Lê Thiết Cương: Văn Mai Hương mới có tý tên tuổi còm!

Tấn Lâm |

(Soha.vn) - Họa sỹ Lê Thiết Cương vui vẻ xưng 'chú - mày' với Văn Mai Hương.

Chiều 25/3, họa sỹ Lê Thiết Cương chính thức giới thiệu dự án video art “Về một…” tới công chúng yêu nghệ thuật.

Với phần âm nhạc ca khúc “Giấc mơ thức tỉnh” - do Văn Mai Hương trình bày, “Về một…” mang thông điệp lớn về nỗi cô đơn và cuộc trở về với chính mình của mỗi con người…

Lê Thiết Cương chia sẻ, nếu chỉ nghe ca khúc "Giấc mơ thức tỉnh" do Văn Mai Hương thể hiện thì đơn giản người ta sẽ nghĩ ngay tới chuyện yêu đương, cô đơn, đỏ vỡ và điều đó không khiến cho anh hứng thú.

Hình ảnh Văn Mai Hương trong video art Về một

Hình ảnh Văn Mai Hương trong video art 'Về một'

Do đó, anh quyết định triển khai ca khúc thành một video art độc lập, với nội dung nói về nỗi cô đơn của con người. Cô đơn không phải là nỗi tuyệt vọng, mà biến nó thành động lực sáng tạo. Video art mở ra một cánh cửa khác để khán giả tiếp cận tác phẩm, với không gian khác lạ hơn.

Video art "Về một" xoay quanh bối cảnh chính là một góc lối đi và đường ray tàu. Các hình ảnh này được lặp lại nhiều lần trong suốt bài hát 'Giấc mơ thức tỉnh'. Theo lời giải thích của Lê Thiết Cương, việc lặp lại có chủ ý nhấn mạnh sự 'trở về với chính mình', 'ra đi là để trở về'.

 

Lê Thiết Cương cho rằng, video art là một cuộc vượt thoát khỏi những rào cản hữu hạn của các thể loại hình ảnh để có thể hòa trộn đan xen nhiều thủ pháp của kỹ thuật điện ảnh, ánh sáng, montage hình ảnh... để tạo ra những trải nghiệm mới hơn. Theo đó, phần hình ảnh ở video art “Về một…” không chạy theo lời hát, mà lặp lại nhiều lần một cách có chủ đích.

Tại buổi giới thiệu dự án, Lê Thiết Cương xưng 'chú - mày' với Văn Mai Hương rất tự nhiên và gần gũi. Thậm chí, đôi lúc anh còn trêu nữ ca sỹ: 'Mày thấy làm với chú có khổ không? Có thấy sướng không? Trong suốt thời gian đi quay, chú chỉ thấy mày ngoan ngoãn nghe theo đến mức khó chịu. Làm nghệ thuật phải có đứa dám chống lại mới vui. Đôi lúc còn phải điên nữa cơ!".

Trong lúc cao hứng, Lê Thiết Cương không ngần ngại chia sẻ: Tôi và Văn Mai Hương đi uống nước - thực tế là tôi uống bia, nó (Văn Mai Hương - PV) uống nước lọc, tôi bảo thẳng nó là, mày may mắn trong nghề ca hát, nhưng mới chỉ có một tý tên tuổi còm thôi, còn phải học hỏi rất nhiều.

Làm bất cứ nghề gì, may mắn là một chuyện, nhưng sẽ thật sự vô nghĩa nếu không có tri thức. Không đứa ngu nào có thể làm nghệ thuật lâu bền được. Đến một lúc nào đó, người ta không chỉ hát bằng cổ họng, bằng hoa tay được.

Văn Mai Hương và họa sĩ Lê Thiết Cương.

Văn Mai Hương và họa sỹ Lê Thiết Cương.

