Chuyện diễn viên hài Tự Long và một số nghệ sĩ khác được phong tặng nghệ sĩ nhân dân trong thời gian gần đây gây xôn xao dư luận. Nhiều tranh cãi đã nổ ra về việc họ có xứng đáng hay không.
Những ồn ào này vô tình khiến không ít khán giả cảm thấy hoài nghi về giá trị của danh hiệu cao quý này, rằng nó có phải công cụ để chạy theo thành tích trước nay hay chăng.
Để khẳng định giá trị của danh hiệu này, hãy cùng điểm lại tên tuổi một số nghệ sĩ nhân dân “chuẩn mực” trong nhiều năm qua.
Qua đây, cũng có thể thấy, giá trị đích thực của danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đang dần bị mai một, khi những người được phong tặng có tài năng, cống hiến chưa xứng đáng, khiến khán giả phải hoài nghi, dị nghị.
NSND Lê Dung
Nói về tiếng hát Lê Dung, ai cũng phải ngợi ca về sự ngọt ngào, da diết hiếm có trong một chất giọng opera/cổ điển được đào tạo bài bản.
Lê Dung đương nhiên hát đẹp, rất đẹp, có thể nói là đẹp bậc nhất trong các giọng soprano Việt Nam, vì dám chắc rằng ít có ca sĩ nào thuộc thế hệ trước nắm vững vàng được nghệ thuật hát đẹp bel canto của Ý như bà.
Những note nhạc Lê Dung hát không những chắc chắn trong từng làn hơi mà còn rất trau chuốt, mượt mà, đạt được độ ổn định cao về âm vực, kỹ thuật.
Bằng kĩ thuật thượng thừa, Lê Dung gần như đã khai thác tối đa ưu thế trong loại giọng light lirico soprano của mình.
Làn hơi khỏe, dài, kèm theo sự hỗ trợ tốt về hơi thở giúp Lê Dung có được những leagto mượt mà, ít gợn, không phô chênh, vênh note, mà lại rất linh hoạt.
Kĩ thuật fortissimo của Lê Dung khá tốt, bà có thể điều khiển âm lượng to đột biến trên các chuỗi crescendo.
Đặc biệt, ở những đoạn fortissimo trên quãng cao C6 (Đô cao), bà thực hiện rất tốt, dù hơi gắt do đặc trưng riêng của loại giọng, nhưng vẫn khá đẹp.
Nếu ai đã từng nghe Lê Dung hát trực tiếp aria Brindisi trong vở La Traviata hẳn không khỏi quên được khoảnh khắc bà đẩy giọng lên C6 ở đoạn cao trào vô cùng nội lực.
Staccato của Lê Dung cũng rất vững. Trong bài Cô gái vót chông, bà phiêu đoạn giả tiếng chim trên quãng 6 mượt mà, rõ ràng mà linh hoạt, không bị căng thẳng, vênh note như nhiều ca sĩ khác.
Khả năng điều khiển âm lượng của Lê Dung vô cùng đáng nể, đoạn cuối aria Pace, pace mio dio trong vở La Forza del Destino, bà đã thực hiện vuốt giọng nhỏ dần rồi chuyển sang to đột biến trên cùng một legato.
Đương nhiên không thể không nhắc tới kĩ thuật pianissimo (hát nhỏ tiếng), một trong những lợi thế của giọng nữ cao trữ tình mà Lê Dung phát huy tốt.
Trong aria O mio babbino cano, bà đã thực hiện chuyển giọng xuống những note pianissimo rất đẹp, vang, mượt trên một legato.
Giọng hát Lê Dung còn tỏ ra khá linh hoạt, biến hóa khi tạo màu sắc ả đào, ca trù.
Không chỉ là con chim sơn ca đầu đàn, là cây đại thụ của thanh nhạc cổ điển Việt Nam, Lê Dung còn thành công ở cả mảng nhạc nhẹ.
Bà là một trong những tiếng hát nhạc nhẹ được ưa chuộng ở những thập niên trước, với nhiều ca khúc trữ tình như Họa mi hót trong mưa, Mưa trên biển vắng, Bâng quơ, Hoa sữa, Mùa đông của anh, Sơn nữ ca…
NSND Thanh Hoa
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa có lẽ là tiếng hát nữ thành công nhất miền Bắc trong suốt hai thập niên 70 và 80.
Từng có một thời, tiếng hát Thanh Hoa được nhà nhà yêu mến, người người ưa chuộng, vang lên khắp mọi nơi trên miền Bắc, qua đài phát thanh và băng cát xét.
Bà là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất Đài tiếng nói Việt Nam với 400 bản thu từ nhạc cách mạng tới nhạc nhẹ.
Thanh Hoa nổi tiếng bởi chất giọng đặc trưng không thể lẫn với bất cứ ca sĩ nào khác.
Tiếng hát của bà sáng, mảnh nhưng vẫn ấm áp và đặc biệt giản dị, mộc mạc, hát như nói, nhiều luyến láy dân ca, thích hợp để biểu đạt cảm xúc một cách tự sự, trữ tình, đại chúng nhất.
Tuy không sử dụng quá nhiều kĩ thuật, nhưng bằng sự mộc mạc, lối hát rất riêng trong một tiếng hát có âm sắc đặc biệt, Thanh Hoa đã đóng đinh tên tuổi ở nhiều ca khúc nổi tiếng như Tàu anh qua núi, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Em chọn lối này, Bác Hồ một tình yêu bao la, Gà gáy le te, Tình yêu trên dòng sông quan họ… để tạo nên một chất nhạc, phong cách độc đáo, mà nhiều ca sĩ sau này dù cố thể hiện điêu luyện thế nào cũng không thể hay như bà.
Giọng hát Thanh Hoa không hẳn là nhiều màu sắc, nhưng giàu tự nhiên và mềm mại tới mức có thể hát hay và truyền tải đúng điệu hồn của rất nhiều loại nhạc trên khắp mọi miền đất nước, từ vùng núi cao Tây Bắc tới làng quan họ, tới xứ Huế miền Trung hay sông nước miền Nam.
Đặc biệt, bà có lợi thế rất lớn khi hát dân ca của các dân tộc thiểu số.
Có thể nói, giọng hát Thanh Hoa đã đạt tới sự tự nhiên, thân quen tới mức, nó giống như một tiếng hát quần chúng bất kì nào đó chúng ta có thể bắt gặp trên mọi nẻo đường cuộc sống.
Đó có thể là tiếng hát của một thiếu nữ, một quả phụ, một em thiếu nhi, một nữ chiến sĩ… Nhưng trên hết, tiếng hát ấy vẫn là tiếng hát của một nghệ sĩ nổi tiếng.
NSND Bảy Nam
Cố nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam được xem như một tổ nghề của cải lương và kịch nói Nam Bộ, đủ để hiểu vị trí của bà lớn thế nào.
Đi hát từ năm 14 tuổi, NSND Bảy Nam đã kiến tạo rất nhiều kỉ lục.
Bà là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương (19 tuổi đã lập gánh hát - gánh Nam Hưng), nữ tác giả kịch bản đầu tiên của Sài Gòn với vô số kịch bản: Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung...
Bà cũng là nữ nghệ sĩ Sài Gòn đầu tiên được Hãng Intermondial Film của Pháp mời đóng trong bộ phimMort en fraude của đạo diễn Marcel Camus bên cạnh các diễn viên lừng danh thế giới.
Giáo sư Hoàng Như Mai từng viết: “Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quí hiếm ấy”.
NSND Tường Vi
Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi được học hành rất bài bản. Bà từng thi đỗ và khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và được đi học chuyên sâu 4 năm tại nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Tường Vi sở hữu chất giọng nữ cao màu sắc linh hoạt, có thể lên head voice staccato tới F6. Nhiều bản ghi âm của bà đã thành chuẩn mực thanh nhạc để nhiều thế hệ ca sĩ học hỏi.
Trong những năm chiến tranh, bà đã theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường.
Tường Vi nổi tiếng với nhiều ca khúc trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, như Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp, thơ Molovklavi), Em là hoa Pơ Lang (Đức Minh), Người con gái sông La (Doãn Nho), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Người lái đò trên sông Pô Cô (Cẩm Phong, thơ Mai Trang), Bóng cây Kơ-nia (Phan Thanh Nam, thơ Ngọc Anh), Suối Lenin, Con suối và mặt trời, Hà Nội có ta trong tiếng hát....
Tường Vi còn đi biểu diễn nhiều nước như Liên Xô, Ba Lan, Chile, Cuba... Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biển diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tường Vi có chất giọng nữ cao, sáng, mang giọng Trung Bộ. Bà hát được nhiều thể loại như dân ca, nhạc cách mạng, nhạc thính phòng.
Một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của bà là Cô gái vót chông, trong ca khúc này, bà có hát thêm một đoạn staccato giả tiếng chim hót rất nổi tiếng, sau này các ca sĩ đều phải hát thêm đoạn này như điều bắt buộc.