Nhạc Trịnh: Khúc du ca cất lên từ máu thịt của những cuộc tình

Trương Xuân Thiên |

Sinh thời Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là Người thi ca. Có lẽ đó là cách gọi chính xác nhất về con người nghệ sĩ tài hoa này.

Ca khúc của Trịnh nằm trong khoảng giao thoa giữa thi ca và âm nhạc. Giai điệu của Trịnh chỉ loanh quanh ở hai gam La và Si, trong đó đa phần là La thứ.

Chỉ có mươi tình khúc của Trịnh viết trên gam trưởng có thể kể đến là Nguyệt ca, Nhìn những mùa thu đi, Quỳnh hương, Nắng thủy tinh, Tuổi đá buồn…

Nhưng ngay cả khi viết ở gam trưởng, giai điệu ấy vẫn chất chứa một màu buồn. Thao thiết. Thảng thốt. Dư ba.

Nếu chỉ nghe qua có cảm giác như đó chưa phải là một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Chỉ như một nét giai điệu thảng qua, vu vơ mà đủ làm người nghe day dứt.

Dấu vết của khúc thức âm nhạc bác học Phương Tây hầu như không hiện diện trong tình khúc Trịnh Công Sơn.

Nói cách khác ca khúc của Trịnh không làm những người nghe nhạc để tìm đến những suối nguồn âm thanh khoe sắc và thăng hoa thỏa mãn.

Có lẽ Trịnh không có dụng tâm viết nhạc để trình diễn những tuyệt kĩ thanh âm, những chuẩn mực thi pháp âm nhạc kim cổ, những tìm tòi bất tận về mặt hòa âm.

Nó đơn giản đó chỉ là những khúc du ca cất lên từ một phần máu thịt của những cuộc tình.

Dẫu nó tạo ra một số lượng công chúng đông đảo nhưng hẳn nhiên đó không phải là đỉnh cao của âm nhạc. Không bao giờ có thể chạm đến sự kinh điển của nghệ thuật.

Nhắc đến ca khúc của Trịnh Công Sơn có lẽ phần ca từ chính là sức hấp dẫn đặc biệt mà nhiều người gọi đó là những bài thơ tuyệt kĩ.

Thậm chí có người chọn phần ca từ trong nhạc phẩm của Trịnh là Bài thơ tình hay nhất thế kỉ.

Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng đặc biệt của Trịnh đến với đông đảo công chúng. Tuy vậy nếu gọi đó là những đỉnh cao thi ca e có phần chưa thật sự thuyết phục.

Có lẽ nếu Người thi ca nghe thấy sự ca tụng này sẽ làm ông nhíu mày bởi người ta đã mặc cho ông chiếc áo không phải của chính mình.

Suy cho cùng đấy cũng chỉ là những ca từ mang đậm chất thơ hòa hợp với những nét giai điệu mang hơi thở du ca làm mê hoặc lòng người.

Nếu tách riêng phần lời ra khỏi phần nhạc một vài tác phẩm có thể đứng như một bài thơ giàu biểu cảm. Còn đa số những lời ca khác chỉ như những đoản văn mang tính tản mạn ca ngợi tình yêu và vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ.

Ngay cả ở những ca khúc có phần ca từ xuất sắc nhất xét về phương diện nghệ thuật của ngôn từ cũng mới dừng lại ở mức độ bài thơ dễ đọc, dễ cảm nhận và ít nhiều mang một cá tính sáng tạo vừa phải cũng như giàu nhạc tính.

Ở đó ngôn từ chưa được nở hoa và cảm xúc của bản thể sáng tạo chưa chạm đến sự dấn thân mà một tuyệt tác thơ ca nhất thiết phải có.

Đấy là chưa kể đến những yêu cầu khắt khe về thi pháp và sự tiệm cận những hơi thở triết học mang tính đương đại để một bài thơ trở thành một tác phẩm mang tính kinh điển và chuẩn mực.

