Rơi nước mắt khi "bạn thân" kể đời lủi thủi cô độc của Mạc Can

Cẩm Giang |

Chiếc điện thoại là vật gần gũi với nghệ sĩ Mạc Can nhất, tới đâu ông cũng đưa nó đi cùng.

Tôi đã viết rất nhiều bài về Mạc Can, về những điều tồn tại xung quanh cuộc đời ông. Nói chuyện với ông Can lạ lắm, bạn sẽ thấy cuộc sống có lúc thật chán nản nhưng lắm khi rất đỗi nhẹ nhàng.

Ông là nhà văn nên nhiều khi nhìn cuộc đời cứ hư hư thực thực. Tôi nhớ có lần ông kể cho tôi nghe về người phụ nữ ông yêu nhất tính đến thời điểm này.

Tôi im lặng, nuốt từng chữ một để rồi nhận được cái câu ráo hoảnh: "Bây giờ tui cũng không chắc cô ấy có phải do tui tưởng tượng ra không nữa".

Vậy đó. Thế nên, tôi quyết định mượn lời cái điện thoại sờ-mát-phôn Mạc Can đang sử dụng viết về ông già lạ lùng nhất tôi từng gặp. Hy vọng ông không thấy phật lòng.

Bài viết này nằm trong tuyến bài Phỏng vấn giả tưởng, đăng mỗi tuần 1 bài của Báo Trí Thức Trẻ.

Tui là cái điện thoại sờ-mát-phôn của ông Mạc Can, không biết tui với ổng có duyên gì mà một ngày không đẹp không xấu, người ta mang tui cho ổng.

Mấy tháng đầu, ông già lóng ngóng lắm, người ta gọi tới nhiều khi không biết điện thoại của mình, rút ra rồi cũng chẳng biết “quẹt, quẹt” để nghe.

Người ta gọi tui là điện thoại thông minh nhưng ở với ông Can, tui có khác nào điện thoại “cục gạch”, chỉ có nghe và gọi.

Thôi vậy cũng rảnh!

Tui với ổng ở hai thế giới khác, cố thì cũng hợp được nhưng mà hơi lâu. Nhiều khi ổng chụp ảnh hoặc người ta chụp cho, ông muốn lấy ảnh cho vào máy tính mà không biết đường, tôi muốn khóc ghê vậy đó.

May sao có cô nhà báo chỉ cách rút dây nối từ cái sạc rồi cắm vào máy tính, ổng mới à ồ. Ông Can ơi là ông Can!

Nói vậy chứ ở với ổng cũng vui, lâu dần thành mến. Ban đầu tui thấy ổng kỳ, giờ ổng vẫn kỳ nhưng tui thương.

Người đâu cứ lủi thủi một mình, nay ở chỗ này mai ở chỗ khác. Buổi tối tui muốn ngủ nhưng ổng đâu có ngủ. Ổng bị sợ bóng tối. Người ta là chủ mà không ngủ, tui ngủ sao đặng, vậy là thức.

Tui nằm, ngó ổng viết. Có bữa viết truyện ngắn, bữa viết truyện cổ tích cho đài truyền hình. Thu nhập chính đó, chứ ổng đi đóng phim có đáng là bao.

Ban ngày, ổng hay ngồi quán cafe ở Trần Quốc Thảo, gặp gỡ mấy ông bạn già, tâm sự vài ba câu chuyện, thỉnh thoảng hẹn nhà báo phỏng vấn ở đó. Chuyện của ổng, tui nghe đi nghe lại đến thuộc, đến nhàm.

Tới chừng ai kêu đi phim, ổng lại háo hức lên đường. Nhiều khi thấy ổng run rẩy từng bước một, lái cái xe máy chạy ngoài đường mà tui lo lắm, nhưng có nói được đâu. Tui thấy cũng nhiều người nói nhưng ổng không có nghe.

Đó, mới cách đây hơn tháng, đang đi ngon lành tui nghe cái ầm. Nằm trong túi, tui lăn lóc, ê ẩm hết mình mẩy. Lúc đó tui không thấy đau, chỉ sợ có chuyện chẳng lành.

Rồi hình như có ai đó đỡ ổng dậy, đưa vào lề, sau tui mới biết là diễn viên Hữu Nghĩa (anh này đóng hài coi hay lắm nè). Người ta hỏi ổng: “Sao tự nhiên đang đi mà té vậy ông Can?”, tui nghe ổng cười hề hề kêu không biết.

Ổng cái gì cũng không biết, bữa trước té đập đầu vào cạnh giường cũng không biết, đi ngoài đường ngã lăn đùng, cô bán nước phải dìu vào cũng nói là không biết.

Là đột quỵ đó nhưng chẳng thấy ổng tới bệnh viện khám xét gì, còn hề hà bảo “cái bình xăng” con bị hư, máu không lên não. Tui muốn thở dài quá.