Nói về cơ hội làm việc với họa sỹ Lê Thiết Cương, Văn Mai Hương tỏ ra phấn khởi và vui sướng. Cô khẳng định, cô rất biết ơn sự hội ngộ này, vì không chỉ làm việc, cô còn hiểu thêm được quan niệm sống, làm nghề của một nghệ sỹ nổi tiếng đi trước.

"Tôi nhớ và rất tâm đắc những lời dạy của chú Lê Thiết Cương, đó là muốn thành công ngoài năng khiếu ra thì người nghệ sỹ cần phải dấn thân, khổ luyện và phải sống. Phải sống thật, hạnh phúc thật, đau đớn thật thì mới mong tác phẩm của mình đọng lại trong tim người khác".

"Không có nghệ sỹ tài hoa nào lại dốt nát cả, muốn đi đường dài với nghề thì phải có tri thức, phải học. Tôi coi đó là bài học quý giá về nghề nghiệp và cách sống”…

1. Video art là gì?

Có họ hàng với điện ảnh, truyền hình, nhưng chắc chắn từng tác phẩm Video art không phải là những phóng sự, hay thậm chí là một thể nghiệm phim ngắn (mặc dù, Video art cũng có thể sử dụng đan xen nhiều thủ pháp của kỹ thuật điện ảnh, ánh sáng, montage hình ảnh... để tạo hình). Và trong quá trình thử nghiệm bước đầu với Video art, nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam đã đồng nhất ngôn ngữ phóng sự tài liệu truyền hình với một cấu trúc độc lập của Video art.

Nghệ sĩ Chang Tsong Sung (Trung Quốc) cho rằng Video art là “bất cứ cái gì dùng đến một cái máy quay video”. Còn Micael Norberg (Thụy Điển) trong dịp đến Việt Nam tháng 1-2003 làm giảng viên thỉnh giảng về Video art tại Trường ĐHMT Hà Nội đã có ý kiến: “...Video art chẳng có gì là quá cao siêu và khó hiểu... Không có một giới hạn nào (sự khác nhau giữa Video art và những thể loại phim khác), theo tôi bất cứ là một thể loại phim nào mà đem lại cho người xem một ý tưởng, ấn tượng hoặc tình cảm, thì đều có tính nghệ thuật. Video art (nghệ thuật thu và phát hình ảnh động) là một phạm trù rất rộng và chỉ khác các thể loại phim truyện hay phim tài liệu, quảng cáo... là không mang tính thị trường, không có giá trị thương mại. Điều quan trọng nhất của các bộ phim này là câu hỏi: Vậy những gì thể hiện trong phim có phải là thế giới chúng ta đang sống hay không? Có nghĩa, một Video art cần mang một giá trị nhân văn cao, mang tính con người. Tôi quan niệm là ta không cần một định nghĩa Video art là gì quá rõ ràng. Nếu một bộ phim không đem lại cho ta một giá trị nào về tính nhân văn, thì nó cũng là một tác phẩm tồi mà thôi...” (Thể thao văn hoá số 29, 9 - 4 - 2004).

Trong thời điểm cuối thập niên 1960 thời kỳ truyền hình thương mại hoá đã ảnh hưởng mạnh đến từng gia đình, và lối sống xã hội Mỹ, Video art ra đời xuất phát từ hai khả năng: một là ghi lại các hoạt động, sự kiện chính trị xã hội với dạng thông  tin thời sự đặc biệt... thứ hai là truyền hình nghệ thuật. Có ý kiến cho rằng cuốn băng của nghệ sĩ Nam June Paik cùng các bạn quay được hoạt động của Giáo hoàng tại New York năm 1965 đánh dấu sự ra đời của Video art.

Mặc dù được xem là nghệ thuật có tính phi thương mại, tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đã có những tác phẩm Video art được Bảo tàng Mỹ thuật mua bản quyền, lưu giữ. Video art đã trải qua nhiều thể loại ở những thời kỳ khác nhau trong đó nổi lên tên tuổi một số nghệ sĩ như Nam June Paik, vợ chồng nghệ sĩ Vasulka, Johan Jonas, David Goldenberg...

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại