Nhạc sĩ Quốc Trung, diva Hồng Nhung, diva Mỹ Linh và “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng là 4 cái tên “khủng” đủ sức khiến người xem phải hào hứng đón đợi ngày cuộc thi mở màn phát sóng. Nhưng với những người yêu giọng hát Mỹ Linh, thì dù muốn dù không, vẫn thấp thỏm mong cho cô đừng “gặp hạn” trên chiếc ghế xoay.
Bởi thực tế đã chứng minh, tài năng và những “chiến tích” âm nhạc thôi chưa đủ, thậm chí yếu tố lợi thế ban đầu này có thể phần nào phản tác dụng nếu chủ nhân ghế nóng thiếu ít nhiều tài… nói.
Còn nhớ, ngày công bố dàn HLV The Voice 2012, Thu Minh và Trần Lập được “yên ổn” bởi “hồ sơ” âm nhạc thuyết phục, với tài năng chuyên môn không ai có thể phủ nhận và vị trí vững chắc trong làng nhạc Việt.
Trong khi đó, Hà Hồ và Đàm Vĩnh Hưng – dù có lượng fan hùng hậu – vẫn ngay lập tức hứng cả “rổ" ngờ vực. Báo giới và những ai không phải fan của hai cái tên này, cùng nháo nhào đặt câu hỏi: Hà Hồ và Mr.Đàm có đủ năng lực chuyên môn để huấn luyện thí sinh? Chẳng lẽ họ lại dạy thí sinh của một cuộc thi đề cao giọng hát những chiêu trò showbiz?
Ấy thế mà khi vào cuộc, Hà Hồ và Đàm lại thành “ngôi sao ghế xoay”. Những bàn tàn, nghi ngờ chuyên môn trước đó chẳng ai còn nhắc đến.
Kiều nữ khiến fan nức nở bởi nhan sắc và tài nói thượng thừa. Nàng nói vừa đủ, ngữ điệu biểu cảm và khi cần có thể “đá xoáy” không tiếc thương đối thủ. Còn Mr. Đàm, “ông hoàng” khiến công chúng phục lăn trước những màn câu kéo thí sinh có 1 không 2, những màn hài hước vui nhộn mà điển hình là pha giận hờn “ ối giời ơi, không bắt tay bắt chân gì hết ” trước quyết định về đội Hà Hồ của “hoàng tử” Bùi Anh Tuấn, thêm vào đó là những điểm dừng nhận xét khá vừa vặn.
Còn Trần Lập và Thu Minh? Nếu Thu Minh vẫn tạo dấu ấn, dù hứng không ít búa rìu bởi “cái tội” dông dài, đôi khi nói trên truyền hình khắt khe từng giây phát sóng mà nàng thể hiện như đọc tản văn, thì Trần Lập “lao dốc” bởi sự nhạt nhòa.
Công chúng yêu mến đợi chờ một Trần Lập máu lửa, đậm cá tính trên ghế giám khảo như trên sân khấu biểu diễn bao nhiêu thì lại thất vọng bấy nhiêu. Trần Lập “dụ” thí sinh bằng một cách đơn giản tới “phát hoảng”: “Hãy về với tôi. Tôi muốn có em”; Trần Lập nhận xét ngắn gọn, chung chung tới mức nhiều người thầm nghĩ, hay là anh bí từ?
Và cứ thế, Trần Lập cùng đội quân của mình chẳng mấy ấn tượng trong lòng khán giả. Có chăng là những thất vọng và chỉ trích tới nghiệt ngã, chỉ bởi từng quá kỳ vọng mà thôi.
Mỹ Linh có thể sẽ không nhạt như Trần Lập và cũng chẳng dông dài như Thu Minh. Nhưng giống như Trần Lập, Mỹ Linh chưa bao giờ là ngôi sao nổi bật bởi tài nói. Bằng chứng rõ ràng nhất, trong cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn năm 2006, bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, Mỹ Linh cũng vấp phải không ít chỉ trích bởi những nhận xét thẳng, ngắn tới khó nghe hoặc thậm chí khiến thí sinh bẽ bàng.
Trong “Gương mặt thân quen”, cô nhận nhiều hơn lời khen ngợi ở vị trí giám khảo, nhưng hãy nhớ, tính chất hai chương trình hoàn toàn khác biệt.
“Gương mặt thân quen” không đặt nặng tính cạnh tranh gay gắt về thứ hạng giữa các thí sinh, thay vào đó, các thí sinh cùng nhau nỗ lực thực hiện bài thi của mình bằng tinh thần như một đại gia đình và nhằm cống hiến cho khán giả những phút giây giải trí vui vẻ, hấp dẫn. Vì thế, áp lực trên ghế nóng ở mức rất nhẹ nhàng, khác hẳn Giọng hát Việt khi vai trò của từng HLV sẽ góp phần tối quan trọng vào sự thành bại của từng thí sinh.
Và trong một cuộc thi mà giám khảo cũng là “thí sinh” trước công chúng như The Voice, khi Mỹ Linh phải “đấu” với một Hồng Nhung nổi tiếng khéo léo bậc nhất showbiz; một Quốc Trung đã dạn dày kinh nghiệm trong một cuộc thi âm nhạc không kém phần khốc liệt như Vietnam Idol, một Đàm Vĩnh Hưng thừa chiêu trò và thủ sẵn nhiều kinh nghiệm từ ghế nóng mùa đầu tiên, rất có thể Mỹ Linh sẽ trở thành “tâm điểm chú ý”...
Nhưng trước khi “đại chiến” khai màn, tất cả những gì người hâm mộ có thể làm cho diva của mình là đợi chờ và mong Mỹ Linh không “gặp hạn” trên chiếc ghế xoay quyền lực nhưng cũng lắm "búa rìu" mà thôi.