Làm như ở tuổi của ổng, người ta không sợ chết nữa. Có khi tui nghe ổng nói với cô nhà báo: “Tui nhìn cuộc sống bằng đôi mắt khác người ta, gặp ai tôi cũng nghĩ trước sau gì người đó cũng chết.

Tui tò mò về cái chết, ai mà chẳng phải chết, sống hoài kỳ cục lắm. Nhưng người ta nói, dái tai tui dài nên sống lâu lắm. Có khi cũng đúng, năm nay bảy mấy tuổi rồi nhưng chưa thấy triển vọng gì để chết”.

Đó, nghe có kỳ không. Đợt rồi ổng nằm viện vì “bao tử bị cán đinh”, tối nào cũng ú ớ. Ổng kêu nhìn thấy Hồ Kiểng rồi Hồng Sến, mấy người này tui chưa có gặp bao giờ nhưng nghe nói là bạn thân thiết.

Ổng đòi người ta đi từ từ cho ổng đi theo với, mà toàn người mất rồi thôi. Tui sợ lắm. May mà bác sĩ vào, giải thích là vì tiêm nhiều thuốc quá nên vậy, tui mới bình tĩnh được.

Ông Can già rồi nên hay buồn, hay nghĩ, có khi tui cũng thấy ổng quạu. Mỗi lần khó chịu, ổng lại xoa đầu vào bức tượng thằng bé đang cười, lát sau tui thấy ổng vui trở lại.

Nhắc mới nhớ, để tui kể chuyện về bức tượng này cho nghe. Chả là có hôm tui với ổng đang đi ngoài đường, trời lúc mưa lúc nắng, người ta cứ đi một đoạn lại mặc rồi cởi áo mưa.

Cởi ra mặc vào nhiều quá ai cũng bực, lại còn phải chen nhau tấp vào lề nên nổi hứng chửi nhau tanh bành, lấy cả nón bảo hiểm để quật vào nhau. Ông Can đứng đó, nhìn sững vào bức tượng thằng bé, ổng thấy nó cười cũng cười theo.

Sau này tui nghe ổng nói với bạn: “Nhìn cái mặt là quên đời hết trơn. Giữa cảnh lộn xộn này mà thấy nó cứ cười nên tui mua.

Mang về để trên bàn viết, lúc nào quạu thì tôi lại xoa đầu, nựng lỗ tai nó, vậy mà tự nhiên tui lành trở lại”.

Rồi nghe đâu ổng viết truyện về nó, được nhuận bút ba triệu, trong khi ổng mua bức tượng có ba trăm ngàn. Tính ra là lời, cuộc đời cũng không ki bo với ổng lắm.

Câu chuyện tui nghe nhiều nhất có lẽ là những ngày tháng ổng ở nước ngoài. Không biết bên đó cực sao chứ nghe có bạn bè nào có ý định xuất ngoại sinh sống, ổng cũng cản.

Ông kể, ngày còn ở Mỹ mỗi tuần ổng kiếm được 50 đô nhờ viết truyện. Mà nhiêu đó đâu có đủ sống. Dù nhiều người gọi cho ổng nói: “Từ ngày ông qua đây, tụi tui vui quá à, ông đừng có về nha ông Can”, ổng cũng nhất định về.

Ở bên đó một thời gian, có người ngỏ lời in cuốn Tấm ván phóng dao để bán cho đồng bào bên đó. Người ta in 2.000 cuốn rồi không trả nhuận bằng tiền mà đưa tui 200 cuốn, kêu tui đi bán trong khi tui có quen ai đâu.

Tới mùa Tết, tui bày ra chợ Việt Nam để bán, mỗi cuốn 25 đô. Người ta trả hơn, tui làm bộ thò tay vô bọc để thối mà thật ra làm gì có cắc nào.

Họ cũng biết tui khó nên kêu thôi cứ giữ. Bán hết sách, đủ tiền là tui mua vé về Việt Nam luôn. Tới phi trường Tân Sơn Nhất, tui rớt nước mắt, nhớ bạn bè, nhớ đường phố, nhớ cả ly trà đá”, ổng nói thế với bạn bè thân thiết.

Chuyện đời ông Can dài lắm, cũng có khi chuyển thể được thành phim. Ai gặp cũng thấy ổng cười nhưng hỏi có vui không, ổng toàn bảo: “Không vui, không buồn”.

Ổng nói với người ta rằng, ổng không tin ai cả và cũng chẳng tin điều gì trên cuộc đời này vì giờ nhiều người xấu với nhau, cái gật và lắc đầu cũng gần nhau quá.

Thôi, tới tuổi này rồi, tui cũng chẳng mong ổng tin ai, chỉ mong ổng khỏe để ngày nào cũng đủ sức nhắc mấy câu chuyện ngày xưa, xưa như ổng vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại