Đổ bô vệ sinh cho các đồng nghiệp và nước mắt nghệ sĩ Lê Thiện

Cẩm Giang |

Để “xì tin” trên phim ở tuổi 70, nghệ sĩ Lê Thiện đã sống một đời mạnh mẽ, lạc quan như một người đàn ông.

11 tuổi xa nhà

Dắt tôi vào con ngõ nhỏ dưới chân chung cư đang ở, nghệ sĩ Lê Thiện kéo hai cái ghế nhựa rồi cười hiền: “Tiếp nhà báo chỉ có như này thôi”.

Hiện tại, ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà vẫn rong ruổi theo những vai diễn, “miệt mài đóng góp vị cay cho đời” bởi một niềm tin giản dị “Gừng càng già càng cay”.

Ký ức được điểm lại, buồn có, vui có. Thỉnh thoảng cao hứng, bà còn đứng lên thể hiện một vài động tác hình thể, lúc khác lại lấy tay chấm vội dòng nước mắt chực trào. 70 năm, cuộc đời người nghệ sĩ ấy có thể dựng thành phim.


NSƯT Lê Thiện đóng cô dâu - chú rể với Mạc Can.

NSƯT Lê Thiện đóng cô dâu - chú rể với Mạc Can.

Tôi sinh ra ở Bồng Sơn, Bình Định, là con thứ 10 trong nhà nên mọi người hay gọi là Mười Thiện. Ngày xưa sinh khó, gia đình lại nghèo nên cuối cùng, ông bà cụ chỉ giữ được bốn người con.

Cuộc sống khó khăn đến nỗi tôi chẳng biết cái chăn đắp là gì. Nhà làm đậu phụ nên mấy anh em thường lấy cái nong dựng cạnh bếp lò cho ấm rồi che lên người mà ngủ.

Nhưng trong nhà chỉ mỗi mình tôi được ưu tiên như thế, còn mấy ông anh thường phải thức khuya dậy sớm phụ mẹ.

Có cái bàn chải đánh răng, ông anh thứ 7 quý lắm trong khi tôi đâu biết đánh răng là gì. Thấy ổng đánh, tôi mon men lại gần thì bị quát: “Cái bà nhỏ này, đi chỗ khác”. Chẳng thà ổng đừng nói thì mình không phá, ổng càng quát mình lại càng lì.

Tối đó, tôi lấy bàn chải của ổng di vào chảo dầu, chà qua chà lại rồi trả về chỗ cũ. Khuya thức dậy, nhà không có điện nên ổng chẳng thấy gì, cứ thế đánh.

Làm xong đậu cho mẹ, ổng mang ra chợ. Một lát sau tôi thấy ổng quay về, tay lăm lăm cái đòn gánh, mặt hằm hằm, miệng gào lên: “Bà nhỏ đâu”. Hóa ra ổng bị người ta cười. Lần đó, ổng giận lắm.

11 tuổi, tôi vẫn là một con nhỏ xấu xí. Người ốm nhách, đen thui, bụng to đùng vì mắc nhiều bệnh trẻ con.

Năm đó, Đoàn văn công quân đội Nam Bộ đóng ở Bồng Sơn. Sân nhà tôi rộng nên mọi người hay tụ lại để tập bài. Tò mò, tôi nấp đằng sau, len lén nhòm trộm.

Lúc đó, Đoàn đã có anh Phan On là diễn viên nhí nam, thiếu một diễn viên nhí nữ nên người ta nhờ địa phương đến tuyển ở trường học. Trong 30 đứa, đoàn chỉ chọn có một.

Mấy chú kêu làm gì, tôi làm ngay, mặt lại còn tớn lên, chẳng sợ chút nào. Trẻ con mà, có biết thi tuyển là gì đâu. Vậy mà đậu.

Ban đầu cả nhà tưởng có anh trai đi cùng nên cho tôi theo nhưng sau đó, người ta lại thay anh tôi bằng một người cùng tên khác. Biết tin, tôi hụt hẫng lắm.

