Tôi có nên sống lý trí, lạnh lùng hơn?
Cuộc sống của chị có bị đảo lộn nhiều không khi “gạch đá” dư luận cứ ném ào ào sau vụ chị tranh luận với đạo diễn Lê Hoàng, rồi bây giờ là chê ca sỹ Đan Trường?
- Những thứ đó không thể nào khiến cuộc sống của tôi đảo lộn được bởi cuộc sống riêng của tôi hoàn toàn cô lập với công việc. Thậm chí, mẹ tôi còn gọi điện nói với tôi rằng, xem trên tivi thấy khác, đọc báo mạng lại thấy khác nên người ta có phản ứng như vậy mình cũng chẳng có gì đáng phải buồn. Đấy, tôi còn chưa kịp buồn thì mẹ tôi đã nói như vậy rồi. Tuy nhiên, nếu nói mình không quan tâm, không để ý đến những gì mọi người nói thì không đúng. Người ta thường chọn cách nói đó để mình được bình an hơn, còn thú thật, trong tôi có một sự xáo trộn lớn.
Thực ra, trong chương trình “Bài hát yêu thích tháng 10”, tôi có nói với đạo diễn Việt Tú đừng để tôi ngồi ở hàng ghế khách mời như đại biểu dự hội nghị. Tôi muốn đi từ hàng ghế khán giả lên để truyền tải một thông điệp, tôi là một khán giả. Trong quãng thời gian ngồi ở hàng ghế khán giả, tôi đã nghe được rất nhiều điều và tôi cảm thấy buồn. Tôi thấy rằng, những điều mình đã chuẩn bị và định nói trong đêm hôm đó đã hoàn toàn vô ích. Không phải người ta chê bai ca sỹ hay nói xấu gì mình mà tôi thấy họ quá thiệt thòi và tội nghiệp. Tuy nhiên, đã nhận việc thì tôi sẽ làm “tròn vai”.
Ở Hà Nội, không có nhiều sân khấu ca nhạc sáng đèn hàng đêm như TPHCM nên người Hà Nội xem và nghe âm nhạc trong tâm thế rất thụ động. Đó không phải là tâm thế của người thưởng thức, nhấm nháp... mà vì họ không được “ăn” thường xuyên nên họ có thể “ăn” bất cứ thứ gì được bày ra trên sân khấu đó. Lúc đó, tôi đặt ra câu hỏi: “Liệu họ có cần nghe những điều mình nói hay không?”. Và tôi cũng đặt luôn câu hỏi cho các nhà sản xuất: “Tại sao mỗi năm anh phát hành hàng loạt album, chương trình ca nhạc, nhạc chuông nhạc chờ... mà khán giả vẫn luôn trong tình trạng bị “đói” âm nhạc? Họ sẵn sàng “ăn” bất cứ thứ gì nhà sản xuất bày ra trên sân khấu?”. Việc bình luận, phân tích, nhận xét, đánh giá... chỉ xuất hiện ở những thị trường âm nhạc văn minh hơn chứ không phải ở thị trường âm nhạc này. Vì thực tế, theo đúng quy luật, khi anh đói anh phải được ăn no, ăn no rồi anh mới nói tới chuyện món ngon món dở, món đẹp món xấu.
Sau “cơn bão gạch đá” lần này, tôi cứ tự hỏi, không biết mình bước qua câu chuyện này bằng một tâm thế như thế nào? Lý trí hơn, khôn ngoan hơn, biết quan tâm hơn, biết yêu thương hơn... hay tôi vẫn như cũ? Tôi có nên yêu họ hơn không khi họ là những người đang ở ngoài kia, đang ngồi phân tích bình luận về cái mũ bảo hiểm màu đỏ, về ngoại hình, về thần kinh, về học vấn, về trình độ thưởng thức âm nhạc và thậm chí còn trù cho tôi ra đường bị xe tông chết? Tôi có nên phơi hết “ruột gan lòng mề” của tôi ra như thế nữa không? Có nên chăng đã đến lúc tôi cần phải sống lý trí hơn, lạnh lùng hơn? Đó là một bi kịch lớn của tôi.
Không ngạc nhiên trước phản ứng của Hoàng Tuấn
Người ta nói, chẳng ai hiểu mình bằng chính mình. Với cá tính của chị, chị nghĩ mình sẽ nghiêng về hướng nào?
- Tôi vốn dĩ không phải người chung thủy với đam mê của mình. Bằng chứng là khi tôi cảm thấy mình sắp sửa thành công ở một lĩnh vực nào đó thì tôi sẽ bỏ nó để chạy theo một “người tình” mới. Giống như kiểu tôi yêu một người đàn ông nhưng khi cảm giác tình yêu sâu nặng rồi và sắp cưới nhau tới nơi rồi thì tôi sẽ chủ động bỏ đi tìm người khác.
Tôi đã từng nhìn đám đông với góc độ thân chủ khi tôi làm luật sư, với góc độ cổ động viên khi tôi làm vận động viên, với góc độ độc giả khi tôi làm báo và với góc độ khán giả khi tôi làm khách mời hoặc MC. Bây giờ tôi buộc lòng phải nhìn đám đông dưới một góc độ khác để tôi có thể tiếp tục yêu mến họ. Người ta chỉ trích tôi là người tâm thần, không bình thường... nhưng xin thưa với quý vị làm người tâm thần, sống mất cân bằng, cảm tính, bản năng... rất vui. Nó không khổ như những người bình thường đâu.
Chị có nghĩ rằng, khi sắm vai là người không chung thủy thì chị sẽ phản bội tình yêu của rất nhiều người dành cho chị?
- Tôi biết, ở ngoài kia, bên cạnh những người “ném đá” tới tấp vào tôi thì cũng có những người đồng cảm với tôi. Nhưng tình yêu đó không phải dành cho cá nhân cô Trác Thúy Miêu. Sau vụ này, có người ghét tôi, có người yêu tôi... nhưng cũng còn biết bao nhiêu người đang im lặng cơ mà. Tôi không bao giờ comment trên báo mạng và tôi tin những người đồng cảm với tôi cũng không bao giờ làm việc đó. Đó là những người sau khi xem tôi trên truyền hình, họ ủng hộ hay không, họ có tư duy giống tôi không... và họ sẽ thể hiện bằng lối tư duy độc lập. Sự thể hiện của tư duy độc lập, đó là không cần phải lên tiếng theo đám đông. Im lặng, đó là sự đồng cảm với tôi, bất kể là đồng cảm về tư duy độc lập hay những bình luận của tôi trên sóng truyền hình. Những người có khả tư duy độc lập không cần những người tiên phong cầm cờ cho họ theo. Nếu tôi rời bỏ bất kỳ một lĩnh vực nào đó, họ sẽ mặc nhiên như tôi chưa từng tồn tại. Cho nên, tôi không bao giờ làm bài toán tính xem bao nhiêu người yêu, bao nhiêu người ghét mình.
Vậy chị nghĩ gì trước những phản ứng của ông bầu Hoàng Tuấn?
- Tôi chưa có cơ hội quen biết anh Hoàng Tuấn với tư cách cá nhân. Và thường những người chưa quen biết nhau thì người ta thường hay nhìn nhau qua sản phẩm để hiểu về người kia như thế nào. Từ khi tiếp xúc với những sản phẩm của anh Hoàng Tuấn, tôi thấy anh ấy là một người quản lý giỏi, mát tay. Mát tay đến độ đôi khi anh pha trộn cá nhân tính vào đời tư và dịch vụ thuần túy mà không nhận ra. Điều này rất dễ nhận ra khi xem những sản phẩm hay thân chủ của anh. Thế nên, tôi không ngạc nhiên khi Hoàng Tuấn phản ứng trước một khủng hoảng đầy dấu ấn cá nhân như thế. Anh ấy đang hành xử đúng theo cơ chế tự nhiên. Nghĩa là tính nhất quán của Hoàng Tuấn trong công việc và đời tư rất cao.
Tôi biết, Hoàng Tuấn đã chuẩn bị như thế nào cho tiết mục này. Anh ấy đi in từng tờ rơi để phát cho các fan thông báo tiết mục này sẽ diễn ra trong chương trình nào, trên kênh nào, bình chọn ra sao... Với sự chuẩn bị như thế, anh ấy sẽ không thể nào chấp nhận được việc tiết mục này bị chê. Tôi không đọc báo nhưng anh Hoàng Tuấn nói: “Tôi là ai mà đi chê Đan Trường” thì tôi thấy kỳ quá. Anh nói thế khác nào bảo Đan Trường ra đứng bên kệ sách rồi bảo với khách hàng: “Ê, em là ai mà em không mua đĩa Đan Trường”. Tôi đồ rằng, anh Hoàng Tuấn nói câu đó không phải với tư cách nhà quản lý mà là với tư cách khán giả ái mộ Đan Trường. Điều này càng khiến tôi quý trọng Hoàng Tuấn bởi anh ấy yêu cái điều mình đang làm, yêu âm nhạc của Đan Trường lắm lắm. Tôi chúc mừng Đan Trường về điều đó. Tôi chỉ mong anh Hoàng Tuấn bớt cá nhân tính đi, máu lạnh hơn... anh sẽ là nhà quản lý hoàn hảo.
Cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện này!