-Thưa đạo diễn Khải Hưng, được biết ông đang thực hiện một bộ phim truyền hình một tập về đề tài đồng tính, tại sao ông lại lựa chọn đề tài nhạy cảm này để làm phim?
Tôi chọn đề tài này vì không ai cũng hiểu đúng về đồng tính và bây giờ có nhiều người đang chọn mình là đồng tính như một cái “mốt “.
Các anh chị nhảy múa, ca hát trên sân khấu bây giờ nhiều người cứ trắng nhợt, bóng nhẫy. Đồng tính không phải là bệnh lý, nhưng cũng không nên là trào lưu .
- Ông lấy chất liệu ở đâu để thực hiện bộ phim về những uẩn khúc của thế giới thứ 3?
Trong một lần đi làm phim, tôi được gặp một cô gái Sài Gòn, ăn nói dễ thương, cô là ca sỹ.
Khi nói chuyện với cô ta, cô thừa nhận là cô nguyên gốc là nam giới, tôi nghe những tâm sự đầy uẩn khúc của cô ta và bắt đầu chú ý đến thế giới thứ 3 này.
Và khi đã biết đến nó, để ý đến nó tôi thấy số người đặc biệt này càng ngày càng đông (có cả người thật và cả hàng nhái nữa).
Một cô sinh viên, học trò cũ gửi cho tôi tập truyện cô viết.Tôi thích truyện này, hai thầy trò trao đổi sửa chữa đã hình thành “Tái sinh “, kịch bản mà tôi đang thực hiện.
Thích sự mới lạ trong nghệ thuật
- Lựa chọn đề tài nhạy cảm, đánh trúng tâm lý thị trường nhưng thời gian gần đây không ít phim làm về đề tài này bị cộng đồng thế giới thứ 3 lên án, tẩy chay.
Ông sẽ mang đến cho khán giả cái nhìn thế nào về người đồng tính thông qua bộ phim mà ông đang thực hiện?
Tôi có nghe, đọc thấy đây là đề tài người ta đã làm, cả thế giới và Việt Nam.
Tôi chưa xem phim này, tôi có cách nhìn riêng của tôi về đồng tính, tôi không bị ảnh hưởng bởi ai vì tôi làm phim bằng cảm xúc, mà xúc cảm của mỗi người đều khác nhau.
Tôi khai thác một người bình thường đang cố gắng chống lại quyền lực đồng tính, bằng tình yêu của mình.
Tôi cũng không hiểu đã ai làm chưa, nhưng tôi thích kịch bản này. Tuy vậy từ kịch bản hay đến một bộ phim hay là cả một quá trình chông gai, ”nói trước, sợ bước không qua”.
- Trong một bài trả lời phỏng vấn, ông cho rằng phim thị trường thì làm theo kiểu a dua, phim đặt hàng thì ăn bớt, ông có thể lý giải rõ ràng vấn đề a dua và ăn bớt ở hai kiểu làm phim này?
- Phim thị trường (cái tên được đặt trong vài năm gần đây), ai đó có thể coi thường loại phim này, nhưng tôi thì coi trọng vì có nó mới thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà trở thành công nghiệp làm phim.
Đã là thị trường là phải cạnh tranh.
Một người làm phim mà thành công, liền kéo theo vài nhà sản xuất làm tiếp... đó là a dua!
Một người làm phim đồng tính thành công, kéo theo nhiều nhà làm phim lao vào đề tài này (trong đó có tôi), đó là đồng tính a dua !
Có thể ai đó thất bại, nhưng thị trường khôn ngoan lắm, nó sẽ tự điều chỉnh vì tiền túi bỏ ra mà.
Thành công với đề tài nông thôn
Đạo diễn Khải Hưng làm khá nhiều phim về đề tài nông thôn.
- Từng làm nên tên tuổi với dòng phim truyền hình, tại sao ông lại muốn ‘truyền hình hóa điện ảnh’, mang phim truyền hình 1 tập ra chiếu rạp?
Chẳng ai có thể “hóa “ được ai cả. Cái gì mang lại lợi ích cho cộng đồng là việc nên làm.
Nếu truyền hình làm phim 1 tập (tức là làm theo kiểu điện ảnh) được đón nhận thì tại sao không thể chiếu rạp để thu tiền, tăng thêm ngân sách.
Không nên chia bãi rạch ròi đâu là sân của ai. Ngày hôm nay có bao nghệ sỹ điện ảnh đang làm phim truyền hình ?chắc chắn là rất nhiều.
- Nhưng nếu mang phim truyền hình ra chiếu rạp thì phải chăng không cần phân định rõ ranh giới giữa hai thể loại phim này? Và nếu các phim làm theo kiểu truyền hình tranh nhau ra rạp cũng như tấn công màn ảnh nhỏ thì thị trường phim ảnh sẽ trở nên ‘nhộm nhoạm’?
- Làm sao có thể “nhộm nhoạm”, vấn đề này là lớn , nên phải có quyết định của các cấp có thẩm quyền , phải quy hoạch cụ thể ,chứ ý kiến của tôi chỉ mang tính đề xuất tự phát , là một gợi ý cho lãnh đạo thôi.
Các cụ đã dạy: “Nói phải thì củ cải cũng nghe".
- Việc các đài truyền hình phát sóng những bộ phim đã chiếu rạp là việc làm đã lâu, nhưng để phim chúng ta vẫn chưa có thông lệ hay quy định nào về việc phim truyền hình 1 tập đủ chất lượng thì sẽ được ra rạp, theo đạo diễn nguyên nhân do đâu?
- Năm 1999, ông Hai Nhất mua lại một số phim TH đã phát sóng, chiếu rạp ở TP Hồ chí Minh, bị báo chí lên tiếng nên phải dừng lại.
Vấn đề ở chỗ chưa có phép, hơn nữa phải là phim làm 2 trong 1 mới có thể chiếu ở ngoài rạp.
Thí dụ tôi sản xuất phim TH (kịch bản và phim được Đài THVN và Cục Điện ảnh duyệt). Nếu có rạp nào chiếu thì tôi vẫn được chiếu chứ! Luật có cấm đâu. Vấn đề ở chỗ chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
- Theo ông, việc ‘lội ngược dòng’ đưa phim truyền hình một tập ra rạp sẽ thay đổi điều gì ở giới làm phim Việt?
Lợi nhiều chứ. Cái lợi lớn nhất là phim mang bản sắc Việt không bị lấn lướt trên các phương tiện truyền thông và ở rạp chiếu phim.
Nhiều đạo diễn trẻ, có tài mới ra trường có cơ hội làm phim mà không, cả người già như tôi cũng sẽ không bị bỏ quên.
Nếu chủ trương này được bàn và thành hiện thực, tôi sẽ xin được làm phim thể nghiệm đầu tiên !
- Trở lại chủ đề đồng tính trong phim của ông, ông có e ngại trước những lời chê từ khán giả nếu như bộ phim của ông không thuyết phục được họ tin rằng “Tình yêu có thể chống lại quyền lực đồng tính”?
- Tôi đón nhận mọi sự khen chê cho đứa con tinh thần của mình, còn khi đã làm phim tôi chưa bao giờ thấy mất tự tin vào bản thân!
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!