Trong lòng con nhỏ 11 tuổi không hề chuẩn bị cho việc xa nhà, xa mẹ lại càng không. Ngày còn ở nhà, mẹ ngủ trên võng, tôi trải một chiếc chiếu bên dưới, nằm sát võng mới ngủ được. Đùng một cái phải nhập ngũ. Tự hào có, nhưng cũng lo.

Mẹ đi vay tiền, may cho tôi một bộ đồ lành lặn để lên đường. Những đêm đầu nhớ nhà nên tôi khóc quá trời. Vì chưa đi xa bao giờ nên tôi không biết đường về, chứ nếu biết, có khi tôi cũng trốn rồi (bà cười).

Các cô các chú phải tìm cách dỗ dành, cô Kim Hoa (nghệ sĩ cải lương Kim Hoa – PV) còn đưa tôi đi mua kem, bắt chí, gội đầu rồi cắt tóc thiệt đẹp.

Tối đến, cô còn ôm ngủ, vậy mà cũng không chịu nổi. Tôi cũng chẳng biết mình đã khóc mất bao nhiêu đêm.


NSƯT Lê Thiện trong phim Vừa đi vừa khóc.

NSƯT Lê Thiện trong phim Vừa đi vừa khóc.

Vào đoàn được một tuần, tôi bắt đầu lên sân khấu biểu diễn. Ngày ấy, tôi và anh On bé nhất nên các chú cứ chọc hoài.

Nghe bị chê không thuộc bài bằng con nhỏ đen thui, xấu hoắc, anh On thù tôi lắm, toàn tìm cách chặn đánh. Hai đứa cũng vì thế mà cự nự suốt.

Bị trêu riết, có khi mình cũng giận nhưng giờ nghĩ lại, thấy thương các chú vô cùng. Đi tập kết xa nhà là sự hy sinh rất lớn.

Mình còn nhỏ dễ nguôi ngoai, đêm về khóc chút xíu rồi ngủ còn người ta, ngày ở miền Bắc, đêm xuống lại hướng về miền Nam. Nặng lòng lắm!

Đoàn hay phải hành quân, tôi là trẻ con nên được đặc cách không phải mang vác thứ gì. Vậy mà cũng không theo nổi. Nhiều bữa đang đi, tôi mệt quá, ngủ lăn giữa đường. Các chú phải cõng mới tới nơi.

Đường đời thì gập ghềnh vậy chứ đường nghề thì suôn sẻ lắm. Đoàn có bao nhiêu bộ môn, tôi học bấy nhiêu, từ hát, múa đến nhào lộn, uốn dẻo, cái nào cũng làm ngon lành.

Năm 1958, Đoàn cải lương Nam Bộ thiếu diễn viên nên tôi quyết định chuyển về. Lúc đó lớn rồi nên cũng xinh xinh.

“Cả nhà còn sống!”

Bao nhiêu năm ở miền Bắc là bấy nhiêu năm tôi tự thân vận động, từ đi diễn đến lấy chồng rồi sinh con. Chiến tranh dữ dội, không liên lạc được với gia đình nên tôi cứ ngỡ nhà chẳng còn ai.

Năm 1975, nghe đài báo tin đất nước giải phóng, tôi mừng quá, xách xe đạp ra phố dù chẳng biết sẽ đi đâu, về đâu.

Một tuần lễ sau, ông xã tôi vào Sài Gòn, tôi ở lại cùng những người khác để chờ vận chuyển tài sản của Đoàn cải lương Nam Bộ vào sau.

Bỗng một ngày, tôi nhận được thư viết tay ông xã thông báo cả gia đình vẫn còn sống. Nhận tin, tôi sững sờ như người điên, chẳng biết phải đi lại, đứng ngồi thế nào cho đúng.

