và nhà chuyên môn. Bản thân người nhạc sĩ cũng bị lười, không dám sáng tạo nữa mà phụ thuộc vào sản phẩm của người khác.

Ngoài ra, việc này rất nguy hiểm, nó ảnh hưởng đến cả nền âm nhạc Việt Nam. Khi đến Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc Châu Á Thái Bình Dương ở Singapore, tôi thấy có rất nhiều đơn gửi từ Hàn Quốc, Trung Quốc kiện Việt Nam vì sử dụng trái phép hình ảnh, tác phẩm, phong cách của ca sĩ nước họ.

Nhưng hiện tại, Việt Nam là một trong những nước xếp vào dạng đang phát triển nên được miễn những vụ kiện như thế này. Tuy nhiên nếu một ngày nào đó, Việt Nam thoát ra khỏi danh sách đang phát triển thì sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại