Tôi nghe nhiều người nói về thế giới bên kia với những lời đồn thổi rất đáng sợ. Người sang đó phải chịu đựng điều gì, chẳng ai rõ nhưng người ở lại chắc chắn phải đối mặt với không ít đắng cay.
Một người bạn của Trần Lập kể, trong những ngày cuối đời, một lần anh đã bật khóc như đứa trẻ khi thấy bạn bè và các bác sĩ nói chuyện với nhau bên giường bệnh.
Có lẽ trong đầu người thủ lĩnh kiên cường đã mường tượng ra những điều không lấy gì làm tốt đẹp và anh thấy mình vẫn chưa đủ sự chuẩn bị cho chuyến đi dài và xa nhất của cuộc đời.
Khoảnh khắc ấy cho tới bây giờ vẫn khiến người chứng kiến bị ám ảnh. Mọi thứ bỗng trở nên thừa thãi, tất cả nhường chỗ cho sự bất lực.
Dù chẳng muốn nhưng họ phải nhìn thấy cảnh người chồng, người bạn của mình mòn mỏi, xa rời sự sống từng ngày mà chẳng thể nào níu giữ.
Là người lạc quan đến đâu, họ cũng chỉ muốn được hét lên, được chửi mắng vào sự sắp đặt của số phận, vào tiếng gọi của ông trời.
Hôm nay, ngày 23.3, gia đình, bạn bè, người hâm mộ tiễn anh một đoạn đường về thế giới bên kia. Với nhiều người, Trần Lập là một phần của tuổi trẻ, của những hoài bão hừng hực cháy.
Còn với chị Hoa và hai đứa con thơ, anh là chỗ dựa vững chắc nhất.
Thế nhưng nơi anh đứng bây giờ chỉ còn là một khoảng, trống hơ, trống hoác. 1 năm, 2 năm hay thậm chí cả đời này, sự ra đi của anh sẽ vẫn là nỗi đau họ không muốn chấp nhận nhưng phải học cách quen.
Chuyện của Trần Lập khiến tôi nhớ đến một Wanbi Tuấn Anh, một Duy Nhân, một Ali Hùng Cường... Họ đều là những người đã qua đời lúc còn quá trẻ, khi những đam mê và ước vọng về một tương lai hạnh phúc đang được dệt nên từng ngày.
Sự ra đi ấy để lại những ngỡ ngàng, hụt hẫng, tiếc nuối và đớn đau. Ngần ấy cảm giác tệ hại sẽ theo chân người ở lại, khiến họ ám ảnh suốt đời.
Giọt nước mắt sẽ rơi khi mâm cơm dọn ra phải bớt đi một đôi đũa, một cái chén, chiếc giường ấy không còn người nằm từng ngày, góc nhà quen không còn ai lúi húi.
Những ngày kỷ niệm không còn trọn vẹn bởi thiếu vắng hình bóng một người. Từng mảng ký ức sẽ là một cuốn phim quay chậm, xuất hiện lần lượt để giày vò tâm can người ở lại.
Tôi đã từng thấy cảnh cô của mình khóc ngất bên linh cửu của bà cố rồi cố gắng nhoài người xuống huyệt đạo khi từng xẻng đất được đổ lên nắp hòm, khoảnh khắc ấy thật đáng sợ, thật đau.
Ai từng mất đi người mình thương yêu sẽ hiểu cảm giác tự cho phép mình phủ nhận thực tế, huyễn hoặc bản thân tin rằng, tất cả chỉ là một cơn ác mộng, đáng sợ đó nhưng rồi sẽ kết thúc.
Để rồi sau đó lại nhận ra: sự thật quá... phũ phàng và cay nghiệt.
Đến bây giờ, tôi thấy những người yêu mến Trần Lập hay Wanbi Tuấn Anh vẫn chia sẻ lại những bức ảnh cũ, những ca khúc gắn liền với tên tuổi của thần tượng bằng thứ cảm xúc khó lý giải, ngờ vực và chịu đựng.
Nhanh quá, mọi thứ đến và đi như một cơn gió. Chính sự vô thường của cuộc sống khiến con người ta bị choáng váng và sợ hãi. Hạnh phúc đến một cách chóng vánh còn nỗi đau thì tồn tại thiên thu.
“Cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn”, câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rơi vào những lúc thế này mới thấy thấm.
Chúng ta không thể biết mai là một ngày như thế nào và điều gì đang chờ đón bản thân ở phía trước. Chúng ta có thể quyết định mua một cái bánh mì hay một gói xôi nhưng chẳng thể quyết định sự sống của chính bản thân mình.
Có những lỗi lầm chỉ cần một cái ôm cũng có thể sữa chữa được nhưng có những điều sẽ để lại nỗi đau suốt một đời.
Cuộc đời này có thể dài, cũng có thể ngắn, không biết đâu chừng một giấc ngủ vùi sẽ thay ta nói lời tạm biệt tất cả. Chẳng ai biết mình sẽ ở lại hay... ra đi.
Khoảnh cách giữa sự sống và cái chết đã mong manh đến vậy thì khi còn có thể đưa ra quyết định, hãy sống tử tế và trao yêu thương cho người xứng đáng được yêu.