Ngày tôi đưa Đoàn đến Bồng Sơn, khi vừa dừng lại bên cạnh nhà thờ, chưa kịp mở miệng thì đã nghe tiếng hỏi: “Có phải cô Mười Thiện không?”. Hóa ra người trong làng biết chuyện ông xã tôi tìm về nên cũng cùng người nhà chờ luôn từ đó.

Dẫn Đoàn quân 30 người vào đến cửa, tôi thấy ông anh thứ năm đang nằm tòn teng trên võng, cụ bà ngồi trong màn ngó ra. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho ngày đoàn tụ nhưng tôi vẫn không nhấc nổi chân, cứ đứng im như hóa đá.

Suốt 15 phút đồng hồ, cụ bà cứ rờ rẫm, chẳng thể nào thoát ra được. Con nhìn mẹ, mẹ nhìn con qua tấm màn mỏng mà cứ ngỡ là mơ.

Đến khi đặt được chân xuống giường, cụ ôm chầm lấy tôi, sờ thấy vết sẹo trên người rồi mới dám tin con gái còn sống. Qua màn nước mắt, tôi thấy cụ ông chạy ra, cụ chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi rồi cười.

Tình cảnh lúc đó giống như một tình huống kịch mà bất kỳ ai không sống trong hoàn cảnh đó đều không thể tin nổi.

9h đêm, cả gia đình chặt dừa xuống cho 30 người uống và vật lợn ra thịt bởi bà cụ đã nguyện, nếu tôi sống sót trở về, bà sẽ cúng hai con lợn.

Không những thế, bà còn cạo đầu để mong tôi bình yên, vô sự. Chiến tranh khốc liệt quá, chẳng ai tin tôi có phước để trở về.


NSƯT Lê Thiện trong Dù gió có thổi.

NSƯT Lê Thiện trong Dù gió có thổi.

Tiếc là tôi chẳng thể ở lâu. Lúc cả đoàn lên xe để vào Sài Gòn, cụ bà tránh mặt, có lẽ cụ đã quá sợ cảnh chia ly.

Tết năm đó, tôi đã hứa với cả nhà sẽ về nhưng Tết của Đoàn nghệ thuật bận lắm, đâu có phải nói nghỉ là nghỉ được. Thế nên, tôi lên trình bày hoàn cảnh rồi quả quyết: có thi hành kỷ luật tôi cũng sẽ về. Vậy mà 29 Tết mới tới nơi.

Thời ấy, xe khách chạy bằng dầu nên đi đoạn đường dài thì ai cũng bị ám khói đen thui. Dắt tay hai đứa con trong bộ dạng xơ xác về nhà, tôi thấy gia đình đã chuẩn bị đầy đủ gạo, nếp, thịt để gói bánh.

Cụ bà nhìn thấy tôi vừa mừng vừa dỗi. Năm đó nếu tôi không về, chắc nhà chẳng có bánh đón Tết. Cái Tết đầu tiên ấy, cả gia đình thức hai đêm trắng, ngồi với nhau sáng đêm để nhắc chuyện ngày xưa”.

Đặt quyền lợi người khác trên mình

Vào Sài Gòn, bà chuyển về nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và được đôn lên làm lãnh đạo vì tư duy thoải mái, nói được làm được.

Chia tay dần với những vai diễn, NSƯT Lê Thiện bắt đầu làm quen với công tác quản lý và cả những công việc không tên.

Diễn viên nọ không có nhà, bà lo. Diễn viên kia báo ốm, bà thăm hỏi. Chuyện gì cũng làm, việc gì cũng tới tay vậy mà điều tiếng chẳng để đâu cho hết.

Chuyện đơn giản như việc các nghệ sĩ đi vệ sinh giữa giờ nghỉ giải lao. Vì họ được yêu mến quá nên mỗi bước chân đều có khán giả theo cùng, thế thì làm sao giải quyết được bầu tâm sự.

