Được trở thành Hoa hậu có lẽ là ước mơ của hàng triệu cô gái trẻ. Nhắc tới danh xưng Hoa hậu người ta sẽ nghĩ ngay tới danh vọng, xinh đẹp, sự nổi tiếng và giàu có.
Nếu như làm Hoa hậu có thể được tính là một nghề, đó có lẽ sẽ là nghề được nhiều người ao ước nhất.
Trước đây, để ví von với độ sung sướng, người ta hay có câu: "Sướng như vua". Tuy nhiên, thời nay người ta lại dùng câu: "Sướng như Hoa hậu" để so sánh sự sung sướng trên cuộc đời này.
Hoa hậu Thu Thảo.
Sau đêm đăng quang, bạn từ cô gái không ai biết đến bỗng trở thành nữ hoàng nhan sắc đi tới đâu cũng được báo chí săn đón. Trước đó bạn ăn gì, đi đâu chẳng ai để tâm thì bây giờ bạn lên xe, xuống phố đều có người để ý, tò mò.
Đặc biệt, sự xuất hiện của bạn ở bất kỳ nơi đâu cũng đều có thể mang lại cho bạn thu nhập cao chót vót.
Vậy Hoa hậu có sướng thật không?
Hay tất cả những hào quang đó chỉ là câu chuyện bề nổi trong giấc mơ của hàng triệu cô bé.
"Ai muốn đeo vương miện, hãy chịu được sức nặng của nó"
Với cộng đồng fan của bộ phim Hàn Quốc đình đám The Heirs (Người thừa kế), chắc chắn không ai không biết đến slogan "bất hủ": Ai muốn đeo vương miện, hãy chịu được sức nặng của nó.
Và với chiếc vương miện của Hoa hậu cũng vậy.
Khi chiếc vương miện được đặt lên đầu một cô gái, nó không đơn giản là một thứ trang sức đắt tiền có gắn kim cương, nó còn gắn vào đó biết kỳ vọng của công chúng và dư luận.
Khi bạn đang hạnh phúc với ngôi vị cao nhất cũng là lúc bạn phải đối mặt với một cuộc sống trách nhiệm hơn để bảo vệ những gì thuộc về mình trước vô vàn ánh mắt soi mói của dư luận xung quanh.
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền.
Là Hoa hậu, bạn phải đẹp hoàn hảo từ trong nhà đến ngoài xã hội. Rồi từ lời nói, dáng đi, điệu cười đến hành động bạn phải biết phân biệt đâu là sự nổi tiếng và đâu là tai tiếng.
Lẽ thường, những cô gái trở thành Hoa hậu Việt Nam thường ở trong độ tuổi 18-22 tuổi. Đây được xem là độ tuổi son sắc và rạng rỡ nhất của đời con gái. Nhưng đây cũng là độ tuổi còn nhiều non nớt và bỡ ngỡ với cuộc đời.
Người ta có thể dạy Hoa hậu cách đi trên sàn diễn, dạy Hoa hậu cách cười xinh nhưng không ai có thể dậy họ cách để trở thành đại diện sắc đẹp cho một đất nước. Tất cả đều cần thời gian để trau dồi, rèn luyện và người thầy tốt nhất không ai khác là chính bạn.
Hàng ngày, một cô gái bình thường sẽ mệt nhoài với những câu chuyện trách nhiệm từ gia đình tới công việc, từ chuyện kỳ vọng của cha mẹ, người thân.
Còn họ, khi đội lên trên đầu vương miện đầy danh giá đồng nghĩa với việc họ nhận ánh nhìn, sự kỳ vọng, chờ đợi, mong ngóng của hàng triệu người.
Khi trở thành Hoa hậu, "quà tặng đính kèm" cho những giai nhân này chính là 2 chữ: Thị phi.
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Hàng ngày, hàng giờ, Hoa hậu phải đối diện với những sự soi mói, tò mò. Và bắt buộc 1 điều họ phải đánh đổi bằng chính sự tự do và cái tôi của bản thân.
Nhìn lại chặng đường từ lúc đăng quang cho đến thời điểm hiện tại của Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên, khán giả có thể thấy con đường này không hề yên ả chút nào.
“Bão” dư luận vẫn râm ran từ lúc ấy cho đến tận bây giờ, đeo đuổi cô Hoa hậu 19 tuổi không một lúc nào nguôi.
Kỳ Duyên từng bị tố “làm màu” khi đăng tấm ảnh mình cầm những trái dưa hấu và kêu gọi mọi người ủng hộ những người bán dưa, mà theo dư luận là Kỳ Duyên mang theo cả ekip chụp hình và chỉ đến một lúc rồi đi.
Gần đây nhất, tấm hình Kỳ Duyên nhặt rác trên bãi biển Cát Bà lại làm dấy lên luồng dư luận cho rằng Kỳ Duyên “dàn dựng” để đánh bóng tên tuổi.
Đấy, chỉ tính sơ sơ thế thôi cũng thấy rằng ắt hẳn Kỳ Duyên phải mạnh mẽ đến chừng nào mới đủ sức vượt qua những thị phi từ chiếc vương miện mà em đang mang theo.
Trăm ngàn nỗi khổ vì danh xưng Hoa hậu
Hoa hậu Ngọc Hân.
Theo Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân, làm Hoa hậu đồng nghĩa với việc bạn phải đối diện với vô vàn cạm bẫy và thử thách:
“Nếu bạn gái trẻ nào đó đăng quang, không đủ kinh nghiệm và không có người hướng dẫn để đi đúng đường, đúng lối thì danh vị ấy có thể làm hại bản thân cô gái đó”.