Nhưng trên hết sức hấp dẫn của nhạc Trịnh không đến từ đỉnh cao âm nhạc hay thi ca mà đến từ một thế giới đặc biệt.

Nó như một thứ tín ngưỡng kì lạ mà ông đã tạo nên với một cảnh giới hoàn toàn khác biệt mà bất kì ai chạm vào sẽ trở thành một tín đồ dễ dàng tựa như hơi thở hay làn gió thoảng qua.

Trong cảnh giới của mình Trịnh tạo nên một thế giới tinh khiết vô thường và ngan ngát yêu thương. Nhiều người gọi đó là Cõi Trịnh.

Thậm chí có người gọi đó là Trịnh giáo, ở đó Người thi ca không phải là một vị giáo chủ quyền uy mà là một người đồng đạo.

Ở đó thay vì kinh kệ chỉ cần một giai điệu của ông vút lên đủ làm tất cả các tín đồ bỗng chốc lạc vào thế giới khác ngập tràn niềm yêu da diết.

Trong tín ngưỡng mà mình tạo ra, Trịnh phả vào tất cả sự vật, hiện tượng một dòng máu, một trái tim và một tình yêu bất diệt.

Đó không phải là thuyết vạn vật hữu linh, tất cả đều có một linh hồn mà thực sự đó là một thế giới vạn vật hữu tâm, tất cả đều có một trái tim, một tâm hồn.

Nếu coi đó là một tôn giáo thì đó không phải là một nhất thần giáo mà là một đa thần giáo, không phải một cội rễ tâm linh duy nhất mà là tổng hòa của muôn vàn tô tem, muôn vàn bái vật và hàng triệu tín ngưỡng hỗn mang.

Trong thế giới đó chỉ cần một chiếc cassett cũ, một cây guitar, một ly cafe hay một ngọn nến nhỏ là những tín đồ có thể hành lễ với một cõi riêng, một vị thần thân thuộc lẩn khuất ngay trong chính máu thịt mình.

Trong dòng chảy bất tận của cõi Trịnh không gian luôn rợp một màu mưa.

Từ tình khúc đầu tiên mang tên Ướt mi cho đến tình khúc cuối cùng Như một lời chia tay đều bàng bạc một màu mưa, dẫu có thể đôi lúc ông không trực tiếp nhắc đến mưa trong ca khúc của mình.

Với Trịnh Công Sơn, ngay từ Ướt mi ông đã vướng vào vòng kiềm tỏa của những cơn mưa vô thường làm hoen ướt những vùng tiếc nuối và vỗ về những nỗi đau trong những kiếp nạn đời người.

Vì thế Mưa trong thế giới của Trịnh không chỉ hiện diện như một hiện tượng tự nhiên mà nó chính là một nhân vật đặc biệt mang tính siêu nhiên, biết lắng nghe, biết san sẻ, biết đồng cảm và biết gợi lên niềm tiếc nuối cũng như xoa dịu những nỗi đau mất mát.

Với những tín đồ nhạc Trịnh thì Mưa chính là một Tô tem, một vật tổ luôn bừng thức trong mọi hơi thở cuộc sống, hiện diện trong mọi hoài niệm, mọi ước muốn, mọi cuộc tình và cả trong nỗi ám sợ chia li.

Có lẽ tôi nên dừng lạ ở đây. Với tôi và với nhiều người nữa, khi thực sự muốn thưởng thức âm nhạc họ sẽ tìm đến Mozart, Bach, Chopin hay Phạm Duy, Văn Cao, Ngô Thụy Miên…

Khi thực sự muốn thưởng thức thi ca họ sẽ tìm đến Dante, Apollinaire, Tagore hay Hoàng Cầm, Lê Đạt, Thanh Tâm Tuyền. Còn khi nào muốn phơi phóng, ve vuốt nỗi buồn họ sẽ tìm đến nhạc Trịnh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại