Cuộc đời của người nghệ sĩ hài, vinh quang có nhưng cũng đầy rẫy những đắng cay. Họ thường bảo nhau “Phải bỏ đôi giày dơ bẩn của mình ngoài nhà hát” để mang lại tiếng cười cho khán giả.
Cười, ngàn người cùng chung nhưng nước mắt thì tự nuốt vào lòng. Nhưng biết sao được, mỗi khi chọn là họ đã học cách chấp nhận.
Minh Nhí nghe tin cha mất trên sân khấu
Đời Minh Nhí đã trải qua một lần như thế. Mười mấy năm rồi nhưng mỗi lần nhắc lại, trong anh vẫn dấy lên cảm xúc đau đớn, khó tả.
Ngày ấy, Minh Nhí và Hữu Châu đắt sô lắm, một đêm chạy đến mười mấy chỗ. Có lần, khi MC vừa xướng tên lên sân khấu thì anh nhận được tin cha mất.
“Rất kinh khủng. Tôi nhắm mắt lại và không muốn mở ra nữa”, anh tâm sự nhưng rồi cũng chính anh đã tự dằn cảm xúc đó lại để bước lên sân khấu làm hài cho người ta cười.
Minh Nhí diễn tới đâu, bên dưới người ta cười rần rần tới đó mà chẳng hề biết trong lòng người nghệ sĩ ấy đang quắt queo, trống rỗng.
Miệng đọc thoại nhưng lòng chỉ muốn chạy ngay về nhà để nhìn mặt cha lần cuối. Nhưng lý trí đâu cho phép anh làm vậy. Chỉ một thoáng bất chợt nhớ ra rồi mất hồn trong chốc lát cũng đã khiến anh cảm thấy có lỗi với nghề.
“Tôi nhớ hồi mới đi làm, mỗi lần cha lên thăm gặp được chút xíu phải về ngay vì không có chỗ ngủ. Hồi nhỏ tôi hay nói mai mốt giàu sẽ nuôi ba má. Vậy mà tới lúc vừa mua được nhà mấy ngày, tính đón cha lên ở thì cha lại không còn.
Tôi nghiệm thấy cuộc đời mình cứ mỗi lần được cái này thì mất cái kia. Hai lần mất người thân đều là lúc tôi vừa mua nhà mới”, anh kể, giọng buồn buồn.
Nỗi đau bị bóp nghẹt
Ngày mẹ gọi thông báo ba đang hấp hối, Đại Nghĩa đang ở phim trường đóng Trâu vàng như ý. Nghe tiếng mẹ gấp gáp, đứt quãng, anh sợ hãi cảm nhận được nỗi đau đang cận kề.
Phận làm con chỉ muốn chạy về nhà thật nhanh để nhìn ba lần cuối nhưng nghĩ đoàn làm phim lặn lội từ ngoài Bắc vào, ai cũng chuẩn bị tâm lý để quay, Đại Nghĩa quyết định im lặng để không làm ảnh hưởng tới việc chung.
Nhưng lý trí đôi khi không thắng nổi tình cảm. Dù có cố gắng tập trung đến thế nào đi nữa, Đại Nghĩa làm cái nào, mắc lỗi cái đó. Nỗi đau khiến danh hài duyên dáng bỗng trở nên vụng về, lúng túng.
Biết chẳng thế trốn được những giằng xé trong lòng, đến 4h chiều, anh đành nói thật và xin được về nhà.
Rồi khi nước mắt chưa lăn xuống hết, người nghệ sĩ ấy lại tháo chiếc khăn xô xếp gọn, cất nỗi đau đằng sau cánh cửa để mang lại tiếng cười cho đời.
"Thấy nghề nhiều khi khắc nghiệt quá, nhưng chưa bao giờ tôi dám giận nghề. Chỉ không hiểu tại sao, đời lại đẩy đưa mình đến những cảnh ngộ éo le như thế”, anh nói.
Cuộc đời đầy rẫy nỗi đau
Hữu Châu là một trong những nghệ sĩ mà mỗi lần nhắc đến cuộc đời anh, ai cũng rơi nước mắt. Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan chỉ một lần đắng ngắt trên sân khấu chứ đời anh thì đã hai lần trải nghiệm cảm giác đáng sợ ấy.
Lần thứ nhất là khi Hữu Châu đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngày hôm đó, lớp anh diễn một trích đoạn của vở Shakespeare cho các bạn sinh viên Campuchia sang nghiên cứu học tập.
Đang háo hức bước lên sân khấu thì Hữu Châu thấy chú chạy vào báo tin dữ: “Ba chết rồi, con vô bệnh viện đi”.
Vậy mà, anh đâu có dứt ra để đi được. Những gì được học ở trường và dòng máu nghệ thuật con nhà nòi bắt anh phải có trách nhiệm với từng vai diễn.
Lần thứ hai vào năm 2010. Buổi sáng đưa tiễn cậu em trai xấu số Hữu Lộc về thế giới bên kia thì buổi tối, anh phải nuốt nước mắt vào trong để khai trương vở diễn Cậu bé khoai lang và ba bà tiên trong chương trình Ngày xửa ngày xưa.
Để nỗi đau và những giọt nước mắt vào một góc, người nghệ sĩ ấy lên sân khấu, hóa thân thành bà tiên và nhảy cà tưng như kiểu trên đời này, chẳng có nỗi đau nào có thể ghé đến thăm anh vậy.
Nhìn cái dáng vẻ ấy và nụ cười tươi rói, chẳng ai biết trong lòng người nghệ sĩ đang khóc thầm.