Ở thời điểm hiện tại, Hoài Linh được gọi là "ông trùm" của làng giải trí. Chẳng biết cái "quyền lực ngầm" mà mọi người vẫn đồn đại kia đến nó to lớn đến nhường nào, chỉ biết rằng khi nhắc đến tên anh, ai cũng có đôi phần nể nang.
Hoài Linh được nể không phải bởi anh giàu, cũng chẳng phải vì đong kim cương bằng lon mà bởi cái tính nói được làm được. Và một phần của sự quyết liệt ấy xuất phát từ cái tính tự ái nặng.
Hoài Linh tự nhận, anh có tính tự ái cao lắm. Nghe ai nói gì mà không xuôi tai, anh cự liền. Đôi khi anh im lặng, khi khác lại chuyển thành hành động.
Câu nói của Vân Sơn khiến Hoài Linh tự ái
Có một câu chuyện cũ lắm nhưng không phải ai cũng biết. Số là những ngày đầu ở Mỹ, vì tò mò về mấy trung tâm băng đĩa ở California và muốn gặp những người nổi tiếng, Hoài Linh đã xin phép mẹ tới ở nhà dì ba tháng.
Thời gian ở đây, Hoài Linh quyết rằng, nếu sau ba tháng, không làm nên cơm cháo gì, anh sẽ về lại Florida và sống với gia đình. Ban đầu, anh đúng là không làm gì thật.
Không có quan hệ, không có phương tiện đi lại, anh chỉ ở nhà quanh quẩn, hết nấu ăn rồi tưới cây, xem phim chưởng.
Mãi cho đến khi được bầu sô Sơn Tùng rủ đến sinh nhật của Trizzie Phương Trinh chơi, anh mới có dịp trổ tài trên sân khấu, trước rất nhiều cái tên nổi tiếng ở Hải ngoại. Sau phần thể hiện trong hơi men ấy, anh vô tình giáp mặt Vân Sơn ngay trước cửa nhà vệ sinh.
Mê Vân Sơn đã lâu qua băng đĩa nên có dịp gặp, Hoài Linh chào liền. Vân Sơn hỏi han vài câu rồi đưa danh thiếp cho Hoài Linh với lời dặn: "Khi nào cần gì thì điện anh".
Như người khác, chắc có lẽ Vân Sơn đã nhận được điện thoại ngay sau hôm đó, bởi khi ấy Vân Sơn đã là một cái tên có tiếng, còn Hoài Linh chỉ mới là một kẻ chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang.
Ấy thế mà, Hoài Linh nhất quyết không gọi. Tất cả cũng chỉ bởi... tự ái.
"Tự ái của tôi nặng lắm. Nghe chữ cần gì thì điện anh là tôi không điện, nhất định không điện. Có cần gì thì tự tôi bươn chứ tôi không điện", Hoài Linh khẳng định.
Tự ái cho mình rồi tự ái cho người
Nói vậy để thấy, tính tự ái "ở chung" với danh hài Hoài Linh từ ngày xưa chứ không phải bây giờ mới ghé tới.
Cách đây không lâu, khi Hoài Linh chia sẻ về câu chuyện xây nhà thờ Tổ, công chúng lại thấy tính cách ấy hiện rõ mồn một.
Hơn 10.000 mét vuông đất ở quận 9 rồi tiền xây dựng, chưa kể các loại gỗ quý hiếm, biết bao nhiêu tiền dồn vào xây nhà thờ Tổ chung cho anh chị em nghệ sĩ, Hoài Linh chịu một mình.
Không phải vì các nghệ sĩ khác không chịu góp mà bởi vì anh không cho. Trước sau Hoài Linh vẫn khẳng định, có bao nhiêu làm bấy nhiêu chứ nhất quyết không xin ai.
Nhà Tổ Hoài Linh xây nghe đâu có kinh phí lên tới 100 tỉ.
"Xin họ cũng sẵn sàng ủng hộ thôi nhưng tôi nhận cũng sợ lắm. Nghệ sĩ mà, trời ơi đất hỡi lắm. Lúc vui thì sao cũng được, buồn thì nói tụi tui đóng góp không hà.
Không lẽ khi đó mình cưa cái đền trả cho người ta. Cái máu tôi kì lắm nghe, vậy chịu không được. Nên thôi tôi quyết định ai đóng góp thì đóng góp cái phần trang trí ở bên ngoài như trồng cây, trồng cỏ... rồi tôi sẽ ghi cái bảng công đức lưu lại", anh nói.
Vậy nên thôi, thà Hoài Linh chịu cảnh chạy sô liên tục xong chuyền nước, bị người ta cho là ôm đồm, tham lam còn hơn là để nơi thờ phụng linh thiêng bị nói ra nói vào.
Thà là anh dốc hết tiền bạc để sau này được tịnh tâm khi lui về ở ẩn còn hơn là mang sự ồn ào của giới showbiz vào nhà thờ Tổ.
Chưa hết, không chỉ tự ái cho mình, Hoài Linh còn tự ái cho người. Không chỗ dựa dẫm, không phải con nhà nòi, để được như ngày hôm nay, có đắng cay nào trong nghề Hoài Linh chưa kinh qua.
Bởi vậy hơn ai hết, anh hiểu rõ nỗi tủi nhục của những ngày đầu bước chân vào con đường nghệ thuật.
Đi diễn thấy mấy giọng ca trẻ ngồi chờ hoài không được lên hát, bị cắt suất vì tới giờ diễn của ca sĩ ngôi sao, bị xem thường, anh nổi điên. Hoài Linh sẵn sàng nhường giờ diễn của mình để họ được lên sân khấu.
"Đâu phải chuyện đơn giản là cho hát cũng được, không hát cũng được, cho người ta 200 ngàn rồi để người ta đi về. 200 ngàn là một chuyện nhưng cái mặt mũi, danh dự nữa, người ta cũng là ca sĩ mà.
Sống trên cuộc đời phải có sự công bằng, anh làm nhiều anh hưởng nhiều, tên tuổi anh lớn anh hưởng nhiều.
Tôi làm ít tôi hưởng ít nhưng phải cho tôi làm, vì là công việc nên phải cho tôi làm chứ không phải tối cứ tới ngồi xếp hàng đó, cho lên sân khấu mới được lên. Người ta tự ái tội nghiệp người ta", anh chiêm nghiệm.