Biết cái khó đó, tôi mới kêu mọi người đi mua hai cái bô lớn để trong phòng thay quần áo và quây vải lại cho chị em diễn viên. Không dám kêu ai đi đổ nên tôi tự mình làm chuyện đó. Ấy vậy mà người ta cũng nói ra nói vào.

Có người thấy đau thay nhưng tôi thì bình thường. Tôi là người miền Trung, chỉ suy xét chuyện đúng và bất cần ở những chuyện sai”, bà khẳng định.

Là diễn viên, điều quan trọng đối với bất kỳ ai cũng là vai diễn. Thế nên, khi được phân vai, họ mừng lắm, cứ như có tình yêu mới vậy đó. Nhưng vì làm trưởng đoàn nên bà chọn nhường vai, để “tình yêu” của mình lại cho người khác.

Mỗi lần như thế, nước mắt NSƯT Lê Thiện lại chảy dài. Nhưng nỗi buồn cũng chẳng được lâu vì bà làm gì có thời gian cho những điều xa xỉ như thế. Chuyện lo thì lo mãi không hết.

Thấy diễn viên cực quá, tôi tạo điều kiện cho mọi người diễn xen giữa giờ nghỉ để kiếm đồng ra đồng vào. Có lần tới giờ diễn rồi mà chưa thấy Bảo Quốc và Chí Hiếu, tôi đứng giữa sân vận động mà lòng nóng như lửa đốt.

Một lúc sau thấy Bảo Quốc chạy trước, Chí Hiếu chạy sau, đằng sau một lô khán giả kéo theo. Hóa ra vì Chí Hiếu đang cầm dao đạo cụ chạy sau Bảo Quốc nên người ta tưởng ai cầm dao rượt chém Bảo Quốc.

Lúc đó trễ gì mình phải chịu trách nhiệm. Cái đó gọi là dung túng”, bà tâm sự.

Nhưng NSƯT Lê Thiện là vậy, luôn đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của bản thân. Mặc ai nói ra nói vào, bà cứ sống đúng cái tâm của mình.

Có lẽ một phần cũng nhờ vậy mà sau khi nghỉ hưu, những vai diễn cứ liên tục tìm đến với bà như bù đắp cho quãng thời gian dài người nghệ sĩ ấy không có cơ hội tha thiết với đam mê.

Phải nói là trời thương. Vai trong Dù gió có thổi là cái duyên, tôi là người cast cuối cùng nhưng người ta lại chịu.

Tháng lương đầu tiên của tôi để dành xây mộ cho cha mẹ rồi sau đó trả ơn cô Kim Thoa. Ngoài ra, tôi còn tổ chức cho những anh chị em ở cùng ngày xưa đi về Cần Thơ, Cà Mau để ôn lại kỷ niệm.

Người ta hay nói tôi, con nhỏ này người khu năm mà ngon lắm. Nhưng ngon gì đâu, tới tuổi này tôi còn đi làm mướn được là mừng rồi.

Mình chỉ trả được cái ơn, cái tình chứ có nhiều nhặn gì đâu vì họ nghèo mà mình cũng nghèo. Lâu lâu có dịp gặp nhau thì biếu người nọ một ít, người kia một ít”, bà cười.

Hỏi NSƯT Lê Thiện có bao giờ buồn không, bà gật liền: “Có chớ. Ngày trẻ, buồn phiền, bệnh hoạn thì chịu một mình còn bây giờ, khi ở tuổi này rồi, người ta bảo trừ bớt đi, chứ đừng cộng vô nữa.

Nhưng tôi lo lắng, buồn phiền chuyện của người khác nhiều hơn. Nói ra nhiều người nghĩ mình giả dối nhưng sự thật là thế.

Sống tới giờ này, tôi thấy tình người cứ vơi đi. Ai cũng nói tôi hài hước, mạnh mẽ như đàn ông nhưng mấy ai biết cái hài là tột cùng của cái bi và đàn ông là tột cùng đau khổ của người đàn bà. Thế mà mình lại phải pha trộn mà sống”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại