Nụ cười cuối cùng
Hôm trước còn lên mạng, ngồi nghe lại lời ông nói trên "Giai điệu tự hào" số tháng 5 về “Em ở đầu sông anh cuối sông”.
Ông hài hước kể rằng, khi phổ nhạc cho bài thơ Gửi miền Hạ của nhà thơ Hoài Vũ, ông chưa từng đến dòng sông Vàm Cỏ.
Bài thơ có 56 câu nhưng ông chỉ lấy 16 câu để phổ, còn đoạn có “bắn nhau, súng ống òng òng”, ông bỏ đi.
“Lúc bấy giờ khi tôi phổ bài này, tôi có ở đầu sông, em cuối sông đâu. Tôi ở nhà trên, còn bà vợ tôi ở nhà bếp” – ông kể mà cả khán phòng không nhịn được cười. Và ông cũng cười theo.
Không ngờ, đấy là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông, nhìn thấy nụ cười của ông...
Anh ở đầu sông em cuối sông - NSƯT Đức Long & Khánh Linh (Giai đoạn tự hào 5-2015)
Cũng hôm qua, rất nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin ông từ biệt cõi tạm, đồng thời viết tiểu sử của ông với thông tin ông sinh ngày 11/11/1924 tại Đà Nẵng, là người con thứ 11 trong một gia đình cha làm thợ may và không có ai theo con đường nghệ thuật.
Thông tin ấy không có gì sai cả, nhưng có điều, phía sâu hơn của dòng tin, rất ít người biết rằng, Má ông là người có ảnh hướng rất lớn tới con đường âm nhạc của ông sau này.
Trong cuốn Nhạc và Đời (do NXB Hậu Giang in năm 1989), ông viết: “Lúc sinh thời, Má tôi có giọng hát ru con rất hay. Tôi được nghe tiếng hát đó từ lúc lên bảy tuổi.
Giọng hát của Má tôi rất tình cảm, không vút cao cũng không lắng trầm. Cứ bình bình lên xuống uyển chuyển, đều đều nhưng sâu đậm dễ cuốn hút người nghe.
Tiếng hát ru của Má đã thấm vào tâm hồn tôi từ thuở bé thơ. Chính giọng hát đó đã từ từ dẫn dắt tôi từ những bước đi chập chững vào con đường yêu âm nhạc, cho đến lúc trở thành nhạc sĩ ở tuổi mười chín, hai mươi.
Chính Má tôi mới là người thầy đầu tiên dạy cho tôi những nốt nhạc vỡ lòng đậm đà màu sắc dân tộc...”.
Cũng nhờ Má mà ông mê vở nhạc kịch “Tục lụy” của nhóm tác giả Châu Vinh – Thế Lữ - Lưu Hữu Phước, và rồi 21 tuổi, chàng trai có quê gốc ở Điện Bàn – Quảng Nam đã viết bài hát đầu tay “Trầu cau” nhằm phục vụ cho nhóm kịch “Sói con” biểu diễn tại Đà Nẵng.
Màn trình diễn của nhóm “Sói con” sau này ít người còn nhớ đến, nhưng những ca từ day dứt nhuốm màu “Tục Lụy” của “Trầu cau” thì ngày càng trở nên phổ biến và nó tiếp thêm nghị lực để ông dấn thân vào con đường sáng tác ca khúc.
Không lâu sau đó, ông đánh dấu sự trưởng thành cũng như phong cách của mình bằng ca khúc lẫy lừng “Đoàn giải phóng quân” khi đang tham gia kháng chiến chống Pháp tại miền Trung.
“Đoàn giải phóng quân” lan nhanh, lan rộng đến nỗi Má của ông cũng ngạc nhiên, không tin nó là sáng tác của con mình.
“Năm 1946, mình cầm bài hát “Giải phóng quân” ra Huế để tìm nhà xuất bản nào đó in giùm. Mãi đến xế chiều, mình đi về đường Gia Long, thấy có một cửa hiệu bán văn phòng phẩm trông có vẻ bề thế.
Người chủ hiệu là ông Tăng Duyệt đồng ý in 2.000 bản và trả tiền nhuận bút là tám trăm đồng bạc Cụ Hồ. Mình đang ở trong giấc mơ nào chăng?
Mặt mày mình lúc đó trông chắc ngớ ngẩn buồn cười lắm vì quá sung sướng. Cơm tháng bình dân năm đó mình ăn chỉ có mười hai đồng.
Với số tiền này, mình có thể ăn cơm bình dân được hơn 5 năm. Mình liền mua cây đàn ghi ta hết tám chục đồng. Còn hơn bảy trăm đồng, cầm về đưa cho Má. Má nhìn ngạc nhiên, nghi vấn:
- Ai mua bài hát làm gì? Đờn địch mà cũng có tiền à? Có đúng là tiền của con hay con phỉnh Má?
Không ai tin mình có số tiền lớn như vậy, cũng như không tin mình lại có thể sáng tác được một bài hát phổ biến rộng rãi như vậy” – ông kể lại.
Đặc biệt yêu thơ và đàn mandoline
Không chỉ tự sáng tác, ông còn được giới nghề coi là bậc thầy phổ thơ. Những bài thơ của Dương Hương Ly, Hoài Vũ, Ngọc Anh, Bùi Công Minh, Trần Đình Chính, Thúy Bắc, Xuân Quỳnh… đã hòa nhịp trái tim ông mà thăng hoa qua từng năm tháng.
“Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình.
Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ.
Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ.
Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”. – ông quan niệm mạch lạc và sòng phẳng về sự giao hòa giữa thơ và nhạc.
Ông còn mê đọc sách, đặc biệt là đọc thơ. Ông chơi được nhiều nhạc cụ nhưng luôn chung thủy với cây mandoline.
Ông từng lấy bút danh là Huy Quang khi xung phong vào chiến trường Tây Nguyên… Nhưng PHAN HUỲNH ĐIỂU mới là cái tên khiến người ta nhớ đến ông nhiều hơn, lâu hơn.
Huỳnh ở đây có nghĩa là vàng, Điểu là chim. Ba, Má đặt tên ông cốt chỉ mong ông thành một con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam.
Quả thực, ông đã làm được điều ấy. Và hôm qua “Con chim vàng” đã bay về trời theo “Những ánh sao đêm”…