Kể từ khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ra đời đã có rất nhiều giai nhân lần lượt đội lên đầu chiếc vương miện danh giá. Tuy nhiên, rất nhiều giai nhân đã để lại tiếng xấu cho đời.
Đã có không ít Hoa hậu gặp phải trái đắng khi không vượt qua được những cạm bẫy của cuộc đời. Điều này chẳng có gì là xa lạ khi những năm gần đây có không ít các Hoa hậu dính vào lòng lao lý.
Nói chẳng xa xôi, cách đây 2 năm, dư luận chấn động vì biết tin 1 cô Hoa hậu phải lĩnh án 30 tháng tù giam vì môi giới bán dâm. Gần đây nhất một Hoa hậu cũng bị bắt giam để điều tra vì hành vi lừa đảo.
Người ta thường nói, gieo tính cách gặt số phận. Đó là cái giá phải trả cho những hành vi vi phạm pháp luật của những người đẹp từng được vinh danh.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng cuộc sống hào quang đầy mộng tưởng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người đẹp sa ngã.
Hầu hết các thí sinh hiện nay đi thi, khi độ tuổi xấp xỉ 20, và chưa có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, bản lĩnh và cả học thức, nên dễ bị sa ngã, cám dỗ trước rất nhiều lời mời mọc của các đại gia, hay chìm đắm trong vật chất xa hoa phù phiếm.
Giá như họ vẫn mãi là những cô gái bình thường bên gia đình bạn bè thì biết đâu...
Người xưa có câu: "Mỹ nhân tự cổ như danh tướng, Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu". Câu thơ cổ có nhiều cách hiểu, nhưng được xem chuẩn nhất có lẽ là mỹ nhân cũng giống như danh tướng, không thể hứa hẹn với người đời đến khi đầu bạc.
Điều này cũng tương tự với câu nói "hồng nhan bạc phận".
Nhan sắc vốn là một thứ quyền lực khó cưỡng. Tuy nhiên, thứ nhan sắc ấy lại không phải là "bảo chứng" cho sự hạnh phúc.
Hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm.
Nếu làm một phép tính nho nhỏ thì có thể dễ dàng nhìn thấy rằng hơn nửa số Hoa hậu Việt đều không có đường tình duyên yên ấm, hạnh phúc. Người chưa lấy chồng thì vướng loạt scandal "cặp kè" đại gia hay là kẻ thứ 3.
Người lập gia đình rồi thì hôn nhân không hạnh phúc, li dị hoặc chồng vướng vào lao lý. Quả như ông cha ta từng nói "trời xanh" hay ghen ghét với "má hồng".
Sự cay nghiệt của lòng người
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sau đêm chung kết, Hoa hậu thường trở thành "mồi ngon" để dư luận "chế biến".
Trên thực tế, điều này về bản chất không có gì quá xấu xa. Bởi khi dư luận còn quan tâm thì họ mới mổ xẻ, phân tích, bình luận.
Tuy nhiên, khi để sự mổ xe ấy trở thành "ác ý" thì câu chuyện lại không còn đẹp nữa.
Mai Phương Thúy
Dư luận có một thói quen với Hoa hậu, đó là chuẩn bị sẵn “đá” để ném, chưa biết dở tốt, đẹp xấu ra sao. Nếu Hoa hậu xinh thì chắc chắn họ phải tìm cách để chỉ ra điểm nhạt nhẽo, học thức thấp hay có đại gia chống lưng.
Nếu Hoa hậu hơi đuối về nhan sắc thì tất nhiên họ sẽ bị lôi vào hàng tá tiêu chuẩn sắp đẹp để cân đo đong đếm.
Nếu Hoa hậu khóc lóc hay vui mừng lúc đăng quang thì y như rằng bị cho rằng giả tạo, làm màu. Còn nếu cô ấy quá bình tĩnh, mỉm cười nhè nhẹ thì chắc chắn rằng sẽ bị quy vào "tội danh" đã biết trước kết quả.
Tính đến thời điểm hiện tại có lẽ Hoa hậu nhận phải sự cay nghiệt của dư luận nhiều nhất chính là cô gái sinh năm 1996 - Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Ngay sau ngày đăng quang em đã trở thành đối tượng để dư luận bình luận thậm chí cay nghiệt hơn là chỉ trích.
Người ta nói rằng, để trở thành Hoa hậu bạn phải tự đánh mất đi sự tự do và đánh đổi rất nhiều thứ.
Điều này không sai nhưng hãy nhìn xem: bảng điểm, khả năng ngoại ngữ, giọng hát, thời trang, bước đi và thậm chí đến cả giấc ngủ, liệu còn điều gì em không bị soi mói?
Nhiều người lập tức dùng vạn lời cay nghiệt để chỉ trích em vì mặt đơ lúc đăng quang, vì để mẹ đẩy vali khi đi ra sân bay, vì cười không được đẹp để. Liệu có ai nhớ rằng Kỳ Duyên chỉ vừa mới đăng quang khi tròn 18 tuổi, cái độ tuổi mà mọi thứ vẫn vô cùng mới mẻ và lạ lẫm với em.
Với những góp ý chân thành, Kỳ Duyên sẽ được nhận những bài học đáng giá trong cuộc sống để hoàn thiện mình. Tuy nhiên, trong số đó có không ít những chỉ trích cay nghiệt không hề thiện chí.
Thực tế một điều rằng hiện nay rất nhiều người trẻ đang sống bằng trái tim khuyết tật yêu thương.
Suy cho cùng, làm Hoa hậu Việt Nam đâu có sướng!